Nâng cao chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương

Những năm qua, nghề khai thác cá ngừ đại dương ở các tỉnh Nam Trung Bộ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam có được “giấy thông hành” thâm nhập vào thị trường các nước, nhất là thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,… cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi để xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Ngư dân Khánh Hòa vận chuyển cá ngừ đại dương lên cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang). Ảnh: NGUYỄN CHUNG
Ngư dân Khánh Hòa vận chuyển cá ngừ đại dương lên cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang). Ảnh: NGUYỄN CHUNG

Liên kết sản xuất theo chuỗi

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện trên địa bàn ba tỉnh Nam Trung Bộ, gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có hơn 3.330 tàu cá làm các nghề khai thác cá ngừ đại dương. Trong đó, nghề câu vàng có 20 chiếc; câu tay hơn 2.180 chiếc; lưới vây là 846 chiếc. Bên cạnh việc phát triển đội tàu đa dạng, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã đầu tư chín cảng cá và hơn 40 cơ sở thu mua; 16 cơ sở, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương. Hầu hết các nhà máy chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương đều được cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và được cấp Code xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Với tổng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương hằng năm đạt khoảng hơn 102 nghìn tấn, để bảo đảm chất lượng và giá trị sản phẩm, một số doanh nghiệp tại các địa phương đã chủ động triển khai tổ chức chín mô hình liên kết sản xuất khai thác theo chuỗi như: Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định; Công ty TNHH Bá Hải, Hồng Ngọc, Nguyễn Hưng (Phú Yên); Công ty TNHH Hải Vương, Thịnh Hưng, Tín Thịnh (Khánh Hòa)... Trong đó, tỉnh Bình Định có bốn mô hình, bao gồm: Mô hình chuỗi cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản, do Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định liên danh với hai công ty KATO - YAMADA của Nhật Bản thực hiện với 25 tàu câu cá ngừ đại dương; mô hình chuỗi khai thác, tiêu thụ do nhóm 16 tàu chuyên làm nghề lưới vây cá ngừ đại dương của ông Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn thực hiện); mô hình chuỗi liên kết giữa chủ tàu khai thác - doanh nghiệp - cơ sở thu mua (do Công ty TNHH Thịnh Hưng, Khánh Hòa liên kết với 160 chủ tàu khai thác cá ngừ đại dương thông qua hai cơ sở thu mua Hải Hà và Quốc Thu ở Hoài Nhơn); mô hình chuỗi liên kết giữa chủ tàu khai thác - doanh nghiệp - cơ sở thu mua (do Công ty Hồng Ngọc cùng Công ty Phúc Hưng, Phú Yên liên kết với hơn 400 tàu của ngư dân Bình Định để thu mua cá ngừ đại dương thông qua các đại lý tại Bình Định)... Nhìn chung, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đã đi vào hoạt động ổn định, bước đầu có hiệu quả, thu hút được nhiều chủ tàu và ngư dân tham gia. Một số mô hình được tổ chức bài bản, minh bạch giữa các giao dịch của ngư dân và doanh nghiệp, tạo động lực để ngư dân tích cực tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cá ngừ.

Tuy nhiên, việc khai thác, tiêu thụ, chế biến cá ngừ đại dương tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cảng cá, mặc dù có đội tàu khai thác cá ngừ đại dương hoạt động, nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, như cảng cá Tam Quan (Bình Định) do tư nhân xây dựng các điểm lên cá và bán cá, cửa biển thường bị cạn và ngày càng hẹp lại, tàu cá có chiều dài hơn 20 m ra vào rất khó khăn. Ngoài ra, công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương ở Việt Nam nói chung cũng như ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa nói riêng so với một số nước trong khu vực và trên thế giới còn lạc hậu, chủ yếu vẫn sử dụng nước đá để bảo quản sản phẩm, chất lượng sản phẩm cá ngừ câu tay thấp, tỷ lệ cá ngừ câu tay đạt tiêu chuẩn sashimi chỉ đạt khoảng 5 đến 6% lô sản phẩm cá ngừ đại dương khai thác được. Phương thức hoạt động mua bán sản phẩm cá ngừ vẫn còn những bất cập, hơn 60% số cơ sở thu mua cá ngừ đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu là các cơ sở thu mua cá ngừ sọc dưa. Chưa kể tình trạng mua xô, ép cấp, ép giá vẫn còn xảy ra, mà phần thua thiệt thuộc về chủ tàu và ngư dân.

Để vươn xa

Để sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đáp ứng theo các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường được các tổ chức độc lập chứng nhận, như nhãn sinh thái MSC, hoặc chứng nhận về quy trình sản xuất sản phẩm đầu vào VietGAP, GlobalGAP,... theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, nhất là các thị trường nhập khẩu khó tính, các địa phương cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, trang bị các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại trên tàu khai thác cá ngừ đại dương như: máy dò cá bốn đầu dò, máy thu câu, hầm bảo quản sản phẩm bằng xốp thổi, bể ngâm hạ nhiệt nhanh;... cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu cá cho thuyền viên. Đẩy mạnh việc đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật vận hành, sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại; hướng dẫn về kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm cá ngừ theo công nghệ mới, tiên tiến cho ngư dân.

Đồng thời ưu tiên xây dựng các mắt xích của chuỗi liên kết trong khai thác tiêu thụ, nhất là tổ chức lại sản xuất theo các hình thức tổ hợp tác theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần tích cực và chủ động tham gia trực tiếp vào thị trường thông qua các sàn đấu giá sản phẩm cá ngừ đại dương, nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin cho ngư dân khai thác cá ngừ, minh bạch thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong đó, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với vai trò là hạt nhân, chi phối của chuỗi giá trị, là lực lượng tiên phong trong việc đưa sản phẩm cá ngừ đại dương đến với người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, doanh nghiệp sẽ đặt hàng, yêu cầu nhà cung cấp là ngư dân khai thác cá ngừ, cơ sở thu mua cung cấp sản phẩm cá ngừ theo yêu cầu của mình.

Về lâu dài, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện tốt Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ để hỗ trợ đóng mới thay thế đội tàu khai thác cá ngừ hiện nay bằng đội tàu cá tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, giảm số lao động trên tàu cá, giảm giá thành và tổn thất sau thu hoạch. Có chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, hỗ trợ vận chuyển sản phẩm cá ngừ vào bờ theo hướng tổ chức lại sản xuất trên biển theo cơ chế chuỗi giá trị từ khai thác đến bàn ăn, bảo đảm các liên kết ngang, liên kết dọc đủ lớn để hình thành nên khối lượng, giá trị hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, giao lưu nhân dân để các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, chủ tàu cập nhật thông tin, tìm kiếm cơ hội, nhập khẩu ứng dụng, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong khai thác, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương tiên tiến, hiện đại từ các nước có nghề cá ngừ đại dương phát triển trên tàu, nâng cao giá trị gia tăng trong khai thác. Cũng như tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, bảo đảm các điều kiện để Việt Nam tham gia tốt các hiệp định quốc tế như Hiệp định về đàn cá di cư xa, Hiệp định về biện pháp các quốc gia có cảng, gia nhập các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và quốc tế, như Ủy ban nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC) hoặc các hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó sản phẩm cá ngừ của Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường các nước. Đồng thời, đội tàu khai thác cá ngừ đại dương của Việt Nam cũng có thể tham gia khai thác tại các vùng biển của các nước thuộc quyền quản lý của tổ chức này.