Những nỗ lực kiểm soát lạm phát

NDO -

NDĐT - CPI quý 1 đã tăng 5,56% so cùng kỳ năm 2019, cao hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đã thông qua. Trong bối cảnh dịch chồng dịch, để có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát cần nhiều nỗ lực lớn.

Nguồn cung thịt lợn chưa phục hồi do dịch tả lợn châu Phi.
Nguồn cung thịt lợn chưa phục hồi do dịch tả lợn châu Phi.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 3 đã giảm 0,72% so với tháng 2, nhưng tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù con số -0,72% là mức giảm CPI theo tháng mạnh nhất của tháng 3 kể từ năm 2003 đến nay, nhưng con số +4,87% cũng là con số cao nhất của lạm phát tính theo năm của tháng 3 trong vòng sáu năm qua. Ngoài ra, tính trung bình, CPI quý 1-2020 đã tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số cao hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đã thông qua.

Câu hỏi nhận được sự quan tâm hiện nay là làm thế nào để Chính phủ kiểm soát thành công lạm phát trong năm 2020?

Nhìn vào rổ hàng hóa CPI, không khó để nhận thấy rằng lạm phát quý 1-2020 cao hơn mức 4% chủ yếu do giá thịt lợn tăng tới 58,81% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp làm CPI chung tăng 2,47%. Mặc dù hiện nay suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho giá dầu thô giảm mạnh so với kỳ vọng, nhưng điều này có thể chưa đủ để kéo lạm phát cùng kỳ xuống dưới 4% trong quý 2 tới, bởi những diễn biến về giá thịt lợn lại không được như mong đợi.

Trong khi nguồn cung thịt lợn chưa phục hồi do dịch tả lợn châu Phi, việc nhập khẩu thịt lợn quý 1 tăng tới 300% so với cùng kỳ năm trước có vẻ vẫn chưa đủ để kéo giá xuống còn 60.000 đồng/kg. Có một số cách lý giải hay được sử dụng như sau:

Thứ nhất, do nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc cũng chưa phục hồi sau dịch Covid-19, nên nhu cầu thịt lợn cho xuất khẩu sang nước này vẫn cao;

Thứ hai, thịt lợn đông lạnh không được ưa chuộng tại Việt Nam bằng thịt lợn tươi;

Thứ ba, giá thịt lợn nhập khẩu không quá rẻ, nếu tính thêm cả thuế và các chi phí khác khi đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, có lẽ vấn đề nan giải nhất là do mặc dù việc nhập khẩu nhiều thịt lợn có thể giúp hạ nhiệt CPI nhanh chóng, nhưng khi các nhà sản xuất nước ngoài chiếm được thị phần tại Việt Nam, các doanh nghiệp và bà con nông dân trong nước sẽ gặp khó khăn về cạnh tranh trong tương lai. Đây là thế lưỡng nan đối với các nhà quản lý khi phải đánh đổi các lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn.

Hiện nay, cách giải quyết mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng tới là đàm phán với các doanh nghiệp trong nước để hạ giá thịt lợn, trước tiên xuống còn mức 70.000 đồng/kg từ mức hơn 80.000 đồng/kg hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp này có thể gặp nhiều khó khăn khi vẫn còn nhiều người nuôi lợn nhỏ lẻ.

Với thực trạng thị trường hiện nay, đã có một số dự báo giá thịt lợn chỉ giảm xuống mức 60.000 đồng/kg từ quý 3. Nếu vậy, lạm phát trung bình trong nửa đầu năm 2020 nhiều khả năng sẽ ở mức khoảng 5%. Muốn đạt mục tiêu lạm phát trung bình cả năm 2020 dưới 4%, lạm phát trung bình nửa sau năm 2020 phải ở mức dưới 3%. Nhưng điều này không chắc chắn. Giá thịt lợn có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng giá xăng dầu cũng có thể tăng trở lại. Với mức lạm phát cơ bản hiện cũng khoảng 3%, xác xuất lạm phát trung bình cả năm 2020 dưới 4% chỉ vào khoảng 50%. Do đó, để đạt mục tiêu kiểm soát thành công lạm phát, cần nhiều nỗ lực quyết liệt hơn nữa từ nay đến cuối năm.