Giữ vững thị trường bán lẻ trong nước (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tạo “đòn bẩy” để doanh nghiệp bứt phá

Dưới góc độ cạnh tranh, nhiều ý kiến cho rằng, chính nguy cơ từ sự lấn át của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam đã có những tác động tích cực khiến các DN trong nước bừng tỉnh, thay đổi để thích nghi và chuyển động theo luật chơi quốc tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, song với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và những lợi thế nhất định, nhiều DN trong nước vẫn tự tin có thể giữ vững vị thế trên “sân nhà”.

Khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Vinmart trên đường Nguyễn Trãi, quận Đống Đa (Hà Nội).
Khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Vinmart trên đường Nguyễn Trãi, quận Đống Đa (Hà Nội).

DN “chuyển mình”

Một trong những điểm yếu của các DN trong nước tồn tại suốt thời gian qua đó là không có sự đầu tư bài bản, lâu dài. Các sản phẩm làm ra mang tính đơn điệu, thiếu tính đột phá; sự thiếu liên kết giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối khiến sản phẩm dư thừa, không tiêu thụ được, dẫn đến không ít DN bị âm vốn, rơi vào tình trạng phá sản. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện hệ thống siêu thị điện máy Media Mart (siêu thị có thị phần hàng đầu thị trường miền bắc) cho biết: Với hơn 30 nghìn mặt hàng được trưng bày tại 105 siêu thị trực thuộc, các thương hiệu nước ngoài chiếm ưu thế tuyệt đối, sản phẩm mang nhãn hiệu của DN trong nước chỉ chiếm khoảng 30%. Mặc dù chất lượng của nhiều sản phẩm điện tử, công nghệ của các công ty Việt Nam tốt không thua gì sản phẩm của các hãng nước ngoài, nhưng bán không chạy do đơn điệu về mẫu mã, kiểu dáng; chưa đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Tương tự, đại diện Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) khẳng định, khi tiếp cận với nhiều nhà cung cấp đưa sản phẩm vào siêu thị, phần lớn sản phẩm của các đơn vị tương đồng nhau, không có ưu điểm đột phá, gây ra khó khăn cho siêu thị trong việc phát triển nguồn hàng. Việc áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, kiểm soát chất lượng hàng hóa là những yếu tố rất quan trọng nhưng dường như vẫn bị bỏ ngỏ.

Có thể thấy, trong khi các DN trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như quy mô nhỏ lẻ, nguồn tài chính hạn hẹp, thiếu các dịch vụ hậu mãi, ưu đãi để thu hút người tiêu dùng (NTD)..., nhưng không phải không có những lợi thế nhất định so với DN nước ngoài như: mạng lưới phân phối sẵn có, am hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam,... Một số DN đã chủ động nhận diện thách thức, sẵn sàng nguồn lực đầu tư mở nhiều điểm bán lẻ, cùng một chiến lược dài hơi, từ đó có đủ sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ. Đơn cử, sau gần 5 năm tham gia thị trường bán lẻ, đến nay Vingroup đã trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với việc sở hữu hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại. Không dừng lại ở đó, cuối năm 2018, Vingroup tiếp tục chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại hệ thống 23 siêu thị Fivimart và chuỗi 200 cửa hàng bán điện thoại Viễn Thông A, sáp nhập vào hệ thống công ty con tập đoàn trong từng lĩnh vực. Mới đây nhất, vào đầu tháng 4 vừa qua, Vingroup đã mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go của Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống. Như vậy, kể từ khi bước chân vào thị trường bán lẻ, đến nay Vingroup đã lần lượt thâu tóm các DN bán lẻ khác, đồng thời xây dựng thương hiệu bán lẻ Vinmart, Vinpro và trang thương mại điện tử (TMĐT) Adayroi.vn để đẩy mạnh phát triển hình thức bán hàng trên mạng giao hàng tận nơi. Với tiềm lực tài chính dồi dào, Vingroup còn đầu tư cả những nông trường công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm nông sản cung cấp cho hệ thống Vinmart của mình. Đây chính là điểm khác biệt, tạo ra giá trị độc nhất cho chuỗi siêu thị Vinmart so với các tên tuổi khác nhằm thu hút NTD, đồng thời, làm thay đổi diện mạo TTBL để hiện thực hóa mục tiêu từng bước “vẽ” lại bản đồ TTBL Việt Nam theo cách riêng để có thể cạnh tranh trực tiếp với các “gã khổng lồ” khác như: Big C, Co.opmart, Lotte, Aeon hay Metro,...

Còn với Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), một DN có hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các DN nước ngoài, Hapro cũng đã có những chiến lược riêng để giữ vững thị phần, tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Phó Tổng giám đốc Hapro Nguyễn Tiến Vượng cho rằng, việc cạnh tranh với các DN nước ngoài có tiềm lực lớn, kinh nghiệm lâu năm là một thách thức rất lớn, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải đổi mới từ năng lực quản trị đến chiến lược kinh doanh. Thời gian qua, Hapro liên tục phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi Hapromart, Haprofood để mở rộng mạng lưới phân phối ra các khu vực dân cư mới, tập trung phát triển thị trường nông thôn, coi đây là thị trường chiến lược trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong nước và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều, nhất là hoa quả tươi, gạo, nông lâm sản, thủy hải sản chế biến, hàng công nghiệp tiêu dùng. Với việc tạo dựng thương hiệu, chất lượng dịch vụ và hàng hóa đa dạng, Hapro đang từng bước khẳng định được vị trí của mình trên TTBL Việt Nam.

