Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế từ chương trình kích cầu đầu tư

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực đầu tư, xây dựng nền kinh tế ngày càng phát triển vững mạnh…, từ nhiều năm qua TP Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình kích cầu đầu tư (CTKC). Trải qua nhiều giai đoạn, CTKC đã phát huy hiệu quả trong việc thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển; góp phần thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất - quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ…

Chương trình kích cầu đầu tư đã giúp TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh mạng lưới cấp nước. Trong ảnh: Thi công tuyến ống cấp nước cấp 2 đưa nước về huyện Củ Chi.
Chương trình kích cầu đầu tư đã giúp TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh mạng lưới cấp nước. Trong ảnh: Thi công tuyến ống cấp nước cấp 2 đưa nước về huyện Củ Chi.

“Đòn bẩy” nâng cao năng lực cạnh tranh

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: Từ khi tham gia CTKC, bệnh viện đã triển khai sáu dự án đạt hiệu quả với tổng vay gần 300 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị y tế có kỹ thuật tiên tiến. Nhờ đó, trong thời gian qua, chất lượng chẩn đoán và điều trị của bệnh viện đã được nâng lên đáng kể, giảm thời gian chờ đợi khám và chữa bệnh, qua đó góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện khác.

Mừng hơn nữa là bệnh viện đã điều trị kịp thời nhiều người bệnh bằng một số kỹ thuật mới như: Tiêu sợi huyết điều trị đột quỵ, can thiệp tim mạch, vi phẫu thuật trong chuyên khoa ngoại thần kinh…

Đến nay, bệnh viện đã trở thành bệnh viện tuyến cuối về kỹ thuật tại thành phố. Ở lĩnh vực công nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn (TTP) Vũ Anh Tuấn chia sẻ: Là một DN thuộc loại vừa và nhỏ, nếu không có CTKC thì chúng tôi không thể thực hiện đầu tư phát triển. Do nhu cầu tăng năng lực sản xuất, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng cao của ngành sản xuất dược phẩm và y tế, nhất là những tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ, từ năm 2014, TTP đã chuẩn bị hồ sơ và năm 2015 đã được UBND thành phố phê duyệt dự án “Xây dựng nhà xưởng, đầu tư thiết bị công nghệ cao, mở rộng và phát triển sản xuất”. Ở dự án này, TTP được hỗ trợ 100% lãi suất vay đối với số vốn 45 tỷ đồng (70% tổng nhu cầu vốn). Đến nay, dự án đã vận hành hơn ba năm, giúp năng lực gia công của TTP tăng khoảng 30% so với trước; quan trọng hơn là sản phẩm đạt được những yêu cầu về chất lượng, tính thẩm mỹ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, TTP đang hoàn tất những thủ tục cuối để được tham gia CTKC đối với dự án trang bị thêm bốn máy gia công cơ khí công nghệ cao với khoảng 10,5 tỷ đồng vốn vay được hỗ trợ lãi suất.

Với CTKC ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Phương Đông cho biết: Đến nay, đã có 19 DN với 20 dự án được phê duyệt với số vốn vay hơn 933 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất. Như vậy, ngân sách thành phố sẽ chi gần 392 tỷ đồng để thu hút hơn 1.542 tỷ đồng, tương đương một đồng ngân sách chi ra thu hút được khoảng bốn đồng vốn từ nguồn lực xã hội cho công nghiệp hỗ trợ.

Trên bình diện chung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Anh Tuấn cho biết: CTKC đã được thành phố thực hiện từ nhiều năm trước và bắt đầu có nhiều điểm mới từ cuối năm 2015 với Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30-10-2015 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện CTKC. Từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.798 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là hơn 11.209 tỷ đồng. Trong đó, có 17 dự án ở lĩnh vực công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; 15 dự án công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đầu tư hơn 1.393 tỷ đồng; lĩnh vực hạ tầng có 188 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 9.567 tỷ đồng; lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 26 dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.637 tỷ đồng; lĩnh vực y tế có 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.520 tỷ đồng…

Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế từ chương trình kích cầu đầu tư ảnh 1

Kỹ sư của Công ty Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn vận hành máy (thiết bị) gia công cơ khí công nghệ cao.

