Hội thảo về triển vọng hợp tác Việt Nam - châu Phi và Trung Đông

NDO -

Sáng 21-10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo quốc tế: “Tình hình châu Phi và Trung Đông 2011-2020 và triển vọng”.

Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tại hội thảo.
Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tại hội thảo.

Đây là dịp các nhà khoa học, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài chia sẻ hiểu biết, phân tích, đánh giá về thực trạng quan hệ hợp tác.

Từ đó, đưa ra các dự báo và khuyến nghị chính sách, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi và Trung Đông những năm tới.

Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ các nước tại Việt Nam: Mahmoud Hassan Nayel, Đại sứ nước Cộng hòa Ả Rập Ai Cập; Nadav Eshcar, Đại sứ Nhà nước Israel; Jamale Chouaibi, Đại sứ Ma-rốc; Saleh Mohamed Ahmed Al Saqri, Đại sứ Vương quốc Hồi giáo Oman; Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi và đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước.

TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, Việt Nam và các nước châu Phi, Trung Đông có quan hệ hữu nghị, truyền thống từ những năm 1950 trong bối cảnh phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc đang diễn ra rộng khắp thế giới.

Việt Nam và các nước khu vực không chỉ tích cực ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây mà còn cả trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ngày nay và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với khu vực không ngừng được củng cố và tăng cường, thể hiện qua những kết quả nổi bật, rất đáng khích lệ. Hai bên tích cực trao đổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý, kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, từ năm 2014, Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại một số nước châu Phi (Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi..). Tháng 10-2018, đã chính thức triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 với quân số gần 70 người tại Nam Sudan.

Trong ba năm gần đây, tổng kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng mạnh, từ 16.25 tỷ USD (2016) lên 18.65 tỷ USD (2017), đạt xấp xỉ 20 tỷ USD  năm 2019, trong đó, Việt Nam xuất siêu gần 5 tỷ USD và có tới sáu đối tác có kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì ở mức hơn 1 tỷ USD (UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Israel, Nam Phi, Bờ Biển Ngà).

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác giàu tiềm năng ở khu vực đã được tổ chức thành công.

Hội thảo về triển vọng hợp tác Việt Nam - châu Phi và Trung Đông -0

PGS, TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Nghiên cứu châu phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết thêm, với một thị trường hơn 1,6 tỷ dân, rộng hơn 36 triệu km2, châu Phi và Trung Đông là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác.

Ngược lại, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông-Nam Á, khu vực tăng trưởng nhanh nhất của châu Á - Thái Bình Dương.

Trong số 70 nước ở khu vực châu Phi và Trung Đông, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia. Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Trung Đông và châu Phi.

Nhiều nước trong khu vực đã tích cực thực hiện chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các quốc gia, các nền kinh tế đang lên ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Vừa qua, các nước châu Phi và Trung Đông ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Đáng mừng, sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông và châu Phi, giai đoạn 2016-2025”, quan hệ giữa các bên đã được chú trọng, nâng tầm quan hệ, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, xét về tiềm năng, cơ hội quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi thì dư địa còn nhiều, chưa đạt được mong đợi của chính phủ và nhân dân các bên.

Tai hội thảo, các nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung vào các vấn đề thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư, nông ngư nghiệp, dầu khí, viễn thông, lao động, giáo dục, y tế… giữa Việt Nam và các nước châu Phi và Trung Đông trong thời gian tới.

Đồng thời, chỉ ra các thách thức, trở ngại về: khoảng cách địa lý, thiếu hiểu biết thông tin, thiếu hiểu biết sâu về thị trường các bên, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau...

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ chỉ ra các biện pháp phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam với các nước châu Phi và Trung Đông trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, tìm hướng mới, thực chất, hiệu quả để biến sự tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị truyền thống thành những kết quả hợp tác cụ thể, trong đó, chú trọng hợp tác kinh tế, xác định kinh tế là đòn bảy cho quan hệ chính trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác; trong đó có cơ chế phối hợp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tận dụng các cơ hội, tạo thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác trong những năm tiếp theo.