Lực lượng chủ công của cách mạng công nghiệp 4.0

Tại dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trình Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đặt trọng trách lớn lên khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với quy định “Các DNNN chủ động, tích cực thực hiện các dự án đầu tư ứng dụng CMCN 4.0, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của DN, làm hình mẫu cho các DN khác noi theo”.

Với quy mô lớn và được đầu tư tiềm lực khoa học - công nghệ (KHCN) từ các giai đoạn trước cho nên tại thời điểm đầu của cuộc CMCN 4.0, DNNN được giao nhiệm vụ đảm đương vai trò dẫn dắt cũng là hợp lý với sự phát triển chung. Xuất phát từ nhu cầu nội tại, một số DNNN lớn từ lâu đã chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN này mà không chờ chính sách.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cuối năm 2018 đã nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, điều độ hệ thống điện và thị trường điện, quản trị DN, công nghệ thông tin và tự động hóa. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cam kết với Chính phủ tiên phong trong CMCN 4.0, đến nay đã tích hợp hạ tầng sóng 5G, ký thỏa thuận hợp tác xây dựng thành phố thông minh với 23 địa phương trên cả nước,… Tuy nhiên, xét ở mặt bằng chung, mức độ ứng dụng công nghệ của DNNN lại thấp hơn DN tư nhân và DN FDI. Chỉ các DNNN quy mô lớn có nhu cầu tự thân và quyết tâm cao mới chuẩn bị sẵn sàng cho CMCN 4.0, còn phần lớn các DNNN mới chỉ ở ngưỡng bắt đầu của hành trình số hóa.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu do những bất cập về cơ chế, chính sách đối với DNNN trong ứng dụng công nghệ. Hầu như chưa có văn bản pháp lý, chính sách, chiến lược nào đặt ra mục tiêu cụ thể cho DNNN thúc đẩy KHCN. Ngay cả quy định DNNN phải lập quỹ phát triển KHCN và trích từ 3% đến 10% của thu nhập tính thuế DN vào quỹ này cũng rất khó triển khai và gần như không thực hiện được vì các tiêu chí đề ra cứng nhắc, không tính đến sự đa dạng của các ngành, lĩnh vực, cấu trúc cạnh tranh thị trường và cách thức hiệu quả để sử dụng quỹ. Đặc biệt, nói đến CMCN 4.0 là nói đến đổi mới sáng tạo với đặc thù rủi ro rất cao trong khi xét về nguyên tắc hoạt động là mọi quyết định đầu tư đều phải bảo đảm mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, cho nên DNNN không đủ căn cứ pháp lý và thẩm quyền để đầu tư mạo hiểm. Đó là chưa kể, cơ chế lương của DNNN hiện nay không đủ khả năng giữ chân người tài để đáp ứng yêu cầu vận hành các lĩnh vực công nghệ mới, kỹ thuật cao.

Để DNNN là lực lượng chủ công của CMCN 4.0, cần có chính sách tổng thể khuyến khích khu vực DNNN đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp một cách hiệu quả. Trước hết, cần định vị rõ ràng vai trò, mục tiêu của DNNN trong CMCN 4.0; tái cơ cấu, cổ phần hóa mạnh mẽ DNNN ở những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong công nghệ; hiện đại hóa, số hóa quản trị, giám sát của chủ sở hữu nhà nước; hỗ trợ DNNN cải thiện khả năng vận hành số hóa; tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh; xây dựng cơ chế tiền lương linh hoạt hơn cho DNNN để thu hút nhân tài chất lượng cao.