Nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi miền núi

Bài 1 Hệ thống thủy lợi lạc hậu, tiềm ẩn nhiều hiểm họa

Kiểm tra công tác tích nước trước mùa mưa bão ở hồ Nà Thèm, phường Dân Chủ, TP Hòa Bình (Hòa Bình).
Kiểm tra công tác tích nước trước mùa mưa bão ở hồ Nà Thèm, phường Dân Chủ, TP Hòa Bình (Hòa Bình).

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang khai thác gần 6.000 hồ chứa, gần 9.000 đập dâng cùng hàng chục nghìn trạm bơm điện, cống tưới tiêu, bờ bao ngăn lũ đầu vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long... Tuy đã phát huy hiệu quả phục vụ dân sinh, kinh tế, nhưng trong quá trình quản lý và vận hành, hệ thống thủy lợi, nhất là tại các tỉnh miền núi phía bắc vẫn còn nhiều hạn chế.

Thúc đẩy phát triển sản xuất

Tỉnh Yên Bái hiện có hơn 130 công trình hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, nhiều hồ lớn như Từ Hiếu, Roong Ðen, Ðầm Hậu, Chóp Dù… có diện tích mặt nước lớn, bảo đảm tưới tiêu cho hàng nghìn héc-ta đất lúa hai vụ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Ðặc biệt, các cánh đồng lớn như Mường Lò, Mường Lai, Bạch Hà… đã tạo ra các sản phẩm gạo ngon nổi tiếng. Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Phạm Quốc Hưng cho biết: Giai đoạn 2019 - 2021, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) Yên Bái đã bố trí 304 tỷ đồng xử lý 18 công trình thủy lợi, cơ bản đáp ứng an toàn hồ đập và nước tưới cho sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp thời kỳ 2016 - 2020 đạt 4,7%; riêng năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn vẫn đạt mức tăng trưởng 4,62%.

Với tỉnh biên giới Ðiện Biên, nơi có hơn 90% dân số làm nông nghiệp, những năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đầu tư, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống thủy lợi, đáp ứng tưới tiêu cho sản xuất. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Văn Viên cho biết, toàn tỉnh có 973 công trình thủy lợi, trong đó có 13 hồ chứa, cung cấp nước tưới cho 25.017 ha lúa hai vụ. Ngoài ra, 13 hồ chứa thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh với tổng dung tích gần 60 triệu m3 còn cung cấp nước phục vụ sản xuất hoa màu, nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch, góp phần quan trọng nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.

Tại xã Mường Phăng (TP Ðiện Biên Phủ) có hồ chứa nước Loọng Luông 1, với dung tích hữu ích 1,2 triệu m3, mỗi năm cung cấp nước tưới cho hàng trăm héc-ta đất lúa, đất hoa màu. Ông Lường Văn Pản, người dân xã Mường Phăng cho biết: Trước đây khi chưa có hồ chứa nước Loọng Luông 1, người dân chỉ cấy được khoảng 100 ha lúa vụ mùa, năng suất thấp (chỉ đạt ba tấn/ha). Từ khi hồ Loọng Luông 1 được xây dựng năm 2013, đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của nhân dân, nhiều chân ruộng cao bị bỏ hoang nhiều năm đã được đưa vào canh tác, năng suất lúa tăng cao, trung bình đạt khoảng 5 tấn/ha/vụ. Cuộc sống người dân nhờ vậy ngày càng no đủ, không lo thiếu đói như nhiều năm trước. Không chỉ mang lại nước tưới, hồ còn cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhiều hộ dân, nhất là bốn bản người H’Mông ở quanh khu vực.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.877 điểm công trình thủy lợi cấp nước phục vụ sản xuất, trong đó có 1.544 công trình kiên cố, số công trình tạm và bán kiên cố là 1.333. Hầu hết các công trình thủy lợi của tỉnh phục vụ tưới cho cây lúa là chính, ngoài ra còn phục vụ tưới cho một số diện tích cây trồng màu và cấp nước nuôi trồng thủy sản. Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Bùi Chí Thanh cho biết, tuy số lượng công trình thủy lợi của tỉnh nhiều nhưng nhỏ lẻ, phân tán. Ðể bảo đảm an toàn công trình, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất. Hằng năm, Sở NN và PTNT tỉnh đã phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn các công trình theo định kỳ (trước, trong và sau mùa mưa lũ); thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình, phát hiện sự cố, hư hỏng của hệ thống công trình để kịp thời có biện pháp xử lý.