Đẩy mạnh liên kết

Một số DN lớn trong nước không chấp nhận ngồi yên, chịu sự chi phối của DN nước ngoài mà đã và đang tích cực chuẩn bị nhân lực, vật lực cùng những chiến lược dài hơi. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (thuộc Tập đoàn Vingroup) Thái Thị Thanh Hải cho biết, DN đã liên tục đầu tư mở rộng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, nhằm tạo dựng một kênh phân phối nội địa thật sự vững chắc. Thông qua các chương trình liên kết quy mô lớn như “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”, Vingroup đã cùng cộng đồng DN Việt Nam thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo nguồn thực phẩm sạch, hàng hóa bảo đảm chất lượng đến tay NTD. Với khoảng 108 siêu thị Vinmart tại các trung tâm thương mại lớn, cùng hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ trên cả nước, Vingroup hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế và hỗ trợ các DN khác cùng phát triển.

Theo chuyên gia về lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú, các DN trong nước đang chịu chi phí vốn kinh doanh cao hơn DN nước ngoài từ 3 đến 4%; chi phí thành lập DN, tiếp cận đất đai đều khá cao, thời cơ thành lập chuỗi kinh doanh bị chậm lại từ một đến vài năm khi tiếp nhận một mảnh đất để kinh doanh siêu thị. Ngoài ra, các chi phí tế nhị khác mà DN phải chịu cũng rất lớn, thống kê ở Hà Nội cho thấy có đến 63% số DN phải chịu chi phí “bôi trơn”, mức chiết khấu cao đã làm giảm sức cạnh tranh của các DN. Do đó, nếu những “rào cản” này không được xóa bỏ, nhất là sự liên kết chuỗi giữa nhà sản xuất và nhà phân phối không được tạo lập sẽ rất khó để DN phát triển. Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, khi nhu cầu ở khu vực thành thị đang dần trở nên bão hòa, thị trường nông thôn đang là “mảnh đất” đầy tiềm năng để các DN phát triển. Với gần 80% diện tích, chiếm hơn 70% số dân Việt Nam, thị trường này đang có nhu cầu mua sắm gấp ba đến bốn lần khu vực thành thị. Tuy nhiên, để khai thác được thị trường này đòi hỏi các DN phải đáp ứng được các yếu tố như: sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, cũng như phải có các dịch vụ sau bán hàng hợp lý nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của NTD.

Nhìn nhận dưới góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Megahome Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, muốn nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu NTD, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường không còn con đường nào khác DN phải ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đổi mới cơ sở vật chất bao gồm: hệ thống dây chuyền sản xuất công nghệ, hệ thống đo lường và kiểm tra chất lượng, đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật tự động hóa. Phát huy ý tưởng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân. Nâng cao trình độ quản lý, nhất là quản lý kỹ thuật. Nghiên cứu thị trường để định hướng chất lượng sản phẩm; đa dạng về mẫu mã, chủng loại hàng hóa với giá cả phù hợp. Nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng,… Để DN phát triển ổn định, bền vững cũng rất cần Nhà nước hỗ trợ những cơ chế và chính sách về các khoản thuế, phí; hỗ trợ DN tiếp cận công nghệ, nguồn vốn với chi phí thấp; hỗ trợ DN giảm bớt các khâu thủ tục hành chính trong sản xuất, kinh doanh,...

Dự thảo chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ nay đến năm 2020 đạt 10,7%/năm, quy mô đạt khoảng 5,3 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng DN trong nước chiếm 95% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước... Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông, để đạt mục tiêu nêu trên, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật và có các cơ chế, chính sách định hướng cho TTBL Việt Nam tiếp tục phát triển. Khuyến khích, thu hút đầu tư của toàn xã hội cho việc hiện đại hóa hạ tầng thương mại, các cơ sở bán lẻ và TMĐT,... Đồng thời, đưa ra những chính sách bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ ở kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa,...), bảo vệ hàng hóa và thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của các DN nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các DN phát triển để hình thành các tập đoàn bán lẻ quốc gia đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và vươn tầm ra quốc tế. Bên cạnh đó, các DN cũng phải đẩy mạnh liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp, nhất là trong điều kiện sức cạnh tranh trên thị trường của phần lớn các DN Việt Nam còn yếu. Thông qua đó, hình thành chuỗi giá trị, gắn kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối hàng hóa, tiến tới xây dựng hệ sinh thái toàn diện, khép kín, hiệu quả, phục vụ tốt cho các hoạt động kinh doanh trên TTBL, tạo thuận lợi cho NTD tiếp cận, mua sắm hàng hóa.

Bên cạnh đó, các DN trong nước cần đẩy mạnh việc tiếp cận với NTD thông qua hình thức bán lẻ đa kênh hoặc các trung tâm phức hợp vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp đi kèm như vui chơi, ăn uống, làm đẹp,... Đây đang là xu hướng của thế giới khi mô hình bán lẻ kiểu truyền thống đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Đồng thời, cần ưu tiên phát triển bán hàng online trên các trang TMĐT của Việt Nam như: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo, Adayroi để mở rộng kết nối; hướng tới đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế thông qua những trang TMĐT lớn của nước ngoài như Amazon, Alibaba,… Có như vậy, các DN mới có thể khẳng định vị thế chủ nhà, đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài, từng bước giữ vững TTBL Việt Nam.

TTBL Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới do quy mô dân số lớn với hơn 93 triệu dân, cùng cơ cấu dân số trẻ với 60% dân số ở độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi. Dự báo chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng trung bình 10,5%/năm và đạt 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ đạt 25%, thấp hơn nhiều so các nước trong khu vực như Ma-lai-xi-a là 60%, Xin-ga-po là 90%,...

(Nguồn: Bộ Công thương)

Bài 1: Sức ép cạnh tranh

----------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 9-4-2019.