Năm 2020 ngành nông nghiệp “vượt bão” về đích

NDO -

Đại dịch Covid-19; lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả ba miền; thị trường tiêu thụ một số nông sản chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật khiến ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2020 chịu nhiều tác động.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

“Vượt bão” năm 2020, ngành Nông nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh... nhờ vậy đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao đổi với báo chí chung quanh vấn đề này.

PV: Năm 2020, vượt thách thức, ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2020 là năm thách thức rất lớn. Vượt qua khó khăn, thách thức đó, ngành Nông nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,65%, đây là chỉ tiêu chung đánh giá sự phát triển rất tốt chung của toàn ngành. Đẩy mạnh sản xuất nhất là hai nhóm sản phẩm lớn là lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Chỉ tiêu thứ hai đạt là xuất khẩu. Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 rất lớn dẫn đến đứt gãy nguồn cung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 41,25 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Về mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2020, đã có 62% số xã về đích, vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020 và vượt chỉ tiêu năm năm mà Quốc hội giao cho Chính phủ.

Mặc dù thiên tai khắc nghiệt nhưng đã hạn chế được mức thấp tỷ lệ thiệt hại. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, đến cuối năm 2020, thu nhập của người nông dân vào khoảng 43 triệu đồng/người/năm.

PV: Trong bối cảnh hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đã và đang đi vào thực hiện, theo ông, đâu là cơ hội và thách thức khi nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong lộ trình hội nhập kinh tế toàn cầu, có một điểm rất tích cực là Việt Nam chủ động hội nhập. Việt Nam tham gia 16 FTA, trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực. Đây là một cố gắng vượt bậc. Ngay trong năm 2020, Việt Nam cũng đã có được EVFTA , chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020, RCEP dự kiến cũng sẽ được ký kết sắp tới.

Các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới mở ra triển vọng cục diện nhìn chung rất tích cực trong đó có khu vực nông nghiệp. Thị trường được mở rộng, thuế quan được ưu đãi, do đó, ngành nông nghiệp có cơ hội rất tốt trong việc mở rộng thị trường, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, những dòng chảy đầu tư, tiếp thu công nghệ, trao đổi hợp tác, phát triển nguồn nhân lực cũng được nâng lên. Đây là những yếu tố rất tích cực.

Tuy nhiên, phải khẳng định, cái gì cũng có hai mặt. Ở mặt cạnh tranh, phải chấp nhận cuộc chơi rất quyết liệt mà xuất phát điểm chúng ta chưa có nhiều lợi thế. Nếu các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, các hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật được tăng lên, thậm chí trên thế giới hiện nay đang có một số khu vực đang tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch.

Mặt khác, trình độ phát triển logistics, hoàn thiện các mặt quản trị khác của chúng ta cũng chưa được như những nền kinh tế phát triển. Đây là những thách thức rất lớn mà chúng ta phải đối mặt.

PV: Năm 2021 được đánh giá là năm ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt thách thức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên những hóm giải pháp gì để thực hiện mục tiêu đề ra?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2021, thế giới vẫn phải chấp nhận những rủi ro và thách thức vô cùng lớn, trong đó, nổi lên, bao trùm đó là dịch Covid-19. Đặc biệt, chuỗi cung ứng, logistics chung ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng trong đó có nhóm nông sản. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục rất cực đoan, khắc nghiệt và khó dự báo.

 Trước tình hình đó, chúng tôi xác định sẽ tập trung vào hai nhóm chương trình lớn.

Một là, tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Theo đó, tập trung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tập trung khép kín chuỗi giá trị, từ phát triển nguyên liệu, tập trung chế biến đến tổ chức thương mại. Trên cơ sở đồng bộ cả ba nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia bao gồm 10 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu một tỷ USD trở lên; nhóm nông sản thuộc thế mạnh các tỉnh,  như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang…; nhóm đặc sản quy mô địa phương hay còn gọi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Như vậy, với việc đồng hành cùng lúc ba trục sản phẩm, phải tập chung chỉ đạo phát triển theo hướng hàng hóa, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học tốt nhất, công nghệ 4.0 vào từng quy mô, từng khu vực, từng ngành hàng ở mức độ phù hợp.

Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới công tác quản trị trên nền tảng của công nghệ số, từ đó có được các hình thức quản trị thích hợp, phù hợp nhất, đặc biệt là các hình thức tổ chức sản xuất của một nền nông nghiệp thông minh.

Hướng đến hội nhập, cần chăm lo chất lượng sản phẩm. Do đó, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đặc sản cần phải chú ý hơn nhiều. Tập trung nỗ lực các nhóm giải pháp để mời gọi được nhiều doanh nghiệp vào và trở thành nòng cốt, hạt nhân trong chuỗi liên kết. Thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới, cùng với các hộ nông dân để hình thành các chuỗi liên kết. Làm sao để người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thành trục liên kết nhuần nhuyễn, hoàn thiện trong tất cả các quy mô sản xuất, cấp độ, ngành hàng. Như vậy, mới đạt được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập và chủ động, hiệu quả.

PV: Trong năm 2020, chúng ta cũng đã chứng kiến làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp từ đó tạo sự chuyển biến về chất, nâng giá trị nông sản Việt Nam. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng sẽ là chủ trương lớn trong thời gian tới. Làm thế nào để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp hạt nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đánh giá thành công của khu vực tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm qua cho thấy có một nguyên nhân là các doanh nghiệp phát triển, gắn kết chặt chẽ với hợp tác xã đã trở thành hạt nhân trụ cột trong liên kết với bà con nông dân. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những nhân tố, một nhóm giải pháp rất quan trọng, thậm chí quyết định đến chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hội nhập.

Do đó, cần tiếp tục các giải pháp tổng thể để khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói riêng , khu vực nông thôn nói chung. Với vai trò quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các địa phương tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư.

Không chỉ với doanh nghiệp, cần hỗ trợ người nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới bởi bản thân doanh nghiệp không thể “với xuể” đến từng hộ gia đình mà phải thông qua  chính các hợp tác xã kiểu mới này.

Có như vậy, mới hình thành được trục sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thành một thể thống nhất. Điều này hết sức phù hợp với Việt Nam. Đó là đi lên từ những mảnh ruộng nhỏ nhưng vẫn có một nền sản xuất lớn, tập trung, quy mô  hàng hóa, phù hợp với đặc thù từng ngành, từng khu vực. Trụ cột liên kết “doanh nghiệp - hợp tác xã - bà con nông dân” đó là chìa khóa tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại.

PV: Đã có một lượng lớn người nông dân chuyển ra khỏi khu vực nông nghiệp, hiện còn khoảng 32%. Định hướng của Bộ cũng đề ra sẽ xây dựng thế hệ nông dân mới, nông dân chuyên nghiệp và hiện đại. Làm thế nào để đạt được mục tiêu này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Để đẩy nhanh hơn lực lượng lao động trong nông nghiệp với chất lượng cao và phù hợp với điều kiện đang tái cơ cấu nông nghiệp hiện đại, dứt khoát giải pháp đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp trụ cột.

Chính vì thế, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch thúc đẩy các trung tâm đào tạo trong ngành và ngoài ngành. Các viện, các trường tới đây tập trung các chương trình đào tạo về: Đội ngũ cán bộ quản lý; cán bộ quản trị doanh nghiệp, hợp  tác xã,… cho đến hình thành đội ngũ lao động trực tiếp lành nghề có kỹ năng đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại. 

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Giao kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trên 3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phải đạt 44 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt mức 43%, nông thôn mới đạt trên 70%, thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp, tổng số HTX nông nghiệp đạt hiệu quả là hơn 16.000 HTX. Ngành nông nghiệp phải tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP, bên cạnh đó, cần tháo gỡ thể chế để vươn lên. 

Năm 2020 khép lại, ngành nông nghiệp đạt những con số ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt con số kỷ lục với 41,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%. Tiếp tục duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Trong năm, nhiều thị trường xuất khẩu đã được khai mở cho các loại nông sản như: Vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản; chôm chôm vào Đài Loan; dâu tây và bí ngô vào New Zealand; tôm và cá tra xuất khẩu vào Brazil…