Góp phần bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG), BHTG Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong việc bảo vệ người gửi tiền, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), từ đó góp phần duy trì hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và số lượng. Cả nước có hơn 1.180 QTDND với gần hai triệu thành viên chủ yếu ở khu vực nông thôn, đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Dù vậy, trong quá trình hoạt động, hệ thống QTDND đã bộc lộ một số yếu kém về công tác cán bộ, về quản trị rủi ro. Do đó, để nâng cao chất lượng, an toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và có những biện pháp chấn chỉnh hoạt động, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các QTDND, nhất là quỹ yếu kém, tiềm ẩn rủi ro cao.

Là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN trong sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng, BHTG Việt Nam đã góp phần duy trì sự ổn định, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống QTDND. BHTG Việt Nam thực hiện các hoạt động: cấp Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với toàn bộ các QTDND. Trong đó, nghiệp vụ giám sát tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của các quỹ; việc chấp hành các quy định về BHTG cũng như việc tuân thủ quy định về an toàn hoạt động ngân hàng; qua đó cảnh báo rủi ro, các sai phạm, yếu kém mà QTDND cần khắc phục và báo cáo, kiến nghị NHNN xử lý kịp thời. Đặc biệt, đối với những QTDND có vấn đề, BHTG Việt Nam thực hiện giám sát chuyên sâu để nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với QTDND nhằm kịp thời phát hiện sai phạm, từ đó đề xuất biện pháp xử lý, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng như phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi BHTG.

Thực tế khẳng định công tác giám sát, kiểm tra thời gian qua của BHTG Việt Nam đã góp phần cùng với các cơ quan chức năng kiểm soát, phát hiện rủi ro sớm hơn để duy trì, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống QTDND. Từ khi thành lập năm 1999 đến nay, BHTG Việt Nam đã chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền tại 39 QTDND với 26,8 tỷ đồng. Công tác chi trả được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, kết hợp tuyên truyền trước và trong quá trình chi trả đã giúp ổn định tâm lý và duy trì niềm tin của người gửi tiền, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND khác trên địa bàn.

Những năm gần đây, BHTG Việt Nam không phải chi trả cho người gửi tiền, nhưng thường xuyên diễn tập, mô phỏng các “kịch bản” chi trả khi có đổ vỡ để luôn chủ động, sẵn sàng trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Chính phủ và NHNN đang quyết liệt tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2. Một trong những nguyên tắc quan trọng được quán triệt trong quá trình này là ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 đã trao cho BHTG Việt Nam trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, cụ thể: được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ trong quá trình cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, BHTG Việt Nam cũng trực tiếp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt thông qua khoản vay đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, theo chỉ định của NHNN. Đến nay, BHTG Việt Nam đang tiến hành tổng kết 5 năm thi hành Luật BHTG, đề xuất các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD, cũng như thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 theo quyết định của NHNN.

Qua quá trình hoạt động, có thể nói, BHTG Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc tái cấu trúc hệ thống các TCTD, ngày càng khẳng định vị thế là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN trong sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền. Nhưng để sử dụng nguồn lực của BHTG Việt Nam tốt hơn trong các nhiệm vụ được giao và nâng cao vai trò trong quá trình tái cơ cấu các TCTD, BHTG Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, xây dựng chiến lược, định hướng phát triển trong tương lai nhằm thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng Việt Nam.