Phát huy lợi thế, thu hút các nguồn lực, xây dựng huyện Yên Lập phát triển toàn diện, bền vững

Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Phú Thọ, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Yên Lập đã phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Thị trấn Yên Lập ngày càng đổi mới.
Thị trấn Yên Lập ngày càng đổi mới.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Lập lần thứ 23 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Lập đã phát huy lợi thế, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Thực hiện đạt và vượt 20 trong số 21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,44%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu đạt được nhiều kết quả, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả nhiệm kỳ đạt hơn 4.170 tỷ đồng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn và thị trấn Yên Lập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,4%/năm; giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 28,3 triệu đồng/người/năm; các chế độ chính sách an sinh xã hội bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Năm 2018, 2019, Đảng bộ huyện Yên Lập được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện; lĩnh vực trọng điểm về phát triển kinh tế đồi rừng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong nhiệm kỳ đã triển khai thực hiện dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Trồng rừng gỗ lớn ở thượng huyện; sản xuất lúa chất lượng cao tại trung tâm huyện; phát triển bưởi Diễn tại Xuân Thủy, Đồng Thịnh, Phúc Khánh; trồng quế tại Trung Sơn, Thượng Long, Xuân An. Một số mặt hàng nông sản đã xây dựng được thương hiệu, được thị trường ưa chuộng như gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, bưởi Diễn, tinh dầu quế... Nhiều sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao đang được đưa vào nuôi, trồng thí điểm để nhân ra diện rộng như: đàn hương, nghệ đỏ, gừng trâu, đương quy, lợn rừng lai, nuôi cá lồng. Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng lên qua các năm; đặc biệt là năng suất lúa năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2015: 49,7 tạ/ha, năm 2019: 54,62 tạ/ha); diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao và một số cây trồng hiệu quả kinh tế cao được mở rộng và phát triển mạnh. So với mục tiêu Nghị quyết: sản lượng lương thực đạt 42.500 tấn, vượt 5.000 tấn; diện tích quế 1.725 ha, vượt 72,5%; bưởi Diễn đạt 289,2 ha, vượt 141%; đàn trâu 10.880 con, vượt 3,6%; đàn bò 9.840 con, vượt 82,2%; diện tích nuôi trồng thủy sản 600 ha, vượt 13,2%. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thực hiện tốt; diện tích trồng rừng tập trung 7.214,5 ha, vượt 44,3%; bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ duy trì hằng năm 7.600 ha; cây gỗ lớn tăng 5%, năng suất rừng trồng thâm canh vượt 10%; sản lượng gỗ khai thác hằng năm đạt hơn 120 nghìn mét khối. 

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm tập trung lãnh đạo thực hiện và đạt được kết quả quan trọng. Đã tập trung các nguồn lực, lồng ghép sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước với nguồn lực xã hội hóa thực hiện chương trình. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được phát huy. Quá trình xây dựng NTM đã thúc đẩy phát triển sản xuất, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân. Kết quả đến hết nhiệm kỳ đã có năm trong số 16 xã và 31 trong số 186 khu dân cư đạt khu dân cư đạt chuẩn NTM; toàn huyện đã đạt 256 trong số 304 tiêu chí (bình quân đạt 16 tiêu chí/xã), tăng 95 tiêu chí so với năm 2015 (tăng bình quân 5,9 tiêu chí/xã).

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển vượt bậc, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực. Huyện đã xây dựng được hai cụm công nghiệp là cụm công nghiệp tại thị trấn Yên Lập và xã Lương Sơn; đến nay, cả hai cụm công nghiệp có 10 nhà đầu tư thuê đất xây dựng nhà máy, năm doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.200 lao động; đồng thời thu hút ba doanh nghiệp đầu tư sản xuất ngoài cụm công nghiệp tại các xã Mỹ Lung, Hưng Long, Ngọc Đồng, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương. Cùng với việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, huyện đã chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phân tán ở các địa phương để sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như: Chế biến chè, sản xuất gạch không nung, tinh dầu quế, sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng, sửa chữa, cơ khí và chế biến nông lâm sản... Hiện nay, toàn huyện có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 699 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ đang hoạt động, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, thông tin, đi lại và trao đổi hàng hóa của nhân dân. Hệ thống chợ, siêu thị, đại lý, các cơ sở dịch vụ phát triển mạnh. Dịch vụ vận tải, viễn thông, thông tin liên lạc phát triển nhanh ngày càng đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm chỉ đạo, trong 5 năm đã đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp được hơn 500 công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư xây dựng trên địa bàn như: hồ chứa nước Ngòi Giành; kè thoát lũ đoạn từ hồ thủy điện đến dốc Đá Thờ, hạ tầng khu đô thị Bến Sơn, nhà điều trị chất lượng cao năm tầng tại Trung tâm Y tế, Nhà máy cấp nước sinh hoạt Thượng Long, Trung tâm vui chơi giải trí huyện Yên Lập... các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm thay đổi đáng kể diện mạo của huyện, đưa thị trấn huyện Yên Lập đạt tiêu chuẩn và được công nhận là đô thị loại V. 

