Bác bỏ hạn ngạch dệt may:

Những khó khăn của ngành dệt may Việt Nam

Cho đến thời điểm này, tức là chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, mặc dù có những ý kiến phản đối nhưng WTO vẫn quyết định bỏ hạn nghạch xuất khẩu dệt may cho các thành viên của tổ chức này từ ngày 1-1-2005. Khi đó, bản đồ xuất nhập khẩu hàng dệt may thế giới sẽ có sự thay đổi mạnh và luồng thương mại dệt may sẽ có xáo động lớn.

Các nhà phân tích cho rằng, sẽ xảy ra tình trạng phá sản hàng loạt các doanh nghiệp dệt may ở những nước có khả năng cạnh tranh yếu kém, hàng chục triệu người ở các nước có nền công nghiệp dệt may kém phát triển sẽ bị mất việc làm. Đây thực sự là mối lo ngại đối với Việt Nam.

Những hạn chế

Mổ xẻ các vấn đề liên quan tới việc phát triển ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, khâu yếu nhất là sản xuất vải và phụ liệu phục vụ cho may xuất khẩu. Khoảng 80% nguyên phụ liệu vẫn phải nhập khẩu, sản phẩm yếu về mẫu mốt, chủng loại, nhãn mác, phần lớn các doanh nghiệp chưa có thương hiệu của mình, ngay cả việc đăng ký sở hữu bản quyền, thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm thoả đáng, năng suất lao động của công nhân Việt Nam hiện còn ở mức thấp, chi phí giao dịch còn lớn.

Điều đó đang hạn chế sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như của toàn ngành nói chung. Theo Bộ Thương mại, mức sản xuất thực tế vẫn thấp hơn năng lực sản xuất thiết kế chủ yếu do khâu đào tạo công nhân chưa được quy hoạch cụ thể, chưa có chiến lược dài hạn. Nền sản xuất dệt may nhìn chung vẫn trong tình trạng lạc hậu và mất cân đối giữa khâu dệt và khâu may, sản lượng sản phẩm xuất khẩu mới đạt khoảng 400 triệu, trong khi Trung Quốc là 10 tỷ, Indonesia 3 tỷ, Thái-lan 2,5 tỷ sản phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng hiệu quả còn thấp do có tới khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu thực hiện theo phương thức gia công, chỉ khoảng 30% xuất khẩu theo phương thức bán sản phẩm. Thị phần và khách hàng Việt Nam trên thị trường thế giới còn khá nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có (mới chỉ chiếm khoảng 0,95% thị trường EU, 2,9% thị trường Nhật Bản, 3,2% thị trường Hoa Kỳ và khoảng 1% tổng thương mại dệt may toàn cầu), còn bị phụ thuộc vào hạn ngạch, chưa tận dụng hết khả năng khai thác thị trường không hạn ngạch và chưa thâm nhập được vào mạng lưới phân phối của các thị trường lớn thường phải xuất khẩu qua trung gian.

Bất lợi trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Với những hạn chế nêu trên rõ ràng sự bất lợi sẽ nghiêng về phía Việt Nam trong cạnh tranh hàng dệt may xuất khẩu với các nước có tiềm năng như Trung Quốc, ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... khi hạn ngạch được dỡ bỏ.

Bởi lẽ, bỏ hạn nghạch, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, các nước nhập khẩu sẽ được tự do lựa chọn nơi nào có ngành dệt may cạnh tranh hơn để nhập khẩu hàng hoá. Khi đó, tình hình chắc chắn sẽ có lợi hơn cho các nước có đầy đủ năng lực cạnh tranh chiếm thêm thị phần mà trước đó đã là của nước khác. Các nước có tiềm năng sản xuất, xuất khẩu với công nghệ tiên tiến, chủ động được nguyên phụ liệu, có các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, được chính phủ quan tâm đầy đủ thì sẽ tận dụng được cơ hội này để phát triển.  

