Giữ vững thị trường bán lẻ trong nước (Kỳ 1)

Trong những năm qua, thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển khá nhanh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng hơn 10%/năm, quy mô đạt 4,4 triệu tỷ đồng vào năm 2018. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, thị phần ở kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) lại đang dần rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Sản phẩm mang nhãn hiệu Việt chiếm tỷ lệ nhỏ trong các siêu thị điện máy.
Sản phẩm mang nhãn hiệu Việt chiếm tỷ lệ nhỏ trong các siêu thị điện máy.

Với nguồn lực lớn mạnh, dự báo trong ba năm tới, nếu các DN trong nước không có những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, có chiến lược đầu tư bài bản, nắm bắt xu hướng tiêu dùng, chắc chắn thị phần sẽ ngày càng bị thu hẹp, thậm chí rơi hoàn toàn vào tay các DN nước ngoài.

Bài 1: Sức ép cạnh tranh

Từ nhiều năm nay, TTBL Việt Nam đã chứng kiến sự đổ bộ rầm rộ của các DN, tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào đầu tư. Thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), các DN nước ngoài đã nhanh chóng thôn tính nhiều thương hiệu bán lẻ trong nước, khiến “cuộc chiến” trên TTBL Việt Nam trở nên rất khốc liệt. Cùng với đó, không ít DN sản xuất trong nước gặp phải những rào cản, khiến chặng đường đưa hàng đến tay người tiêu dùng (NTD) thông qua kênh bán lẻ hiện đại khá gian nan.

Sự lấn át của DN ngoại

Chính những thương vụ M&A hay đầu tư trực tiếp của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới tại Việt Nam thời gian qua đã khiến các DN bán lẻ trong nước lao đao, mất dần thị phần, không cạnh tranh nổi và dần bị thâu tóm. Năm 2016, 25 siêu thị Lan Chi Mart của Công ty Lan Chi, một DN có hơn 20 năm hoạt động ở miền bắc, tiên phong trong lĩnh vực siêu thị hiện đại tại nông thôn đã về tay Tập đoàn Central Group (Thái-lan). Điều này đã khiến nhiều người khá bất ngờ do nông thôn là phân khúc thị trường chưa từng có các đối thủ lớn mạnh tham gia, nhất là các DN nước ngoài. Bước đi này của Central Group cho thấy triển vọng lạc quan của thị trường nông thôn, nơi vốn được xem là lợi thế của DN trong nước. Ngoài ra, Central Group tiếp tục mua lại hệ thống Siêu thị điện máy Nguyễn Kim để trở thành một trong những DN nước ngoài có trong tay mạng lưới bán lẻ rộng khắp Việt Nam từ thành thị tới nông thôn.

Nhẹ nhàng hơn, trường hợp của Fivimart, một DN bán lẻ có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, với 23 siêu thị có điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương vừa trở thành cái tên mới nhất bị xóa sổ trên “bản đồ” TTBL. Năm 2015, Fivimart đã hợp tác với Aeon (Nhật Bản) để cho ra đời chuỗi siêu thị Aeon - Fivimart, kỳ vọng giúp các chuỗi bán lẻ trong nước của DN này nâng cao thương hiệu, uy tín cũng như mở rộng hệ thống phân phối mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, chỉ hai năm sau, do năng lực quản trị kém, khiến chi phí quản lý tăng cao, “ăn mòn” toàn bộ lợi nhuận, DN này đã lỗ hàng trăm tỷ đồng. Cuối năm 2018, chuỗi siêu thị Fivimart đã chính thức được Tập đoàn Vingroup mua lại và đổi tên thành Vinmart.

