Khát vọng của người H’Mông ở Lân Chiêu

Khoảng 20 năm về trước, bỏ lại sau lưng những triền đá tai mèo sắc nhọn, những thửa ruộng bậc thang nằm ở lưng chừng núi, hơn 20 hộ đồng bào H’Mông đã chuyển từ hai huyện Hà Quảng và Trà Lĩnh của tỉnh Cao Bằng về mảnh đất Lân Chiêu, thuộc xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) lập nghiệp với khát vọng đổi đời. Vượt qua những gian nan ban đầu, đến nay, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi.

Ở Lân Chiêu, gia đình nào cũng có từ hai đến sáu con trâu, bò. Trong ảnh: Đàn trâu của gia đình chị Hoàng Thị Công.
Ở Lân Chiêu, gia đình nào cũng có từ hai đến sáu con trâu, bò. Trong ảnh: Đàn trâu của gia đình chị Hoàng Thị Công.

Khu người H’Mông Lân Chiêu nằm trong một thung lũng nhỏ dưới chân núi Mỏ Vùng. Trên đường vào đây, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà đang được xây mới, một số người dân mải mê lao động bên những ruộng ngô, bãi cỏ voi xanh rì, còn các em nhỏ hồn nhiên vui đùa trên mỗi sân nhà. Trong ngôi nhà cấp 4 mới xây dựng khang trang, Tổ trưởng khu Lân Chiêu, anh Ngô Văn Vàng kể cho chúng tôi về những ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất này. Anh nói: Khi mới chuyển về đây, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Cách UBND xã chỉ hơn 1 km, nhưng đường vào xóm trước đây nhỏ hẹp lại phải băng qua suối Bến Tắm với nhiều chỗ sâu, khúc cua nên chúng tôi như bị cô lập với bên ngoài. Nhà cửa, ruộng nương không có, nhiều người nói tiếng phổ thông chưa sõi, hoặc chưa biết mặt chữ nên khó nói chuyện với người bản địa cũng như khi giao dịch với chính quyền địa phương. Để việc đi lại thuận tiện, khi mới chuyển về đây sinh sống, người H’Mông Lân Chiêu bảo nhau bỏ tiền, công lao động để mua cát, đá về tự kè hai bên, rải cấp phối con đường 600 m trong vòng bốn năm mới xong. Năm 2018, khu được xây dựng cầu Bến Tắm, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ dân trong khu đối ứng một triệu đồng để hoàn thành 500 m đường bê-tông.

Cùng với việc mở rộng con đường, người dân sớm bắt tay vào sản xuất, ổn định cuộc sống. Toàn bộ số tiền dành dụm được từ trước khi chuyển về đây đều được dành để mua đất làm nhà và ruộng sản xuất. Trung bình mỗi hộ có từ 5 sào đến hơn một mẫu ruộng. Với mong muốn sản xuất mang lại hiệu quả, người dân tập trung cấy lúa, trồng ngô xen lẫn hoa màu như bí đỏ, rau các loại... Chăn nuôi trâu, bò được đặc biệt quan tâm, gia đình nào cũng chăn từ hai đến năm con trâu, bò. Đáng chú ý, để tiếp sức cho đồng bào, chính quyền địa phương và Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ. Đơn cử như năm 2017, nhận thấy nhiều người chưa biết chữ, Hội Phụ nữ phối hợp Đoàn Thanh niên xã và Trường tiểu học Lâu Thượng mở lớp xóa mù cho 20 người dân. Sau gần hai năm học chương trình hết lớp 3, đến nay, tất cả người dân trong khu đã biết chữ, biết viết họ tên của mình. Bên cạnh đó, họ được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Riêng từ năm 2013 đến nay, mỗi năm có hai đến ba hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền mỗi đợt 30 đến 50 triệu đồng/hộ. Từ số tiền này, các hộ đầu tư mua trâu, bò, trồng cỏ, giống vật nuôi, cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu, mua máy cày, máy cắt cỏ…  Ngoài ra, người dân được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tích cực đưa các giống lúa, ngô mới, năng suất cao về trồng, bảo nhau be bờ, làm mương dẫn nước, cách chăm sóc, ủ phân bón ruộng… Nhờ đó, năng suất cây trồng tăng gấp hai, ba lần so với trước; nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, từ 28 hộ nghèo đến nay khu chỉ còn 13 hộ nghèo. 

Người giàu nhất trong khu phải kể đến anh Ngô Văn Máy. Anh Máy bảo, để có được cuộc sống hôm nay, anh phải làm đủ thứ việc từ nuôi lợn nái, nuôi bò... Sau nhiều năm anh dành dụm tiền mua được hai mẫu ruộng để trồng ngô, lúa. Không chỉ vậy, năm 2012 anh còn bán thuốc nam, nghề gia truyền của gia đình… Tiếng lành đồn xa, tiệm thuốc của gia đình anh luôn đông khách. Ai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc người trong khu đến thăm khám, mua thuốc anh gần như không lấy tiền. Anh bảo, làm việc tốt không lo thiệt, bởi vậy với anh, tiền đi cũng nhiều mà tiền về cũng nhiều. Gia đình anh giờ có đầy đủ nhà đẹp, ti-vi màn hình phẳng, tủ lạnh, xe máy, ô-tô… Trước khi ra về, Máy còn khoe với chúng tôi đang có vườn quýt 700 gốc cho thu hoạch được một vụ. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng xóm La Mạ cho biết: Nhờ sự nỗ lực của người dân và hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay kinh tế được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần cũng được nâng lên, sự học của con em được chú trọng hơn. Tất cả các cháu đến tuổi đi học đều được đến trường, nhiều em học hết cấp 3, học cao đẳng. Có hai em được xã tư vấn đi xuất khẩu lao động được ba năm nay là Hà Văn Sầu và Dương Văn Tiến. Đến nay, cuộc sống kinh tế gia đình các em đã cơ bản ổn định. 

Tin tưởng vào sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng và Nhà nước, bao năm nay, người dân khu Lân Chiêu tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương; không mắc vào ma túy, cờ bạc, không được say sưa; đặc biệt luôn yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo. Anh Vàng nói: Chẳng thế mà mọi khoản đóng góp hay kêu gọi ủng hộ của xóm, xã, người dân đều rất sẵn lòng tham gia. Cũng theo anh Vàng, mong muốn lớn nhất của họ lúc này là được địa phương quan tâm, kè lại cho đoạn bên trong cầu Suối Tắm đang có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại. 

Khi mặt trời đã khuất dần sau núi Mỏ Vùng, cũng là lúc trẻ em, người lớn ở Lân Chiêu tập trung tại khu vực trung tâm chơi bóng chuyền, hay đàn hát cho nhau nghe sau ngày dài lao động vất vả. Cuộc sống bình yên, đầy lạc quan của người dân nơi đây khiến chúng tôi chợt nhớ đến những câu hát trong bài Người Mèo ơn Đảng của nhạc sĩ Thanh Phúc: “Bao đời nay sống nghèo lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/Người Mèo ơn Đảng suốt đời…”.