Hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp (Kỳ 2)

Bài 2: Còn nhiều nỗi lo

Thanh niên nông thôn là một lực lượng quan trọng cần nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể. Tuy nhiên, đây lại là một lĩnh vực hoạt động còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém của tổ chức đoàn. Bên cạnh những thanh niên nông thôn dám nghĩ, dám làm, gắn bó với quê hương thì nhiều bạn trẻ khác đang gặp rất nhiều khó khăn. Đã có những ý kiến lo lắng, băn khoăn về thực trạng của thanh niên nông thôn hiện nay và vị trí cũng như sự ảnh hưởng của tổ chức đoàn, hội đến đâu trong con đường lập thân, lập nghiệp của các bạn trẻ nơi đây.

Anh Phan Thanh Sang (thứ tư từ phải sang), chủ trang trại YSA Orchid (Lâm Đồng) giới thiệu cách thức trồng các loại hoa lan với đại diện các thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp.
Anh Phan Thanh Sang (thứ tư từ phải sang), chủ trang trại YSA Orchid (Lâm Đồng) giới thiệu cách thức trồng các loại hoa lan với đại diện các thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp.

Ý chí khởi nghiệp chưa cao

Trong các báo cáo về tình hình thanh niên nông thôn của các cấp bộ đoàn những năm gần đây, có một thực trạng đang diễn ra ngày càng phổ biến ở các vùng quê, đó là việc thanh niên nông thôn đi làm ăn xa nhà. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện đoàn Quan Sơn (Thanh Hóa) Phạm Đức Lương cho biết: “Trên địa bàn huyện có các loại ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, khai thác lâm sản, làm nghề mộc và sản xuất tiểu thủ công nghiệp... Nhưng do tính chất công việc nặng nhọc và không duy trì thường xuyên cho nên toàn huyện có tới hơn 1.000 thanh niên đi làm ăn xa. Hiện, tỷ lệ tập hợp thanh niên của 94 chi đoàn thôn, bản của huyện Quan Sơn đạt khoảng 60%”. Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Bon Krong Ha Nỗ, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Đam Rông (Lâm Đồng) nói: “Huyện Đam Rông có hơn 12,8 nghìn thanh niên, trong đó thanh niên dân tộc thiểu số chiếm 69%. Do không có công việc ổn định tại địa phương, rất nhiều bạn trẻ đã bỏ đi làm ăn xa, gây nhiều ảnh hưởng cho công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên”.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do một bộ phận không nhỏ thanh niên nông thôn còn thiếu kiến thức, thiếu sự trải nghiệm, chưa mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; thiếu tinh thần xung kích, ý chí vươn lên, sợ thất bại, lười lao động; ngại học hỏi, tiếp cận, tìm hiểu thông tin về cơ chế chính sách hỗ trợ... mà quên rằng, quê hương còn tiềm ẩn nhiều cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng. Mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng khi đi làm thuê ở các thành phố lớn vẫn có sức hút nhất định đối với bộ phận thanh niên này. Bởi theo cách tính của họ, nếu ở lại quê nhà mà công việc bấp bênh, không ổn định, thì mức lương trên thành phố rõ ràng là lựa chọn đơn giản, dễ dàng hơn. Thế nhưng, sau khi đi làm ăn xa, nhiều thanh niên nông thôn mới nhận ra rằng, số lương “bằng cả tấn thóc” kia sau khi trừ các khoản chi phí, phụ phí mưu sinh thì cũng chẳng còn được bao nhiêu. “Trước khi khởi nghiệp với cây thanh long, tôi cũng từng đi làm thuê đủ thứ nghề ở khắp nơi.

Sau một vài năm, tôi bắt đầu nhận thấy sự đắt đỏ ở những thành phố lớn. Trong khi đó, về quê thì thứ gì cũng rẻ, bản thân tôi lại có thể trực tiếp sản xuất ra lúa gạo, nông sản phục vụ nhu cầu hằng ngày. Tôi thấy thanh niên ngày nay nhiều người có sẵn vườn ruộng, ao chuồng nhưng lại không dám khởi nghiệp, có lẽ do ngại “chân lấm, tay bùn”. Một số người khác vừa bắt tay vào khởi nghiệp thì lại muốn mô hình phải hoành tráng, bài bản ngay mà quên rằng muốn hái quả ngọt thì phải “một nắng hai sương”, Chủ nhiệm Hợp tác xã Học Phát Nguyễn Văn Phóng tâm sự.

Thực tế, yếu tố tiên quyết trong khởi nghiệp nói chung và nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng chính là ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên, sự kiên trì, nhẫn nại và sức sáng tạo, hàm lượng chất xám trong các sản phẩm, mô hình nông nghiệp mới, có sức sống, sức cạnh tranh, thích ứng tốt với môi trường kinh tế mở hiện nay. Để bắt tay vào khởi nghiệp, thanh niên nông thôn cần xác định quyết tâm, định hình rõ hướng đi... rồi mới tính đến chuyện huy động, kêu gọi vốn đầu tư. Sự hấp tấp, thiếu tính toán kỹ lưỡng dễ dẫn đến kết quả là những mô hình manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm có tính cạnh tranh không cao, khó khăn về đầu ra.

