Nâng cao chất lượng tăng trưởng

NDO -

NDĐT - Quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững đã được triển khai quyết liệt trong những năm qua và thu được nhiều kết quả tích cực, rất cần được tiếp tục củng cố và duy trì nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 đã và đang được thực hiện một cách tích cực và thực chất hơn. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 đã và đang được thực hiện một cách tích cực và thực chất hơn. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Những kết quả tích cực

Theo báo cáo Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) thực hiện, từ khi có sự chuyển đổi định hướng chính sách năm 2011 theo hướng thúc đẩy cải cách tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có tăng trưởng cao và bền vững, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2011-2015, các chính sách vĩ mô từ nới lỏng để kích thích, thúc đẩy tăng trưởng đã chuyển sang thắt chặt có điều chỉnh linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thực hiện hàng loạt các chương trình, đề án cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, Giám đốc quốc gia Chương trình Aus4Reform, những thay đổi chủ trương, định hướng chính sách trên là phù hợp, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao, bền vững cho giai đoạn tiếp theo 2016-2020. Định hướng chính sách cho nhiệm kỳ 2016-2010 đã cơ bản kế thừa, đồng thời duy trì và đẩy mạnh hơn nữa tư tưởng và khung chính sách của nhiệm kỳ 2011-2015. Các nghị quyết, chính sách trong nhiệm kỳ này được ban hành cũng đã làm sâu sắc hơn, thực chất hơn và cũng quyết liệt hơn việc ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế là một trong số các kết quả nổi bật trong giai đoạn 2011-2020, nhất là kể từ 2015 đến nay. Lạm phát bình quân năm và lạm phát cuối kỳ đã liên tục giảm từ khoảng 18,6% năm 2011 xuống 0,6% năm 2015 và tiếp tục duy trì với mức không quá 3,5% trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 6-2019. Tương tự, lạm phát cuối kỳ cũng giảm từ khoảng 18% năm 2011 xuống 0,6% năm 2015 và liên tục duy trì ở mức dưới 3% từ 2017 đến tháng 6-2019. Như vậy, báo cáo khẳng định, lạm phát sẽ được duy trì ở mức dưới 5%, không chỉ đạt mà còn vượt khá xa mục tiêu đề ra.

Sự chuyển hướng chính sách sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã làm cho chính sách tài khóa nói chung và điều hành ngân sách nhà nước nói riêng trở nên minh bạch và rõ ràng hơn. Thu ngân sách đã có cải thiện đáng kể, cơ cấu thu ngân sách cũng thay đổi tích cực hơn. Thâm hụt ngân sách giảm mạnh và duy trì ổn định ở mức khoảng 3,5% GDP kể từ sau 2016 cho đến nay, đạt mục tiêu mà Đảng và Quốc hội đề ra. Nợ công và nợ nước ngoài có xu hướng giảm khá nhanh. Quản lý nợ công và nợ nước ngoài không còn căng thẳng như trước, góp phần không nhỏ vào khôi phục và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước trung bình toàn giai đoạn tăng khoảng 4,7%. Trong khi đó, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khá mạnh, là động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân tăng trung bình hằng năm trong cả giai đoạn là hơn 9,1% (từ 2016 luôn tăng trưởng khoảng 12%/năm). Khu vực FDI tăng trung bình hàng năm 9,57% (từ 2015 đạt khoảng hơn 11%). Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực kinh tế cá thể trung bình hằng năm tăng hơn 5,7%. Còn kinh tế tập thể có mức tăng khá ổn định, trung bình hằng năm khoảng 5%. Như vậy, chỉ có khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế FDI có tốc độ tăng trưởng cao hơn và cao hơn khá nhiều so với mức tăng chung của nền kinh tế, là động lực tăng trưởng của cả thời kỳ chiến lược.

Điểm nổi bật tiếp theo trong chất lượng tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là tăng trưởng giai đoạn này dựa nhiều hơn vào gia tăng tốc độ tăng năng suất lao động. Đây chính là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức, chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn này. Năng suất lao động giai đoạn 2011-2015 tăng 19,6%, trong đó năng suất lao động nội ngành tăng 14%, năng suất do chuyển dịch cơ cấu tĩnh tăng 5% và do chuyển dịch lao động tăng 0,6%. Năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 ước tính tăng 26,2%, trong đó năng suất lao động nội ngành tăng 16,6%, năng suất do chuyển dịch cơ cấu ngành tăng 9,4% và do chuyển dịch lao động tăng 0,2%.

