Nỗ lực bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước

Bài 2: Khẩn trương mở rộng cơ sở tính thuế

Rõ ràng, hoàn cảnh mới đặt nền kinh tế đất nước vào tình trạng hoạt động trong điều kiện bình thường mới: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh. Không thể đứng ngoài, ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng cần có các giải pháp quan trọng để thích ứng. Ngoài các giải pháp vĩ mô, ngành thuế cần khẩn trương áp dụng các giải pháp chuyên biệt, trong đó có mở rộng cơ sở tính thuế. Theo đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu thuế đã được ban hành, ngoài một số nguồn thu mới được đưa vào quản lý, còn có việc triệt để truy vết nguồn thu nhiều nợ đọng như thuế thu nhập cá nhân, thuế thương mại điện tử (TMĐT).

Làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Vĩnh Phúc. Ảnh: ĐẶNG MINH
Làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Vĩnh Phúc. Ảnh: ĐẶNG MINH

“Truy vết” nguồn thu - bài học từ thực tế

Nhìn lại công tác thu ngân sách trong năm 2020 mà đại dịch Covid-19 hoành hành, có thể thấy, trong sự sụt giảm với biên độ rộng, tốc độ cao của nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, vẫn có những ngành nghề có tăng trưởng cao, như ngành TMĐT. Tại Cục Thuế TP Hà Nội, do đề cao công tác tập trung nhận diện rủi ro hồ sơ khai thuế ngay tại trụ sở cơ quan thuế, và 100% các doanh nghiệp (DN) đều được phân tích rủi ro trước khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra; đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế, triển khai thanh tra, kiểm tra các chuyên đề diện rộng và chuyên sâu như: DN có giao dịch liên kết, chuyển giá, chuyển nhượng bất động sản, TMĐT, âm lỗ nhiều năm, hoàn thuế… nên kết quả thu ngân sách vẫn đạt yêu cầu, mà không để lọt đối tượng phải nộp thuế, cũng không quá “gạn thu”, gây tâm lý nặng nề cho đối tượng nộp thuế.

Theo Phó Cục trưởng Thuế TP Hà Nội Nguyễn Tiến Trường, năm 2020, ngành thuế Thủ đô đã chú trọng quản lý đối với các cá nhân kinh doanh TMĐT phát sinh thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook...). Đối với hoạt động bán hàng qua mạng và cho thuê nhà, đăng thông tin qua các trang mạng nước ngoài, bán hàng qua mạng,  Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp với các nhà cung cấp ứng dụng để thu thập thông tin của các cơ sở bán hàng qua mạng, cho thuê nhà, cung cấp dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Theo đó, qua truy vết hoạt động bán hàng qua mạng, cơ quan thuế đã thu thập được 9.707 thông tin giao dịch có sử dụng ứng dụng giao hàng cho bên mua. Đồng thời thu thập được thông tin của 756 chủ cơ sở cho thuê nhà, cung cấp dịch vụ lưu trú có đăng ký sử dụng ứng dụng cho thuê nhà, có tổng số địa điểm cho thuê là 2.307 địa điểm cơ sở cho thuê nhà, dịch vụ lưu trú. Cục Thuế TP Hà Nội đã chỉ đạo cung cấp thông tin giao dịch liên quan đến hoạt động bán hàng qua mạng và cho thuê nhà để các chi cục thuế xây dựng kế hoạch xác minh địa điểm kinh doanh của các cơ sở,  rà soát lập bộ quản lý cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

Trên phạm vi toàn quốc, công tác “truy vết” người có doanh thu phải nộp thuế đã được Tổng cục Thuế rất chú trọng. Theo Bộ Công thương, đây là ngành có mức tăng trưởng cao, tốc độ nhanh, ngày càng sôi động, trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác thu thuế với tất cả các đối tượng tham gia giao dịch điện tử còn có hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa xứng với tiềm năng. Thêm vào đó, các giao dịch này thường không thanh toán không dùng tiền mặt, do đó, khả năng “truy vết” là rất khó khăn. Việc để lọt người phát sinh doanh thu tính thuế là bài toán nan giải cho cơ quan hành thu, bởi làm thế nào để không tận thu thuế, mà  ngược lại, thúc đẩy tạo ra nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến là vấn đề rất nóng của ngành thuế hiện nay.

Tích hợp mã QR lên thông báo thu

Tổng cục Thuế cho biết, năm 2021, để tiếp tục tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN, sẽ có thêm nhiều thay đổi trong chính sách thuế. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về tiếp tục gia hạn nộp thuế đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, đề xuất chính sách giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng. Chưa tính những chính sách khác nếu dịch bệnh bùng phát kéo dài, đây đã là một trong những số thu không nhỏ có thể không đạt tiến độ và tỷ lệ thu. 

Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đã đề ra giải pháp chủ động ứng phó, thu thập thông tin, dữ liệu báo cáo đánh giá tình hình thu NSNN của tập đoàn, tổng công ty, DN lớn theo danh sách 561 tập đoàn, tổng công ty và công ty, đơn vị thành viên, một số khoản thu. Tiếp tục tổ chức đôn đốc thu NSNN đối với một số khoản thu ngân sách T.Ư (dầu thô, khí thiên nhiên, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng đất T.Ư, phí và lệ phí thuộc ngân sách T.Ư,…); Ban hành quy chế với các ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng thương mại. Tiếp tục làm việc với một số ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán nghiên cứu quy trình thu nộp thuế qua App đối với hộ kinh doanh, tích hợp mã QR lên thông báo thuế theo đề nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.  

Đặc biệt, Tổng cục Thuế quyết định thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn, đồng bộ hơn công tác thực hiện đề án mở rộng cơ sở thuế. Để thực hiện tốt công tác này, ngành thuế sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong dư luận xã hội, làm rõ mục tiêu xây dựng đề án mở rộng cơ sở tính thuế không phải để tăng thuế suất, mà là tăng phạm vi đánh thuế, bảo đảm bao quát nguồn thu. Theo Phó Tổng cục trưởng Thuế Vũ Chí Hùng, đây là đề án được áp dụng cho việc mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu NSNN giai đoạn 2020 - 2025, có mục tiêu là hoàn thiện chính sách và quản lý thu theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, áp dụng mức thuế suất hợp lý trên nguyên tắc bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với khu vực và thế giới. Đề án cũng hướng đến mục tiêu bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, không để xảy ra tình trạng lạm dụng thu, gia tăng gánh nặng thuế đối với người nộp thuế.

Như vậy, việc mở rộng cơ sở thuế không đồng nghĩa với việc gia tăng thuế suất trên mỗi cá nhân, mà là mở rộng phạm vi đánh thuế, theo hướng thu hút ngày càng nhiều đối tượng vào diện chịu thuế, hoặc nâng giá trị tính thuế nhằm nâng số thu từ thuế trong phạm vi cả nước. Trong đó, có một số lĩnh vực được đặc biệt chú trọng là kinh doanh TMĐT dựa trên nền tảng số; lĩnh vực hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán mà có mức thuế thấp, không phù hợp với doanh thu thực tế.

--------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4-3-2021.