Lũy kế từ trước đến nay, ngân sách thành phố đã chi hơn 3.885 tỷ đồng và thu hút hơn 52.259 tỷ đồng, bình quân một đồng vốn ngân sách chi ra đã thu hút được khoảng 13,45 đồng vốn từ xã hội. Theo ông Tuấn, thông qua CTKC, các DN đã mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị mới, tiên tiến để phục vụ sản xuất; cải tiến trình độ quản lý và tạo thêm nhiều việc làm trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu; đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh của người dân; giúp tăng năng suất và tăng giá trị sản phẩm ở nhiều ngành sản xuất công nghiệp…

CTKC cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất của DN, nhiều DN đã sản xuất được những linh kiện, chi tiết với trình độ kỹ thuật và độ chính xác cao, tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Hoàn thiện và tiếp tục mở rộng

Để nâng cao hiệu quả của CTKC trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Phương Đông cho rằng: Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần nâng cao tính liên kết với cộng đồng DN, chủ động và phối hợp các cơ quan liên quan như Hiệp hội DN thành phố, các hội ngành nghề, UBND quận, huyện, ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp… để tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin, phổ biến chính sách, giới thiệu điều kiện và các hồ sơ, thủ tục DN cần chuẩn bị để tham gia CTKC. Khi thành lập khu công nghiệp mới, phải ưu tiên quỹ đất cho DN công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ có thể tìm được mặt bằng phục vụ sản xuất ổn định, bảo đảm phù hợp mục tiêu và định hướng của thành phố.

Bên cạnh đó, cần bổ sung danh mục sản phẩm phù hợp thời kỳ phát triển mới; chú trọng, tập trung hướng dẫn các DN có sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, sản phẩm công nghệ cao, mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cổng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ của thành phố thông qua việc triển khai “Đề án xây dựng Cổng cơ sở dữ liệu về sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ”. Đây sẽ là công cụ quan trọng góp phần tạo nguồn dữ liệu chung cho ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố, từ đó tạo lập mạng lưới thông tin và kết nối giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN sản xuất đầu cuối.

Theo ông Trần Anh Tuấn, UBND thành phố cần xây dựng chính sách mới về CTKC nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế của các dự án và xu hướng phát triển; bổ sung đối tượng tham gia là các dự án khởi nghiệp; hoàn thiện quy chế phối hợp và quy trình đăng ký tham gia CTKC theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho các cá nhân, tổ chức và DN. Đồng thời, bổ sung danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách có khả năng chuyển đổi sang các hình thức tham gia CTKC, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư lớn và có khả năng mang lại nguồn thu. Qua đó, sử dụng cơ chế hỗ trợ của CTKC để thúc đẩy công tác xã hội hóa đầu tư đối với một số lĩnh vực còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngân sách thành phố. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: CTKC là chương trình độc đáo, riêng có của TP Hồ Chí Minh và đã phát huy được hiệu quả tích cực trong nhiều năm qua. Thành phố luôn xác định việc tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, trước những vướng mắc, hạn chế đã nêu, trong giai đoạn phát triển sắp tới, thành phố sẽ phải hoàn thiện và mở rộng CTKC.

Đồng chí yêu cầu các thành viên tổ công tác liên ngành tham gia CTKC phải nhanh chóng xác định lại quy trình thẩm định dự án, DN theo hướng minh bạch và trả lời sớm cho DN. Các sở, ngành xây dựng ngay quy trình một cửa liên thông đối với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tham gia CTKC, tránh tình trạng “câu giờ”, chậm trễ, làm mất thời gian và vuột đi cơ hội của DN.

Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tham mưu việc điều chỉnh, bổ sung hoặc lược bỏ những lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn của DN trên địa bàn để CTKC lan tỏa hiệu quả trên nhiều lĩnh vực hơn. Trong giai đoạn tới, thành phố cũng sẽ nâng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng cho một dự án. Bên cạnh đó, xem xét xây dựng quy chế hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đầu tư công không có vốn đối ứng…