Trong số các nước này, Trung Quốc sẽ trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, vượt trội mọi quốc gia khác. Ngoại trừ Hồng Kông, hiện Trung Quốc chiếm tới 19,7% thị trường dệt may thế giới, trong khi năm 1995 chỉ chiếm 7%, chiếm khoảng 2/3 thị phần tại thị trường phi hạn ngạch của Nhật Bản. Các nước sản xuất nhỏ sẽ bị cạnh tranh gay gắt, một số công ty sẽ phải đóng cửa, công nhân phải nghỉ việc, và một số công ty thậm chí có thể sẽ chuyển sang sản xuất tại Trung Quốc.

Đối đầu với nhiều khó khăn lớn hơn

Bộ Thương mại cho biết, sau khi bãi bỏ hạn ngạch thì ưu đãi về thuế quan trong các thoả thuận chung được thiết lập trên cơ sở song phương hoặc một nhóm nước sẽ là nhân tố làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của các nước nằm ngoài thoả thuận. Cụ thể, đối với thị trường Hoa Kỳ là các thoả thuận với các nước vùng Caribe, Đạo luật ưu đãi thương mại với các nước thuộc dãy núi Andean, Đạo luật về tăng trưởng và cơ hội cho các nước châu Phi và hơn hết là Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Đối với EU là thoả thuận Hiệp hội châu Âu - Địa Trung Hải...

Ngoài ra, các rào cản thương mại khác như chống bán phá giá, các quy định nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hoá mà các nền kinh tế phát triển như EU, Hoa Kỳ thường xuyên sử dụng sẽ là những cản trở đối với xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. 

Hơn nữa trong giai đoạn đầu thực hiện việc bãi bỏ hạn ngạch, các nước có quyền áp đặt các biện pháp tự vệ tạm thời trong vòng ba năm kể từ năm 2005 để bảo vệ sản xuất trong nước. Bằng chứng cho thấy, hiện ngành dệt may Mỹ đang khiếu kiện lên Chính phủ Hoa Kỳ đòi phải áp đặt các biện pháp bảo hộ đối với một số mặt hàng may mặc của Trung Quốc. Nếu Chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận, hạn ngạch sẽ được áp dụng đối với Trung Quốc từ trung tuần tháng 1-2005. Còn Việt Nam lại sẽ gặp khó khăn hơn vì vẫn được coi là nước có nền kinh tế phi thị trường.

Có thể nói rằng ngay cả khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, ngành dệt may Việt Nam, cũng như nhiều nước khác, vẫn chịu sức ép rất lớn trước sức cạnh tranh của hàng dệt may Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan...

Trong khi đó, dù đang đàm phán khẩn trương, nhưng vẫn chưa thể khẳng định Việt Nam có thể gia nhập WTO vào năm 2005. Vì vậy, rất cần tính đến khả năng Việt Nam vẫn phải chịu áp đặt hạn nghạch dệt may trong năm 2005, khi đó thách thức và sức ép còn lớn hơn. Bởi lẽ, ngoài thách thức và sức ép mà doanh nghiệp các nước phải đối đầu, Việt Nam còn phải chịu thêm sức ép do việc tiếp tục bị áp đặt hạn nghạch. Việc xuất khẩu theo hạn nghạch làm tăng chi phí giao dịch của các doanh nghiệp.

Các nhà phân tích dự báo rằng, sau khi bỏ hạn nghạch, giá bán các sản phẩm dệt may sẽ giảm khoảng 20%. Một thí dụ cụ thể: khi Hoa Kỳ bỏ hạn nghạch cho Trung Quốc 25 cat thì giá trung bình của các cat này giảm 48%, còn thị phần của Trung Quốc ở những cat đó tăng từ 9% năm 2001 lên 61% năm 2004. Đây là sức ép rất lớn đối với các nhà sản xuất dệt may, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã từng đưa ra nhiều giải pháp như đầu tư máy móc thiết bị, tạo nguồn nguyên liệu, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào... để đối mặt với "cuộc chiến thương mại dệt may" thời kỳ hậu hạn ngạch. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực hiện các giải pháp này còn diễn ra quá chậm, hiệu quả chưa cao.

Điều này cũng khiến người ta lo lắng cho cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Việt Nam với các nước trong thời gian tới, nếu không có sự thay đổi thì phần thắng nghiêng về phía nào đã quá rõ!