Nâng tầm đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Ðội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt đưa đất nước tiến lên, chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh có năng lực, trình độ và phẩm chất trở thành nhiệm vụ bức thiết, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững cũng như tạo dựng vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Chế tạo máy nông nghiệp tại Công ty TNHH một thành viên Ðộng cơ và máy nông nghiệp miền nam.
Chế tạo máy nông nghiệp tại Công ty TNHH một thành viên Ðộng cơ và máy nông nghiệp miền nam.

Nhiều nhưng chưa mạnh

Trong suốt hơn 30 năm đổi mới, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN), phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, nhờ đó, DN Việt Nam đã thật sự có bước phát triển mạnh mẽ. Ðó không chỉ là hơn 700 nghìn DN mà còn bao gồm hơn năm triệu hộ kinh doanh, trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Khu vực DN với nhiều loại hình khác nhau đang đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước, tạo ra hàng chục triệu việc làm và giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào những "sân chơi" lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)..., vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng rõ nét, thể hiện khát vọng vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định: Xét về tỷ lệ DN, doanh nhân trên dân số, Việt Nam không thua kém các nền kinh tế khác trong khu vực. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN. Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh được với thế giới nhưng số đó còn quá ít. Mới có những doanh nhân riêng lẻ với sức cạnh tranh cao, nhưng chưa có được một thế hệ DN, doanh nhân hùng mạnh, nhất là các DN Việt còn khó kết nối với nhau cũng như với các chuỗi giá trị toàn cầu. Theo xếp hạng hiện nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới (WB), năng lực DN Việt Nam mới chỉ được xếp ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, trước những yêu cầu mới của hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn hạn chế về kiến thức, sự am hiểu pháp luật hay năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh. Một bộ phận không nhỏ doanh nhân chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn hoặc tính liên kết, hợp tác nhằm tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mục tiêu một triệu DN hoạt động đến năm 2020, trong đó có những DN mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi những bước đi phù hợp, mạnh dạn nhằm nâng cấp DN, nâng tầm đội ngũ doanh nhân. Cùng với đó là mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Do đó, các định hướng về phát triển DN, doanh nhân thời gian tới không những cần tập trung vào số lượng mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của đội ngũ này.

Nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) Tô Hoài Nam cho rằng: Ðể xây dựng được đội ngũ doanh nhân đủ mạnh cả về chất và lượng, trước hết cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, điều kiện sản xuất, kinh doanh của DN để điều chỉnh, bổ sung bảo đảm sự đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân trong quá trình đầu tư kinh doanh. Ðồng thời, cần tạo điều kiện để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, khuyến khích hoạt động liên kết, mua bán, sáp nhập DN và áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng nhanh số lượng DN có quy mô vừa; thúc đẩy hình thành và phát triển một số DN lớn, đủ sức thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô-tô, nông nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ 4.0,… Mặt khác, cần tạo ra sự chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân theo hướng từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc và ý thức cộng đồng.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 diễn ra gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng kêu gọi đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và đất nước, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu của nhân loại để phát triển DN. Bên cạnh đó, doanh nhân phải là những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển trên nền tảng công nghệ số, tận dụng và phát huy cao nhất những lợi thế mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang lại để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh toàn cầu. Cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam cần tăng cường phối hợp, liên doanh, liên kết giữa các DN trong cùng ngành hàng, giữa các DN trong nước hay DN trong nước với DN nước ngoài để hợp tác cùng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ðồng thời, tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tốt nhất các cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA,… Phó Thủ tướng nhận định, cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam sẽ phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua thách thức, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với quyết tâm, sự đồng lòng, chung tay của Chính phủ, người dân, với vai trò tiên phong của các DN, doanh nhân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Hiện nay vẫn còn nhiều DN chưa chủ động, sáng tạo để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. Thời gian tới, VCCI sẽ tăng cường hoạt động hỗ trợ DN hội nhập quốc tế. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án quốc gia về hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai đề án hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, nâng cao chất lượng hoạt động của các diễn đàn DN với các thị trường trọng điểm...

TS Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch VCCI

Chính phủ cần có chính sách kích thích đầu tư vào các lĩnh vực như dữ liệu lớn (Big data), trí thông minh nhân tạo (AI),... để Việt Nam có đầy đủ nguồn lực về con người và nền tảng công nghệ, tham gia mạnh mẽ vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ðồng thời có chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân để có thể khuyến khích được khối DN tư nhân tham gia đầu tư và phát triển các ứng dụng cũng như chia sẻ các công nghệ mới, hiện đại. Ngoài ra, cần đẩy mạnh áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) khi tiếp cận các dịch vụ mới, thay vì cấm đoán với những chế tài khống chế về không gian, thời gian và thị phần nhất định, tránh để một số DN thực hiện thí điểm chiếm những thị phần lớn, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh.

Trần Thanh Hải

Tổng Giám đốc Công ty CP Be Group