Nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi miền núi (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Đa dạng hóa hình thức khai thác

Cán bộ Ban quản lý công trình hồ thủy lợi Hoàng Khai, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) kiểm tra van điều tiết nước. Ảnh: ĐOÀN THƯ
Cán bộ Ban quản lý công trình hồ thủy lợi Hoàng Khai, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) kiểm tra van điều tiết nước. Ảnh: ĐOÀN THƯ

Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa tại tất cả các vùng miền trong cả nước diễn ra nhanh chóng, nhiều diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi sử dụng sang mục đích khác. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều hồ chứa thủy lợi không còn nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, việc đa dạng hóa các hình thức khai thác hồ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế là hướng đi mới cho các địa phương.

Bảo vệ công trình, mở hướng đi mới

Khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ hiện có 1.750 hồ chứa vừa và nhỏ, 40.190 đập dâng, hàng trăm công trình thủy điện, thủy lợi, 379 trạm bơm điện, hàng chục nghìn công trình tiểu thủy nông. Trong vùng có những công trình thủy lợi lớn điều tiết cấp nước, phát điện, chống lũ cho cả vùng trung và hạ du như Hòa Bình, Thác Bà, Núi Cốc, Cấm Sơn, góp phần tưới, cấp nước sinh hoạt cho hơn 300 nghìn người dân nông thôn, cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp ở các tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, một số diện tích đất nông nghiệp đã chuyển đổi thành khu dân cư, khu công nghiệp, dẫn đến một số hồ thủy lợi mất đi chức năng tưới nước phục vụ sản xuất và bị lấn chiếm một cách nghiêm trọng.

Tại Yên Bái, trong quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, một số diện tích đất nông nghiệp không cần nước tưới tiêu, nên số hồ, đập có chức năng thủy lợi được chuyển đổi công năng sang hồ điều hòa sinh thái, hồ nuôi thủy sản, làm du lịch... thậm chí được san lấp chuyển sang mục đích khác.  Mặt khác, công tác quản lý hồ chứa của chính quyền cơ sở cùng các công ty thủy nông bộc lộ nhiều hạn chế, xảy ra tình trạng xâm lấn, san lấp hồ, thu hẹp diện tích mặt nước… thậm chí xung đột lợi ích khi chuyển đổi cách quản lý, giao khoán hồ thủy lợi thành các điểm hồ câu cá giải trí có thu phí. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phú Tống Quang Sáu cho biết: Hồ Đầm Hậu, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên được tỉnh giao cho Công ty TNHH Tân Phú quản lý, vận hành để phục vụ công tác tưới, tiêu, cấp nước cho hơn 84 ha lúa, ban đầu hồ có diện tích lưu vực 7,5 km2. Thời gian vừa qua, do xây dựng hạ tầng các khu sản xuất, xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Âu Cơ trong lưu vực, làm diện tích thảm thực vật giảm đáng kể, các khe nước sinh thủy của hồ bị lấp. Diện tích mặt thoáng giảm khoảng 22,4 ha, trong đó: Diện tích bị lấp khoảng 15 ha; diện tích mặt thoáng hồ bị chia cắt 7,4 ha. Nguyên nhân do đầu tư xây dựng sân gôn san đất lấp xuống lòng hồ và đắp đường qua các ngách hồ. Tại hiện trường, Công ty cổ phần sân gôn Ngôi sao Yên Bái đắp đường qua ba ngách hồ tại vị trí thôn Liên Hiệp, nơi có công trình thoát lũ của hồ, trong đó xây một cống thông hồ bằng hai dãy ống bê-tông cốt thép, đường kính 100 cm.

Cùng đoàn phóng viên kiểm tra công tác tích nước tại các hồ Nà Thèm, phường Dân Chủ, hồ Rộc Xả, phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình (Hòa Bình), Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Trần Quốc Toản cho biết, toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi. Theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh Hòa Bình định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, tổng vốn đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thủy lợi từ năm 2016 đến 2030 là 9.692 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2030 là 5.092 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay do tốc độ đô thị hóa nhanh, một số hồ chứa thủy lợi đang thừa công suất tưới, tiêu. Cụ thể như hồ Rộc Xả trước đây cung cấp nước tưới cho hơn 100 ha lúa, nay chỉ còn phục vụ hơn 20 ha, dẫn đến tình trạng ban quản lý hồ không có nguồn thu để duy tu, sửa chữa hư hỏng. 

