Ninh Thuận tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Thuận đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn trong tỉnh từng bước khởi sắc, kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều tại khu vực nông thôn của tỉnh Ninh Thuận giảm xuống còn 11,48%. Toàn tỉnh hiện có 26 trong số 47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 55% số xã), trong đó huyện Ninh Phước được công nhận huyện nông thôn mới năm 2019 và huyện Ninh Hải đã đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.

Thu hoạch, đóng gói nho tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TRẦN HÒA
Thu hoạch, đóng gói nho tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TRẦN HÒA

Tỉnh đã xây dựng kế hoạch và dự kiến huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nhu cầu vốn khoảng 4.165 tỷ đồng. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có ba huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Phấn đấu năm 2025, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trong tỉnh tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới bền vững, đạt được các mục tiêu về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân trong năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh Ninh Thuận chú trọng các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; chú trọng liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để phát triển kinh tế.

* Năm 2020, tỉnh Hà Giang tăng cường kiểm tra thực hiện quy chế văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương tại các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Các đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, việc niêm yết các văn bản, hướng dẫn cho người dân đến giao dịch tại xã; công tác vệ sinh cảnh quan môi trường công sở cũng như thái độ, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức tại các đơn vị.

Kết quả kiểm tra tại một số sở và các địa phương cho thấy, về cơ bản việc chấp hành quy chế văn hóa công sở được các đơn vị thực hiện tốt. Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đã tích cực tuyên truyền và triển khai đầy đủ các văn bản của tỉnh thực hiện các quy định về quy chế văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương hành chính đến các phòng và đơn vị trực thuộc. Cán bộ, công chức, viên chức các sở chấp hành tốt các quy định như: Quy định đeo thẻ trong giờ làm việc, quy định về trang phục công sở; xây dựng, ban hành chương trình hành động năm, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng quy định về biển tên cơ quan; niêm yết sơ đồ phòng làm việc, danh sách công chức, viên chức đối với phòng làm việc có từ hai người trở lên. Bố trí phòng làm việc gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, bảo đảm tính thẩm mỹ, an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Thời gian, giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị được chấp hành nghiêm, không có hiện tượng uống rượu trong giờ hành chính. Cán bộ, công chức hòa nhã, nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ người dân. Cán bộ, công chức cấp xã có chuyển biến rõ rệt, chấp hành nghiêm túc thời gian làm việc, đeo thẻ công tác, có lịch công tác tuần, tháng theo quy định. Việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ hành chính với công dân và các tổ chức được thực hiện nghiêm túc.