Tìm giải pháp đột phá

Các tỉnh miền núi nước ta luôn chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai nguy hiểm, điển hình là lũ quét, sạt lở đất. Trong những năm qua, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt, cực đoan, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhất là thiệt hại cho các công trình thủy lợi. Theo kết quả kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang sau mùa mưa lũ năm 2020 cho thấy, trong năm toàn tỉnh có 370 công trình bị hư hỏng xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn, trong đó đã bố trí được nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp 64 công trình, với tổng kinh phí hơn 357 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 306 công trình hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn, chưa có kinh phí sửa chữa. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn có hơn 42% là công trình tạm, nhanh xuống cấp, mức bảo đảm tưới thấp, lũ lụt hằng năm gây hư hỏng, cho nên hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất còn thiếu chủ động. Ngoài ra, trong các giai đoạn quy hoạch trước, việc đầu tư xây dựng mới tập trung giải quyết tưới cho lúa, diện tích tưới cho màu còn nhỏ lẻ và phân tán, cho nên phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu canh tác. Việc đầu tư hệ thống theo dõi, cảnh báo lũ còn chưa được thực hiện. Chất lượng quản lý công trình thủy lợi một số nơi khá hạn chế, hiệu quả khai thác chưa cao. Nhiều công trình tuy đã được đầu tư xây dựng song do nguồn vốn hạn chế nên còn chưa đồng bộ, manh mún. Hệ thống kênh đất vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn (hơn 40% tổng chiều dài kênh toàn tỉnh) thường xuyên chịu tác động của mưa lũ nên bị sạt lở, vùi lấp, gây thất thoát nước lớn làm giảm hiệu quả tưới. Mặt khác, nhiều công trình trạm bơm lấy nước trên dòng chính sông Lô không có khả năng lấy nước do mực nước sông ngày càng suy giảm.

Giai đoạn 2016 - 2025, Tuyên Quang đặt ra mục tiêu cấp nước sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tưới chắc cho 85% diện tích lúa cả năm; tưới bổ sung 20% diện tích rau màu; tạo nguồn cấp nước tưới cho 10% tổng diện tích cây trồng chủ lực tập trung (cam, chè, mía…). Cấp nước nuôi trồng thủy sản và tiêu, thoát lũ. Ðể đạt được mục tiêu này, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nguyễn Văn Việt cho biết, tỉnh ưu tiên công tác duy tu cải tạo nhằm tận dụng, khai thác triệt để nguồn nước và năng lực hệ thống thủy lợi hiện có; bổ sung các giải pháp áp dụng công nghệ mới đối với những khu vực còn thiếu, hoặc quy mô công trình chưa đáp ứng yêu cầu. Ðồng thời phát triển công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hàng hóa; đáp ứng nhu cầu cấp nước nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi...

Ðể các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, trong giai đoạn 2018-2020 UBND tỉnh Ðiện Biên đã thành lập hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; quyết định danh mục đập, hồ chứa nước lớn, vừa, nhỏ và đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn hồ đập. Năm 2019, cùng với nguồn vốn 121,9 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ, UBND tỉnh chủ động bố trí 26 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp năm hồ chứa, gồm: Pa Khoang, Bản Ban, Sái Lương, Hồng Sạt, Bồ Hóng. Sau sửa chữa nâng cấp, các hồ này đã phát huy hiệu quả đầu tư, bảo đảm an toàn đập và an toàn cho người dân vùng hạ du.

Giám đốc Sở NN và PTNT Ðiện Biên Bùi Minh Hải cho biết, để quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, hằng năm Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đánh giá hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trước, trong và sau mỗi mùa mưa lũ; kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Tại huyện Ðiện Biên, vùng lòng chảo có gần 4.000 ha lúa có nguy cơ bị hạn cao, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi lắp đặt trạm bơm dã chiến tại bãi tưới thuộc các xã: Thanh Yên, Pom Lót, Sam Mứn, Thanh Hưng, Thanh Luông và thực hiện tưới luân phiên đối với công trình đại thủy nông Nậm Rốm. Cùng với đó, Sở ban hành công văn gửi các huyện chỉ đạo cấp xã chủ động huy động lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện tham gia tuyên truyền cảnh báo hạn hán, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm dẫn nước… Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn nhiều hồ chứa đã xuống cấp như các hồ Pe Luông, Sông Ún, Na Hươm, Hồng Khếnh, Tông Lệnh… Tỉnh đề nghị Bộ NN và PTNT báo cáo Chính phủ xem xét bố trí, hỗ trợ kinh phí khoảng 180 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa một số công trình hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 dự án xây dựng chùm hồ chứa nước của tỉnh Ðiện Biên gồm năm hồ với tổng kinh phí 1.230 tỷ đồng.

Mặc dù đầu tư cho hệ thống thủy lợi khu vực miền núi rất tốn kém và các tỉnh vẫn đang khát vốn để nâng cấp hệ thống, cải thiện năng lực tưới và phục vụ phát triển các hồ chứa theo hướng đa mục tiêu, tuy nhiên trong khu vực hiện tại có nhiều hồ chứa đang để không do không còn nhu cầu tưới.

(Còn nữa)

Trong những năm qua, công tác phát triển thủy lợi tại các tỉnh miền núi đã được Nhà nước quan tâm, đầu tư không nhỏ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của mọi ngành kinh tế - xã hội nơi đây. Tuy nhiên, với đặc thù là các tỉnh miền núi nghèo, việc khai thác, duy tu, bảo dưỡng còn gian nan khiến nhiều công trình không còn phát huy tác dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, không bảo đảm phòng, chống thiên tai.