Những kết quả trên theo ông Cung là bắt nguồn từ việc chuyển đổi trọng tâm cải cách và điều hành phát triển kinh tế xã hội từ năm 2011. Không còn sử dụng khai khoáng như một công cụ điều hành nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng chủ yếu dựa vào cải cách và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thay vì nhờ vào mở rộng tín dụng và các gói kích thích kinh tế như giai đoạn 2006-2010. Qua đó, tạo ra động lực mới đủ lớn để huy động được nhiều hơn nguồn lực xã hội, phân bổ và sử dụng các nguồn lực này một cách hiệu quả hơn, từ đó từng bước hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, với tiềm năng tăng trưởng ngày càng được gia tăng.

Khắc phục hạn chế, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng

Tuy vậy, TS Cung cũng đánh giá, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, sức chống chịu của nền kinh tế có cải thiện so với trước nhưng mức độ dễ bị tổn thương vẫn còn cao, do độ mở của nền kinh tế gia tăng nhanh chóng và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu của CIEM chỉ ra, trong giai đoạn 2011-2018, kinh tế tư nhân và kinh tế FDI có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác. Do đó, tỷ trọng kinh tế tư nhân/GDP tăng từ 7,34% năm 2011 lên 9,1% năm 2018 (tăng 1,76%). Tỷ trọng khu vực FDI/GDP tăng từ 16,66% năm 2011 lên 20,28% năm 2018 (tăng 3,62%). Trong khi đó, tỷ trọng của kinh tế Nhà nước giảm từ khoảng 29% năm 2011 xuống còn 27,67% năm 2018 (giảm 1,54%).

Trong bối cảnh môi trường quốc tế và khu vực phức tạp hơn, nhất là với một nền kinh tế vẫn tiếp tục mở, việc củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng sức chống chịu và giảm mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước các biến động từ bên ngoài vẫn tiếp tục là yêu cầu không thể thiếu. Trên nền tảng đó, đẩy mạnh cải cách, cơ cấu lại mạnh mẽ nền kinh tế và từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, TS Cung cho rằng cần hệ thống đồng bộ các giải pháp từ tổng thể đối với toàn nền kinh tế, cho đến giải pháp đối với từng ngành, lĩnh vực và từng vùng, địa phương. Bên cạnh đó, cần những giải pháp khắc phục tình trạng nền kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, ông Cung cũng khẳng định, khắc phục điểm mất cân bằng này không có nghĩa là hạn chế, kìm hãm đầu tư nước ngoài, mà phải làm cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn so với hiện nay. Đồng thời phải làm cho doanh nghiệp Nhà nước trở nên tự chủ hơn, năng động hơn theo quy luật thị trường và tiếp tục đầu tư phát triển nhiều hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và đóng góp tương xứng với nguồn lực đang sử dụng đối với phát triển kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, cần khắc phục sự thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần kinh tế, làm cho khu vực kinh tế trong nước hướng ngoại nhiều hơn, mở rộng kinh doanh toàn cầu, làm cho cơ cấu kinh tế nói riêng và nền kinh tế trở nên năng động hơn, trong đó không thể thiếu vai trò dẫn dắt, thúc đẩy của Nhà nước trong việc kiến tạo, tạo cơ hội và điều kiện để các ngành, nghề, sản phẩm, công nghệ, quy trình, cách làm và mô hình kinh doanh mới xuất hiện và phát triển.

Ngoài ra, cần tạo ra được các vùng động lực tăng trưởng, để cho các vùng kinh tế động lực huy động được đủ nguồn lực, khai thác hết lợi thế, có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các phần còn lại của đất nước. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội cùng môt số địa phương lân cận, cũng như khu kinh tế động lực Nam Bộ thực sự tiên phong trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển sang tăng trưởng chủ yếu dựa vào áp dụng, đổi mới và phát triển công nghệ.