Hồ chứa thủy điện Thác Bà có tổng diện tích mặt thoáng 23.400 ha, diện tích mặt nước hơn 19 nghìn ha, chứa gần bốn tỷ m3 nước. Tuy nhiên, thời gian qua một số doanh nghiệp khi triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà xưởng đã tự ý đổ đất, san gạt trực tiếp xuống lòng hồ, làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng đến dung tích của hồ chứa và vi phạm nghiêm trọng an toàn hồ chứa. Ngoài ra, do yêu cầu cấp bách mở rộng khu công nghiệp phía nam, hai hồ chứa Đầm Mụa có diện tích 10,04 ha, Đầm Sình diện tích 10,65 ha, bảo đảm nước tưới cho cánh đồng lúa xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đã bị lấp một phần do quá trình san gạt đất đồi làm công trình đường, nhà xưởng chung quanh. Trước bức xúc của người dân trong khu vực, UBND tỉnh Yên Bái xây dựng hai trạm bơm điện, bơm nước từ suối lên thay cho hồ chứa, cơ bản bảo đảm nước cho sản xuất nông nghiệp, nhưng việc san lấp hai hồ chứa giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê sử dụng lâu dài cần được cân nhắc kỹ để tránh thiệt hại về người và tài sản nhân dân, vì hai hồ nêu trên còn có tác dụng cắt lũ trong mùa mưa, bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, trước quá trình đô thị hóa nhanh, quỹ đất dành cho phát triển đô thị đang thiếu thì việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở là điều tất yếu, công năng của các hồ chứa thủy lợi ngày càng bị thu hẹp lại. Khi các hồ chứa thủy lợi giảm chức năng cấp nước cũng đồng nghĩa với việc nguồn kinh phí cấp để duy tu, bảo dưỡng hồ càng hạn hẹp. Để bảo đảm an toàn hồ chứa, đa dạng hóa khai thác công trình, Hòa Bình đã có những chủ trương như kết hợp hồ chứa thủy lợi với nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát toàn bộ các hồ chứa thủy lợi, để phân cấp quản lý, bảo vệ công trình không để bị lấn chiếm và xây dựng kế hoạch phát triển hồ chứa thủy lợi theo mô hình đa dạng hóa khai thác, bảo vệ tuyệt đối an toàn công trình.

Cần những giải pháp tổng thể

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cho rằng để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, Chính phủ, Bộ NN và PTNN cần sớm nghiên cứu, rà soát, ban hành các văn bản về đầu tư, xây dựng, vận hành hồ chứa, bởi nhiều văn bản hiện hành đã ban hành quá lâu, không còn phù hợp thực tế  và sự phát triển, gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, hiện lượng mưa tập trung lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, một số công trình hồ đập được xây dựng có tuổi hơn 40 năm, nằm ở vị trí gần khu dân cư, nguy cơ mất an toàn cao, rất cần nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vững chắc, kiên cố, nhằm tránh xảy ra các quả “bom nước” từ các vụ vỡ đập gây hậu quả khôn lường. Mặt khác, chính quyền cơ sở được giao quản lý về tài nguyên, là nơi sâu sát hiểu rõ nhất “hồ đập cần gì, dân cần gì” từ đó có các quyết sách cụ thể, phát huy tối đa lợi thế của mặt nước để làm du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, phát triển năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng nông thôn mới miền núi, bảo đảm vững chắc an toàn hồ đập trước những biến đổi khí hậu khôn lường trong thời gian tới.

Thực tế đã chứng minh, các tổ chức thủy nông cơ sở góp phần quan trọng trong việc quản lý khai thác công trình thủy lợi để duy trì và phát huy hiệu quả của công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, công tác quản lý thủy nông cơ sở ở nhiều địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến hiệu quả hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở kém hiệu quả. 

Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là cơ hội thuận lợi cho các địa phương xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng. Theo Bộ NN  và PTNT, tiêu chí thủy lợi xây dựng nông thôn mới đã bổ sung tiêu chí công trình thủy lợi do xã quản lý phải có tổ chức dùng nước quản lý hiệu quả. Do vậy mà các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển tổ chức dùng nước gắn với xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, cần phát triển mô hình ban quản lý thủy nông xã quản lý công trình thủy lợi cho những địa phương chưa thành lập được các HTX. Đây là mô hình phù hợp điều kiện thực tế hiện nay ở những địa phương miền núi, công trình thủy lợi có quy mô nhỏ, trình độ người dân còn hạn chế, chưa đủ năng lực, điều kiện để thành lập các tổ chức khai thác nước hoàn chỉnh. Ngoài ra, cần khuyến khích chuyển giao và thành lập các liên hiệp tổ chức dùng nước quản lý kênh liên xã cho những địa phương có điều kiện phù hợp…

Với mục tiêu phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, đồng thời, chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực sông, góp phần xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai, trong thời gian tới, ngành thủy lợi cần tập trung triển khai vào thực hiện các nội dung của Chiến lược Thủy lợi Việt Nam, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường thực thi pháp luật về thủy lợi: Nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động thủy lợi, tăng cường thực thi pháp luật, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thủy lợi bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch. 

Xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển trên cơ sở xem xét tác động từ biến đổi khí hậu, phát triển ở thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế, phát triển trong vùng quy hoạch, giải quyết các tác động cực đoan như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, đô thị hóa, lấn chiếm công trình... Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới. Đặc biệt, cần phát triển hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sự liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác như giao thông, điện, du lịch... 

Nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi đồng nghĩa với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi, vì vậy ngành nông nghiệp cần sớm hoàn thiện và thực hiện thống nhất cơ chế giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; phát huy nội lực và vai trò chủ thể của người dân trong công tác thủy lợi, chủ động phòng, chống thiên tai và ô nhiễm, bảo đảm an toàn hệ thống đập, hồ chứa nước khi mùa mưa, bão đang đến.

Kỳ 1: Nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi miền núi

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24-3-2021.