Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan

Quán triệt và triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hằng năm, ngành hải quan đều xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và triển khai thực hiện quyết liệt, nhờ đó góp phần hiệu quả vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan.

Trước hết, ngành hải quan chọn khâu đột phá là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật với nhiều chế định cải cách mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại. Trên cơ sở Luật Hải quan năm 2014, ngành đã xây dựng và trình ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cốt lõi quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cụ thể về thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) hàng hóa xuất, nhập khẩu; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS)... Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng đang trình Chính phủ các dự thảo nghị định quan trọng như: Hướng dẫn Công ước I-xtan-bun về tạm quản hàng hóa; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2016/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế; kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Có thể nói, hệ thống chính sách, pháp luật được ban hành đầy đủ, đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước về hải quan và việc giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp (DN).

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, trong bối cảnh quy mô hàng hóa xuất, nhập khẩu ngày càng tăng, tổ chức bộ máy, biên chế có xu hướng tinh gọn, ngành chủ động tăng cường áp dụng các phương pháp quản lý hải quan hiện đại như kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của DN, công nhận DN ưu tiên về hải quan, xác định trước mã số, trị giá, xuất xứ. Qua đó, khuyến khích và tạo điều kiện giúp DN chấp hành tốt pháp luật hải quan, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Thời gian tới, ngành sẽ triển khai áp dụng bảo lãnh thông quan sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện, toàn ngành đang tập trung xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung; cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020. Đến nay, đã có 13 bộ, ngành triển khai 198 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia với hơn ba triệu hồ sơ của gần 37 nghìn DN, bảo đảm toàn bộ các DN truy cập và được xác thực qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Việt Nam cũng đã thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử với 10 nước ASEAN.

Nội dung quan trọng cũng đang được ngành hải quan tập trung xử lý là việc tháo gỡ những bất cập trong công tác KTCN, bởi thời gian thực hiện thủ tục KTCN vẫn chiếm tới 72% thời gian thông quan hàng hóa. Toàn ngành chủ động sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCN, chuyển hàng hóa có nguy cơ rủi ro thấp sang kiểm tra sau thông quan, cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra. Cuối năm 2015, số lượng tờ khai nhập khẩu thuộc diện KTCN so với tổng số lô hàng nhập khẩu chiếm từ 30 đến 35%, thì hết năm 2019, tỷ lệ này đã giảm mạnh còn 19,1%. Với vai trò đầu mối, ngành cũng tập trung xây dựng Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” theo hướng cơ quan hải quan làm đầu mối về KTCN; rà soát văn bản pháp luật về KTCN để kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung để xử lý tình trạng chồng chéo.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2017 đến 2019, các chỉ số thành phần về chi phí và thời gian trong Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tiếp tục được duy trì. Kết quả xếp hạng APCI 2018 của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ cho thấy, nhóm thủ tục hải quan nằm trong nhóm có chi phí thấp, xếp hạng ba trong tổng số tám nhóm TTHC được đánh giá. Đây là minh chứng khẳng định hiệu quả hoạt động của ngành hải quan trong phục vụ DN, cải thiện thông thoáng môi trường xuất, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.