Công tác quản lý về tài nguyên và môi trường đạt được nhiều kết quả quan trọng, huyện Yên Lập là địa phương đầu tiên của tỉnh đưa vào sử dụng dự án quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và dự án đo đạc bản đồ địa chính, đến nay, đã lập hồ sơ địa chính 100% diện tích tự nhiên, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt tỷ lệ 95,26%; triển khai thực hiện đề án về thu gom, xử lý rác thải, chất thải chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt hiệu quả. Tập trung chỉ đạo công tác dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất với tổng diện tích 205,24 ha. Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản được thực hiện tốt không để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo tiếp tục phát triển, quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển hợp lý, cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa với tỷ lệ lớp học được kiên cố hóa đạt 95,2%. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được chú trọng, trong nhiệm kỳ đã xây dựng được thêm 15 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia lên 47 trong số 59 trường. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đến nay, đã có 16 trong số 17 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm; trung bình có 6,4 bác sĩ/10 nghìn dân; số giường bệnh đạt 30,1 giường bệnh/10 nghìn dân. Các hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông, thể thao được quan tâm và đạt được nhiều kết quả, hằng năm tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt hơn 80%, gia đình văn hóa đạt hơn 85%. 

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tổ chức triển khai đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế, chính sách xã hội, hỗ trợ người nghèo gắn với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,4%/năm, đến nay toàn huyện còn 10,2%. Thực hiện tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện; bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội. Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt. Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện tốt. 

 Quốc phòng - an ninh ngày càng được củng cố. Hằng năm thực hiện tốt công tác tuyển quân, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định, xây dựng các phương án chủ động phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện trong nhiệm kỳ vừa qua được bảo đảm tốt, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra điểm nóng, vụ việc phức tạp về an ninh - trật tự trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tăng cường.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 890 đảng viên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 87,07%, chi bộ trực thuộc đảng ủy hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 92,13%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân đạt 90,8%. Kịp thời sáp nhập, giải thể các tổ chức đảng phù hợp với tình hình thực tế; sáp nhập các chi bộ khu dân cư sau khi kiện toàn. Làm tốt quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm. Công tác cán bộ thực hiện bảo đảm theo đúng phân cấp, quy định, quy trình, dân chủ, công tâm, khách quan. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt, chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Việc thi hành kỷ luật trong đảng được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy định, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri và ban hành các nghị quyết theo hướng sát thực tế, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân. UBND các cấp luôn phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội có chuyển biến tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng; đưa vào thực hiện bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại, giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống bưu chính công ích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, đúng quy định.

Phát huy những thành tích đạt được, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Yên Lập tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hai nhiệm vụ trọng điểm về phát triển kinh tế là “Phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là phát triển cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả” và “Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới” xây dựng huyện Yên Lập phát triển toàn diện, bền vững. 

CÁC MỤC TIÊU CHỦ YẾU

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 5.000 tỷ đồng trở lên. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt: 125 tỷ đồng trở lên.

Giá trị sản phẩm bình quân trên một héc-ta đất canh tác và thủy sản đến năm 2025 (tính theo doanh thu giá hiện hành) đạt: 115 triệu đồng.

Thu nhập bình quân đầu người đạt: 40 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt: 89,8% trở lên. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025: Dưới 50%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025: 68%; trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ trên 30%.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1%/năm; đến năm 2025: Dưới 5%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm trung bình 1%/năm; đến năm 2025: Dưới 7%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt: 95% dân số.

Phấn đấu có tám xã đạt chuẩn NTM (lũy kế), trong đó có một xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt: 96%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung đến năm 2025 đạt: 70%.

Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm: Từ 80% trở lên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ: Dưới 3,0%. 

Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm: Từ 90% trở lên; tỷ lệ đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ: Dưới 1,0%.