Phát triển giống cần tuân theo tín hiệu của thị trường

NDO -

NDĐT - Sau 10 năm triển khai Đề án “Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” đã thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới vẫn chưa thực sự tạo được “quả đấm thép” mà chủ yếu tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh…

Sau 10 năm triển khai Đề án “Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” đã thu được những kết quả bước đầu.
Sau 10 năm triển khai Đề án “Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” đã thu được những kết quả bước đầu.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25-22-2009 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra ngày 24-6, tại Hà Nội.

Những kết quả bước đầu

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và các địa phương cả nước, Đề án đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Hệ thống nguồn gen cây trồng, vật nuôi tiếp tục được duy trì, lưu giữ và đánh giá. Đây là nguồn vật liệu vô cùng quan trọng, phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo giống trước mắt và lâu dài. Theo đó, đã thu thập 12.250 mẫu giống; đánh giá tính trạng hình thái 8.405 mẫu, lưu trữ 10.700 mẫu…. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được chọn tạo hoặc nhập nội; những giống có ưu thế đã được áp dụng trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm. Từ năm 2010 đến nay, đã công nhận được 685 giống cây trồng, 252 giống cây lâm nghiệp, 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản.

Một lượng lớn giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống đầu dòng, giống bố mẹ hạt lai… sản xuất ra từ các dự án đã được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận để nhân các cấp giống tiếp theo, cung cấp cho sản xuất đại trà. Các dự án trồng trọt đã sản xuất hàng chục nghìn tấn hạt giống gốc, giống siêu nguyên chủng; hàng trăm triệu củ giống, hom giống đầu dòng… Đó là nguồn giống để các thành phần kinh tế nhân các cấp giống tiếp theo phục vụ sản xuất. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã tuyển chọn 3.330 cây trội, xây dựng 380 ha vườn giống, 20 vườn vật liệu giống cây đầu dòng. Hằng năm, các đơn vị thực hiện dự án giống lợn cung cấp khoảng 4.500 - 6.000 con lợn cái hậu bị ông bà. Mỗi năm, các cơ sở đã sản xuất khoảng 40 tỷ con giống tôm sú; 100 tỷ con giống tôm chân trắng; giống nhuyễn thể 20 tỷ con…

Phát triển giống cần tuân theo tín hiệu của thị trường ảnh 1

Những giống có ưu thế đã được áp dụng trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) - đánh giá, tỷ lệ sử dụng giống cấp tiến bộ kỹ thuật hoặc tương đương trong sản xuất một số cây trồng, vật nuôi đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra (70%). Trong giai đoạn 2010-2018, gần 1.000 giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất; nhờ vậy, năng suất nhiều cây trồng, vật nuôi tăng vượt mục tiêu Đề án (15%). Năng suất sinh khối trong trồng rừng kinh tế tăng 50%. Trọng lượng lợn xuất chuồng tăng 32%; năng suất sữa tăng 200 - 300 kg/con/chu kỳ. Đã thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống, hằng năm, các doanh nghiệp và hộ dân đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng để sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Chưa tạo được "quả đấm thép"

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Việt cho hay, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới chủ yếu tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh; một số giống mới được công nhận nhưng chưa được sử dụng rộng trong sản xuất. Đáng chú ý, trong trồng trọt, mới chủ yếu tập trung chọn tạo giống lúa, ngô… vì vậy, từ 2010-2018, trong tổng số 248 giống được công nhận chính thức, có 80,6% là giống lúa và giống ngô. Chọn giống các loại rau ăn lá, điều, một số loại cây ăn quả… còn chưa được quan tâm; cây hồ tiêu 10 năm qua chưa có giống mới được công nhận. Tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng, vật nuôi chưa đạt mục tiêu đề ra; các địa phương còn tồn tại hiện tượng người sản xuất sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chưa đúng quy chuẩn kỹ thuật. Các thành phần kinh tế còn ít đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống.

Nguyên nhân là do, công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi ngắn ngày tốn ít thời gian, nhanh có kết quả và lợi nhuận nên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia. Hệ thống sản xuất giống cây trồng, vật nuôi hiện nay chưa đủ sức sản xuất giống đáp ứng nhu cầu thực tiễn đòi hỏi. Cơ chế, chính sách chưa thực sự thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, kết quả đạt được nêu trên là do Việt Nam đã chỉ đạo cơ bản hoàn thiện thành công hệ thống thủy lợi, tưới tiêu. Cạnh đó, Việt Nam có được hệ thống khuyến nông hoạt động hiệu quả, xuyên suốt, khoa học từ Trung ương đến địa phương.

Phát triển giống cần tuân theo tín hiệu của thị trường ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sản xuất giống cần phải theo tín hiệu thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn cho rằng, Đề án phát triển giống vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, hoàn thiện trong giai đoạn mới. Đó là việc thích ứng với thị trường chưa cao, vẫn tập trung quá nhiều vào các giống lúa, trong khi rất nhiều giống khác như rau, khoai tây, hoa… vẫn phải đi nhập khẩu rất lớn. Việc kêu gọi, huy động doanh nghiệp chưa đạt như mong đợi. Việc hội nhập chưa thực sự chủ động tìm hiểu, đánh giá, phân tích nhu cầu, thế mạnh thị trường thế giới. Vai trò quản lý của Nhà nước và cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội chưa được coi trọng và trở thành nhân tố quyết định. Đầu tư công chưa đến tầm và chưa tạo được ra đột phá nhất là vào các mũi trọng điểm định hướng. Chưa tạo ra "quả đấm thép" trong công tác phát triển giống.

Sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn từ nay đến 2030. Trong đó, đặt mục tiêu bảo đảm sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả được sản xuất từ cây đầu dòng đạt 90%, giống tiêu đạt khoảng 50%; tỷ lệ giống cây lâm nghiệp mới được công nhận đưa vào sản xuất đạt từ 70-80% trở lên; bảo đảm cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với thịt bò đạt 80%, lợn đạt 95% và gia cầm đạt 90%; bảo đảm chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng thủy sản…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN-PTNT khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống những cây trồng, vật nuôi được ưu tiên cơ cấu theo ba trục sản phẩm phát triển gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo những giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng cao.…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, giờ thị trường thay đổi rất lớn, cứ khư khư ôm cơ cấu cũ, ôm lúa, ôm lợn là chết".

“Tôi lấy thí dụ, Ninh Thuận, Bình Thuận giờ phải hướng tới nền nông nghiệp sa mạc, đồng bằng sông Cửu Long gắn với nuôi trồng thủy sản nước mặn nước lợ, Tây Bắc phải theo hướng cây ăn quả, cây dược liệu chứ không phải là ngô nữa. Để thực hiện được mục tiêu này thì khâu giống luôn luôn phải đi trước một vài bước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Đề án phát triển giống nông nghiệp giai đoạn mới, trong đó tập trung xuyên suốt chung quanh ba trục kinh tế ngành lớn là lâm nghiệp, thủy sản và nông nghiệp, tuy nhiên đề án mới cần phải được gắn chặt với yếu tố thị trường.

Để góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Đề án “Phát triển giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản giai đoạn 2021-2030”.