Lãng phí đầu tư xây dựng chợ ở Thanh Hoá

NDO -

NDĐT- Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có một số chợ đầu tư xong nhưng không hoạt động, gây lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa.

Phiên chợ cầu may ở Đông Hoàng.
Phiên chợ cầu may ở Đông Hoàng.

Đó là chợ Già mới, ở xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa; chợ Cao, ở xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc; chợ xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương. Trong đó, chợ Già được đầu tư gần 27 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp; hai chợ còn lại đầu tư trên, dưới 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tại huyện Nga Sơn có xã Nga Thanh đầu tư xây dựng chợ từ nguồn ngân sách xã nhằm khắc phục hiện trạng nhân dân lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh. Hiện, thị trường tiêu thụ các sản phẩm cói trầm lắng nên chợ bỏ không.

Được biết, chợ không phải là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân chợ đã đầu tư, không hoạt động do quy hoạch, xây dựng chợ không gắn với tập quán, thói quen, sinh hoạt và điều kiện thực tế của từng địa phương; phối hợp chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, huyện chưa thống nhất; chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và quản lý chợ sau đầu tư. Có địa phương đầu tư xây dựng chợ không gắn với công tác chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo đề án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ của tỉnh và thời gian qua công tác tham mưu phát triển chợ chưa thống nhất về một đầu mối, dẫn đến có biểu hiện xây dựng chợ theo phong trào, chợ không phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho rằng, UBND tỉnh và ngành công thương chỉ đạo rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh, chỉ rõ có bao nhiêu chợ đã đầu tư nhưng sau “cưới chợ” không có người vào kinh doanh, trao đổi hàng hóa; bao nhiêu chợ do doanh nghiệp đầu tư, chợ nào đầu tư từ ngân sách nhà nước. Từ đó tìm ra nguyên nhân, ai là người quyết định đầu tư, ai là người tham mưu ban hành quyết định đầu tư, gây lãng phí ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội để có biện pháp xử lý.

Rõ ràng, ở đây có trách nhiệm cụ thể, bệnh “không sót ruột” trong sử dụng ngân sách nhà nước của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền, quyết định đầu tư chợ không theo quy hoạch, gây lãng phí trong bố trí các nguồn lực nên cần làm rõ trách nhiệm cụ thể. Nhiều chợ do UBND các huyện ban hành quyết định đầu tư trên cơ sở đề xuất của xã nên không thể không thấy rõ trách nhiệm của bộ phận liên quan. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Phải coi sử dụng tiền ngân sách nhà nước như sử dụng tiền của chính gia đình mình thì hiệu quả đầu tư mới tốt, phải tính toán cho kỹ trước khi quyết định đầu tư.