Ngành mía đường gian nan trước ngưỡng cửa hội nhập

(Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Tìm hướng đi phù hợp

Theo các chuyên gia ngành mía đường, việc Hiệp định thương mại hàng hóa (ATIGA) chính thức có hiệu lực sẽ vừa là thách thức, vừa là thời cơ cho ngành mía đường nước ta. Nhưng để tránh “thua ngay trên sân nhà” thì ngành mía đường cần tái cơ cấu phù hợp thực tiễn sản xuất, cần đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sau đường như phân hữu cơ vi sinh, điện sinh khối, xăng sinh học… để tăng lợi nhuận, cạnh tranh sòng phẳng với ngành mía đường thế giới.

Nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch mía niên vụ 2018-2019.
Nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch mía niên vụ 2018-2019.

Giảm giá thành sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm

Có thể nhận thấy, qua quá trình canh tác thời gian qua, thu nhập từ trồng mía dù chưa cao, song đã tạo công ăn việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho hơn 330.000 hộ nông dân, hơn 1,5 triệu lao động nông nghiệp, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù dư địa và tiềm năng sản xuất mía nguyên liệu của nước ta vẫn còn nhiều nhưng trên thực tế ngành mía đường vẫn còn nhiều điểm yếu cần giải quyết. Gần 10 năm gần đây, các giống mía mới lai tạo trong nước hoặc nhập về từ nước ngoài mới chỉ chiếm khoảng 50% tổng diện tích. Cơ cấu giống chưa phù hợp thực tế của từng vùng và chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng mía mặc dù đã tăng theo từng năm, song vẫn thấp hơn 7% so mức bình quân của thế giới. Trong hơn 20 năm qua, bình quân chữ đường chỉ đạt xấp xỉ 10 CCS, trong khi chữ đường của mía trồng ở các nước như Thái-lan, Trung Quốc đạt từ 12 đến 14 CCS. Năng suất đường nước ta chỉ đạt 5 tấn đường/ha, thấp hơn nhiều so bình quân của thế giới. Không những vậy, hầu hết diện tích trồng mía là sở hữu của nông dân, quy mô gia đình (0,3 đến 0,5 ha/hộ vùng thấp, 0,7 ha/hộ vùng gò đồi) nên khó áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến; tỷ lệ cơ giới hóa thấp chỉ khoảng 10 đến 20%, chi phí công lao động chiếm đến 28% giá trị cây mía. Những yếu tố nêu trên khiến giá thành mía cao, chiếm 70 đến 80% giá thành sản xuất đường.

Không những vậy, việc quản lý thị trường bán lẻ nội địa chưa được sắp xếp và quản lý hiệu quả, mảng nội thương gần như bị thả nổi. Do vậy, khi đến tay người tiêu dùng, giá đường đã tăng lên từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg so với giá bán tại nhà máy. Mặt khác, việc thu mua mía giữa doanh nghiệp và nông dân còn nhiều bất cập. Tình trạng mua xô, mía lẫn tạp chất chưa được ngăn chặn, chưa khuyến khích được những người trồng mía có chất lượng tốt. Tổn thất sau thu hoạch lớn. Ðiển hình như niên vụ 2017-2018, năng suất mía bình quân thống kê tại ruộng hơn 64 tấn/ha, nhưng khi về đến nhà máy chỉ còn 56 tấn/ha (hao hụt 8 tấn/ha); việc phân chia hài hòa lợi ích giữa sản xuất và chế biến vẫn còn không ít hạn chế, bất cập như: chưa minh bạch hóa trong thu mua mía nguyên liệu theo chữ đường; giá thu mua mía đầu vụ và phân phối lợi nhuận cuối kỳ.

Chính vì vậy, nâng cao năng suất, chất lượng mía là yêu cầu quan trọng nhất trong các biện pháp giúp giảm giá thành sản xuất mía. Các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về giống nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng mía nguyên liệu (bảo đảm đạt hơn 70 tấn/ha; chữ đường bình quân hơn 11 CCS), giúp hạ giá thành đường. Trong đó, chú trọng phát triển giống mía năng suất, chất lượng cao phù hợp từng vùng nguyên liệu và từng nhà máy; xây dựng các trung tâm giống, khu lưu giữ các giống mía nhập khẩu từ nước ngoài, khu trình diễn giống và tiến bộ kỹ thuật canh tác mía. Các doanh nghiệp sản xuất đường nên chủ động nhân giống, cung cấp cho trồng mới hằng năm đối với vùng nguyên liệu mía của nhà máy.

Ðồng thời, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía tùy theo quy mô, đặc điểm vùng nguyên liệu để lựa chọn phương án sử dụng máy móc phù hợp. Ðối với những vùng diện tích lớn, địa hình tương đối bằng phẳng có thể áp dụng các máy công suất lớn từ khâu làm đất, vun xới, thu hoạch mía. Những vùng đồi núi có độ dốc lớn, phân tán, khuyến khích sử dụng máy công suất vừa, làm đất đủ độ sâu, các máy nhỏ sử dụng trong các khâu chăm sóc. Cùng với đó là khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất hình thành cánh đồng mía lớn; phát triển mía ở những diện tích có khả năng tưới hoặc trên đất một vụ lúa hiệu quả thấp. Thông qua các hình thức kinh tế hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất khoa học, trong đó doanh nghiệp mía đường tham gia cổ phần và đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt chuỗi giá trị. Doanh nghiệp sản xuất đường có trách nhiệm ký hợp đồng hỗ trợ, hợp tác và bao tiêu mía nguyên liệu; thực hiện kế hoạch thu mua mía đúng thời điểm đã cam kết; phân chia lại lợi ích cho người sản xuất mía nguyên liệu trong trường hợp giá bán đường bình quân cả niên vụ cao hơn giá dự kiến từ đầu vụ sản xuất. Ngoài ra, các nhà máy cần minh bạch trong xác định chữ lượng đường khi thu mua mía nguyên liệu.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Phạm Quốc Doanh cho rằng, việc Hiệp định ATIGA có hiệu lực trong bối cảnh ngành mía đường còn quá nhiều khó khăn như hiện nay sẽ là thách thức nhưng cũng tạo cơ hội cho những đơn vị có sự chuẩn bị kỹ càng khi “sân chơi” mở rộng. Do đó, các nhà máy đường không nghĩ đến đa dạng hóa sản phẩm thì khó có thể hạ giá thành đường và khó cạnh tranh được với ngành đường thế giới. Hiện cả nước có 36 nhà máy đường đang hoạt động nhưng chỉ có chín nhà máy sản xuất điện. Vì vậy, các nhà máy đường cần tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng các nhà máy phát điện, coi điện là một trong những sản phẩm chính. Cùng với đó cần xây dựng các dự án triển khai sản xuất xăng ethanol từ mía và mật rỉ hoặc sử dụng bùn bã mía sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

Ðẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với nông dân

Nguyên liệu là một trong những yếu tố then chốt để các nhà máy đường hoạt động. Liên tiếp những năm qua, giá mía, giá đường luôn biến động và có thời điểm xuống thấp kỷ lục gây khó khăn cho doanh nghiệp mía đường. Mặc dù các nhà máy đường đang “gồng mình” để hoạt động nhưng vẫn có những chính sách “tiếp sức” cho người trồng mía nhằm giữ vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và giúp người dân yên tâm trồng mía nếu gặp những bất lợi về thời tiết cũng như giá đường giảm.

Ngay tại tỉnh Phú Yên, niên vụ mía đường 2018-2019 gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến đời sống của người trồng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, niên vụ mía đường 2018-2019, toàn tỉnh trồng gần 28.000 ha, năng suất đạt 60 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt từ 9 đến 11 CCS. Tuy nhiên, niên vụ này giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường bằng hoặc thấp hơn so với niên vụ trước. Trong khi đó, giá thuê nhân công chặt mía dao động từ 270 đến 300 nghìn đồng/tấn, cao hơn niên vụ trước khoảng 200 nghìn đồng. Qua hạch toán trong điều kiện tốt cộng năng suất khoảng 60 tấn/ha, chữ đường 10 CCS, giá thu mua khoảng 800 nghìn đồng/tấn thì lợi nhuận với mía lưu gốc khoảng 14,1 triệu đồng/ha. Nhưng niên vụ này giá thu mua thấp, chi phí đầu tư và giá thuê nhân công thu hoạch cao nên người trồng mía trên địa bàn phần lớn bị lỗ hoặc lợi nhuận cũng chỉ đạt năm triệu đồng/ha. Vì vậy, niên vụ mía đường 2019-2020 tại tỉnh Phú Yên diện tích đã giảm gần 10.000 ha do chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như sắn, dưa hấu…

Qua tìm hiểu thực tế, ở một số vùng, nếu có sự liên kết chặt chẽ cũng như sự chia sẻ của doanh nghiệp thì người trồng mía vẫn có thu nhập ổn định. Anh Ngô Trung Ðiền, thôn Ðoàn Kết, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết: “Gia đình tôi trồng mía nguyên liệu gần 10 năm nay. Với 15 ha, gia đình tôi liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam. Ðể giúp chúng tôi yên tâm sản xuất, công ty có cơ chế cho vay không lãi và trả bằng sản phẩm khi muốn mua giống, phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Bình quân cho năng suất khoảng 68 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư, chăm sóc mỗi năm thu lãi từ 350 đến 400 triệu đồng”. Cũng là một trong những gia đình được hưởng lợi khi liên kết với doanh nghiệp, anh Trần Văn Muôn thôn Suối Cau, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa cho biết, hiện nay gia đình tôi trồng 8 ha mía, niên vụ 2018-2019 mỗi héc-ta cho thu khoảng 80 tấn mía nguyên liệu, trừ chi phí có lãi khoảng 700 triệu đồng.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam K.V.S.R.Xu-bai-a chia sẻ: “Niên vụ 2018-2019, sản xuất mía tại vùng nguyên liệu của công ty gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi. Năng suất mía bình quân chỉ đạt 43 tấn/ha. Cộng với đó là giá đường xuống thấp nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của công ty. Ðể bảo đảm đời sống người trồng mía, giữ ổn định vùng nguyên liệu công ty vẫn thu mua mía nguyên liệu ở mức 800 nghìn đồng/tấn. Ðồng thời khi bước vào niên vụ mía mới, công ty đã hỗ trợ bốn triệu đồng/ha”.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng Trần Ngọc Hiếu, những năm qua, công ty đã tích cực đầu tư sản xuất, nâng công suất nhà máy đường từ 2.700 tấn mía/ngày lên 3.500 tấn mía/ngày, cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời đầu tư nhà máy nhiệt điện để sản xuất điện sinh khối từ bã mía, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Niên vụ 2018-2019 vừa qua là năm thứ ba liên tiếp ngành mía đường Sóc Trăng chịu tác động tiêu cực do giá đường sụt giảm. Niên vụ 2019-2020, công ty đầu tư trực tiếp đến người trồng mía, không thu mua qua mạng lưới thương lái trung gian, tránh tình trạng bị ép giá. Công ty hỗ trợ vận chuyển và khuyến khích người dân trực tiếp đem mía đến bán.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 9-10.

* Ngành mía đường gian nan trước ngưỡng cửa hội nhập (Kỳ 1)