Những điểm sáng trong phát triển kinh tế Thủ đô

NDO -

Thủ đô Hà Nội đang “thay da, đổi thịt” từng ngày và liên tục ghi nhận dấu mốc thế và lực mới trong phát triển kinh tế, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
   

Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: NDĐT
Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: NDĐT

Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đang đóng góp gần 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Chất lượng tăng trưởng đang dần được cải thiện, với năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% trong tăng trưởng GRDP so với mức bình quân cả nước 44,3%. Năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,65 lần cả nước, bình quân 5 năm tăng 6,15%, vượt mục tiêu đề ra (5,4-5,9%), cao hơn trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (4,9%) và cả nước (5,8%). Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm khoảng 91% sản lượng ngành công nghiệp. Công nghiệp công nghệ cao được định hình phát triển tại 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao và tập trung ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học,... ; khoảng 11 nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổng doanh thu hằng năm 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư hiệu quả, với 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Thương mại điện tử phát triển mạnh với khoảng 10 nghìn website/ứng dụng được chấp thuận hoạt động, doanh thu chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. 

Hà Nội đang chiếm khoảng 30% trong tổng số 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động doanh nghiệp trên cả nước tính đến ngày 31-12-2019. Bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân, riêng Hà Nội có 19,3 doanh nghiệp.  Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 6/2020, Hà Nội có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn điều lệ là 1,396 triệu tỷ đồng. Khu vực kinh tế tư nhân hiện thu hút khoảng 83% tổng số lao động xã hội và đóng góp trên 22% GRDP, so với mức 20,8 % của năm 2015. Kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã phát triển khá, ngày càng đa dạng, năm 2019, thành phố có 1.942 hợp tác xã, tỷ lệ hoạt động hiệu quả khoảng 65%. 1.350 làng nghề và làng có nghề (305 làng nghề được công nhận) được khuyến khích tiếp tục phát triển. 

Hệ số ICOR trung bình đạt 4,5. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách trên 2.200 dự án, vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư về cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin… Đầu tư nhà nước chỉ còn chiếm khoảng 33,88% đầu tư xã hội trên địa bàn vào năm 2020.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 1.188,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,1%/năm; Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 27% năm 2015 lên 44,9% tổng chi NSNN năm 2020…

Sự phát triển kinh tế Thủ đô nêu trên là kểt quả hội tụ của nhiều nhân tố, đặc biệt nhờ  khai thác và phát huy các động lực thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo.. 

Chỉ số PCI  của Hà Nội tăng hạng liên tục bảy năm liền và năm 2018, 2019 lên vị trí thứ 9, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tiếp tục duy trì trên 80%, về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra. Tính đến ngày 31-8-2020, thành phố cung ứng 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. 

Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; 100% sở, ban, ngành, địa phương được kết nối mạng WAN (mạng diện rộng); tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%, khai hải quan điện tử đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%. Các loại thị trường dần phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, lao động, khoa học, công nghệ... Công tác quản lý tài sản công, quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hiệu quả sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước được nâng lên.

Đặc biệt, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP năm 2021 nhằm thúc đẩy DNNVV phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số, tham gia liên kết chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của DNNVV ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN; phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm tăng thêm từ 10% (khoảng 30.000 doanh nghiệp); Tạo thêm 150.000 việc làm mới cho người lao động, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, đóng góp khoảng 45% GRDP và trên 30% ngân sách TP.

Theo đó, các DNNVV sẽ được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đặc biệt, được hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, 70% kinh phí tổ chức các khóa về quản trị kinh doanh...

Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới và đứng thứ hai cả nước về lũy kế thu hút FDI.

Năm 2019, thành phố có 353/382 xã (đạt tỷ lệ 92,4%) đã được công nhận, trong số đó có 11 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; sáu huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; thị xã Sơn Tây đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,69%. Thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng được 301 sản phẩm, trong đó có sáu sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao...

Thủ đô Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới; trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội cũng tham dự tích cực tại các diễn đàn đa phương như Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21); Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Á- Âu (ASEM); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố nói tiếng Pháp; Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời. Hà Nội cũng duy trì quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Hà Nội, các tổ chức tài chính tiền tệ như: WB, IMF, ADB, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)…

Trong lịch sử ngahìnn năm sâu lắng và hào hùng của mình, có lẽ chưa bao giờ Rồng Hà Nội dồi dào sinh lực, vươn cao và tỏa sáng đến thế... Mặc dù còn nhiều bề bộn và bức xúc của một thành phố đang “thay da đổi thịt” từng ngày, chủ động đổi mới, chủ động phát triển. Với thế và lực mới, Hà Nội ngày càng tự tin và quyết tâm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô thành “Thành phố sáng tạo.” 

Yêu cầu hàng đầu trong phát triển kinh tế thủ đô trong những năm tới là nâng cao chất lượng phát triển, chủ động chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ và hàm lượng chế biến cao, có triển vọng thị trường trong nước, quốc tế và phù hợp lợi thế so sánh của Thủ đô; Tập trung trọng tâm vào chuyển dịch cơ cấu nội ngành kinh tế và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư. Phát triển các ngành, lĩnh vực tạo nền tảng, có tính liên kết, liên ngành và đáp ứng tính đồng bộ thị trường cao, đồng thời từng bước hình thành và phát triển các bộ phận, lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và quản lý chất lượng  đáp ứng yêu cầu hiện đại và tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với từng lĩnh vực và sản phẩm cụ thể. Chủ động giữ vững và mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ chủ động xây dựng và thực hiện những cơ chế, chính sách mới, có tính đặc thù cao, tạo đột phá trong đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất và quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, khuyến khích hợp tác, liên doanh, liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp, các địa phương trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững.

Về lâu dài, chính khả năng khai thác, kế thừa, lôi cuốn, quy tụ và lan toả được nhiều tiềm lực, điều kiện từ bên ngoài, cũng như năng lực tự tích lũy được về kinh nghiệm và bản lĩnh lãnh đạo, kinh doanh, trình độ phát triển về hạ tầng kỹ thuật, về các nguồn vốn tài chính, nguồn nhân lực, tri thức - công nghệ và các dạng thị trường... sẽ tạo tiền đề và động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong tương lai.  

Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Hà Nội mới cần nêu cao tinh thần đồng tâm, hiệp lực, thống nhất nhận thức và tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong các tổ chức, cơ quan công quyền và nhân dân, giảm thiểu tình trạng cát cứ địa phương, bè phái, mất dân chủ và cơ hội chủ nghĩa. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ, thúc đẩy sản xuất, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tích cực triển khai công tác xã hội hoá trong các lĩnh vực.  Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, giả quyết việc làm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc,tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phòng chống các tệ nạn và tội phạm các loại trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế đầy đủ hơn, sâu và rộng hơn.

Với những thành quả và bài học của quá khứ, với sức Rồng Ngàn năm, cộng với sự đồng tâm, đồng sức và sự hòa đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, với các địa phương và với bạn bè khắp năm châu, chắc chắn Hà Nội sẽ vững vàng vượt qua những thách thức, phát huy những lợi thế, xây dựng Thủ đô ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện của Bác Hồ và xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của cả nước…