Hoạt động hỗ trợ chưa hiệu quả

Qua khảo sát thực tế cho thấy, trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên nông thôn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn. Trong đó, vướng mắc thường thấy nhất đối với những nhà khởi nghiệp trẻ nói chung, thanh niên nông thôn khởi nghiệp nói riêng là ở khâu vốn đầu tư. Phần lớn thanh niên nông thôn thường không sở hữu hoặc thiếu hụt nguồn vốn để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, nhưng muốn vay vốn ngân hàng thì lại phải có tài sản thế chấp, bảo đảm. Đây chính là “bài toán khó” đối với lực lượng thanh niên nông thôn, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội lại chỉ hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên và một số đối tượng chính sách... cho nên lượng hồ sơ xin vay vốn của thanh niên nông thôn tại đây được giải quyết thường rất ít. Thêm vào đó là thực trạng tiến độ đánh giá, khảo sát mô hình để hỗ trợ vốn còn chậm, lượng vốn hỗ trợ thường chưa đạt mức mong muốn đối với phần lớn mô hình khởi nghiệp, cho nên thanh niên nông thôn thường không mặn mà với việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh các nguồn vốn nêu trên, thanh niên có thể tiếp cận nguồn vốn từ Chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm hoặc các quỹ đồng hành, hỗ trợ thanh niên ở từng địa phương. Tuy nhiên, cả hai chương trình này đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ riêng dành cho đối tượng thanh niên nông thôn, nhất là trong khía cạnh khởi nghiệp. Các quỹ đồng hành, hỗ trợ thanh niên lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Trên thực tế, nhiều thanh niên nông thôn đã và đang khởi nghiệp tại quê hương cho biết, nguồn vốn từ các loại hình quỹ này hầu như chỉ mang tính động viên và tượng trưng, chưa đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Liên quan đến việc này, ngoài nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội vốn eo hẹp, đoàn thanh niên thực tế không quản lý nguồn quỹ nào khác để có thể nhanh chóng, trực tiếp hỗ trợ đoàn viên, thanh niên có mô hình khởi nghiệp sáng tạo, bền vững. Các cơ sở đoàn chỉ đóng vai trò kết nối các bạn trẻ tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp với các tổ chức tín dụng. Ngay cả việc xuất chi vốn ủy thác, đoàn thanh niên cũng không được quyết định, mà vẫn phải phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp lọt vào danh sách được hỗ trợ là điều không dễ dàng. Điều này thể hiện ở việc nhiều thanh niên nông thôn mới khởi nghiệp hoặc đã khởi nghiệp nhiều năm không hề biết tới các chương trình hỗ trợ, các giải thưởng dành cho mô hình xuất sắc trong khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp nông nghiệp nói riêng. Đáng ngại hơn, có thanh niên nông thôn dù đã bắt tay khởi nghiệp được vài năm, nhưng không hề biết tới sự tồn tại của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (trực thuộc T.Ư Hội LHTN Việt Nam) hoặc cụ thể hơn là các chương trình đồng hành, hỗ trợ và khuyến khích thanh niên khởi nghiệp. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định: “Công tác nắm bắt tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh niên tại tỉnh Lâm Đồng còn chưa kịp thời. Mô hình hoạt động tại một số cơ sở hội chưa rõ nét, việc triển khai các phong trào, chương trình chưa đồng bộ, đặc biệt nhiều nơi còn nặng về hình thức mà thiếu chiều sâu...”.

Có ý kiến cho rằng, sự yếu kém trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ, phát triển kinh tế đối với lực lượng thanh niên nông thôn là hệ quả tất yếu từ nhiều nguyên nhân như: lực lượng cán bộ đoàn ở nhiều địa phương còn mỏng; trình độ, kiến thức và năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn còn hạn chế. Cùng với đó, việc chuyển đổi các phương pháp tuyên truyền truyền thống sang phổ biến qua mạng xã hội của các cấp bộ đoàn thanh niên tại khu vực nông thôn lại đang cho thấy tác dụng ngược. Bởi thực tế một bộ phận không nhỏ đoàn viên, thanh niên nông thôn vẫn chỉ quen với việc tiếp cận thông tin qua hệ thống loa phát thanh, hoặc do quá bận bịu với việc đồng áng, không còn thời gian truy cập các trang mạng xã hội.

Đồng chí Lê Minh Châu, Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết: “Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đồng hành với thanh niên trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để chất lượng các hoạt động, hình thức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được nâng cao, cần có cơ chế cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cán bộ đoàn ở nông thôn; bố trí nguồn lực, tạo thêm cơ hội để thanh niên nông thôn tiếp cận kiến thức, được đào tạo căn bản về khởi nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”.

Bên cạnh sự kém sâu sát của các cấp chính quyền, sở, ngành, đoàn thể trong khâu tiếp cận các mô hình khởi nghiệp tiềm năng, thì công tác bồi dưỡng, ươm mầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá lại. Một số chủ mô hình khởi nghiệp nông nghiệp cho biết, việc tổ chức các lớp tập huấn có lúc còn nặng về hình thức, chưa đi vào thực chất. Có một số chuyên gia nông nghiệp được cử về để hỗ trợ mô hình chỉ nắm vững kiến thức “sách vở”, còn về thực địa lại thường không thông thạo như người nông dân. Do đó, tồn tại sự “lệch pha” nhất định từ khâu chọn giống cho đến chăm sóc, phát triển những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp mới.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Học Phát (tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Văn Phóng băn khoăn: “Sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành là có nhưng chưa đủ. Đôi khi, nguồn giống mà kỹ sư nông nghiệp tuyên truyền, giới thiệu còn chưa qua thử nghiệm thực tế thành ra lại làm khổ bà con nông dân. Thổ nhưỡng, khí hậu mỗi nơi một khác, sức khỏe mỗi giống cây trồng cũng không đồng đều, không thể cứ đánh đồng theo công thức, bón từng này phân, phun thuốc theo mẫu chung rồi áp dụng công thức nhà lưới, nhà kính mà được”.

Bài 1: Làm giàu ở quê hương

(Còn nữa)