Không chỉ các DN Việt Nam, nhiều DN của nước ngoài cũng đã phải “bán mình” cho các “ông lớn” khác thông qua các thương vụ M&A mang tầm cỡ quốc tế. Năm 2014, 19 siêu thị Metro Cash & Carry của Metro (Đức) tại Việt Nam được bán cho Tập đoàn Berli Jucker (Thái-lan) với giá 880 triệu USD. Hay chuỗi siêu thị Big C cũng được bán từ tay các ông chủ người Pháp cho Tập đoàn Central Group với trị giá lên đến hơn một tỷ USD vào cuối năm 2016. Không theo đuổi con đường M&A, Tập đoàn Aeon chọn chiến lược tiếp cận đa chiều hơn khi ghi dấu ấn với việc đầu tư ba TTTM phức hợp gồm đại siêu thị và khu mua sắm, vui chơi giải trí Aeon Mall tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và đặt mục tiêu mở thêm từ 10 đến 20 TTTM. Còn với Lotte, một “đại gia” bán lẻ đến từ Hàn Quốc, “khởi động” tại TTBL Việt Nam với hai siêu thị Lotte Mart vào năm 2011, đến nay đã đẩy nhanh tốc độ mở rộng chuỗi siêu thị Lotte Mart với 15 TTTM và siêu thị trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, rất nhiều những “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ khác như Auchan (Pháp), Circle K (Mỹ), K Mart (Hàn Quốc), Family Mart (Nhật Bản) trong những năm qua liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập TTBL Việt Nam bằng việc triển khai hàng trăm cửa hàng tiện ích, 24/7 tại các thành phố lớn.

Nhìn nhận về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, các DN nước ngoài có rất nhiều cách để đầu tư, xây dựng hệ thống phân phối tại TTBL Việt Nam. Tuy nhiên, để tiến vào nhanh nhất thị trường Việt Nam, họ thường chọn phương án mua lại các hệ thống bán lẻ của DN trong nước bằng hình thức M&A, rồi đưa công nghệ hiện đại vào khai thác kinh doanh. Do có lợi thế tiềm lực tài chính lớn, vì thế khi cần đầu tư, họ có thể dễ dàng huy động được nguồn vốn từ nước của họ với lãi suất rất thấp, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất ở Việt Nam. Ngoài ra, các DN nước ngoài rất thức thời, tìm hiểu kỹ thị hiếu, sở thích và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, cho nên họ không chỉ xây dựng những TTTM lớn mà còn đầu tư vào cả các cửa hàng tiện ích và siêu thị nhỏ để đáp ứng đa dạng nhu cầu của NTD. Do đó, một số cái tên chỉ vừa xuất hiện đã được nhiều NTD Việt Nam nhắc đến như: Lotte hay Aeon, Circle K,... Với những động thái này, các DN nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các DN bán lẻ và sản xuất trong nước. Bởi khi đó, thị phần trên TTBL Việt Nam sẽ dần rơi vào tay các DN nước ngoài, hàng Việt Nam của các DN sản xuất nhỏ và siêu nhỏ sẽ ngày càng gặp khó trong việc “chen chân” vào các hệ thống bán lẻ do những cản trở như chi phí cao, thủ tục rườm rà, cũng như gặp nhiều điều khoản bất lợi…

“Khó khăn trăm bề”

So sánh sự khác biệt trong việc đưa hàng vào siêu thị có vốn nước ngoài và siêu thị của DN trong nước, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết: Với siêu thị có vốn nước ngoài, DN phải mất khoảng 20 triệu đồng cho một gian hàng, tám triệu đồng để mở một mã hàng, cùng khoản chiết khấu lên tới 30%/sản phẩm, chưa kể còn phải chịu nhiều khoản chi phí phát sinh khác và thời gian chờ xét duyệt hơn 30 ngày mà vẫn chưa xong. Còn với siêu thị của DN trong nước, các chi phí này lần lượt là tám triệu và 500 nghìn đồng, cùng mức chiết khấu chỉ khoảng 12 đến 15%/sản phẩm, nhưng chỉ trong 10 ngày, các thủ tục đã được hoàn tất. Như vậy, để một sản phẩm “được lên kệ” tại các siêu thị nước ngoài, DN sản xuất đang phải chịu mức chi phí và thời gian cao gấp ba lần so với siêu thị của Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty Megahome (một DN chuyên sản xuất và phân phối các mặt hàng gia dụng có trụ sở tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Xuân Thủy cho biết, mỗi ngày DN này đưa ra thị trường khoảng 30 xe tải hàng hóa các loại, trị giá khoảng một tỷ đồng với các sản phẩm từ chổi lau nhà, thảm sàn cho đến các thiết bị máy móc đồ gia dụng khác để cung cấp cho những siêu thị lớn như: Co.op mart, Metro, Big C, Lotte trên cả nước. Thế nhưng, DN đã phải rất vất vả mới đưa được hàng vào kênh phân phối hiện đại này. Trước đây, khi còn là DN siêu nhỏ, hàng hóa của Megahome chỉ dám tiếp thị sản phẩm tại các chợ, hay cửa hàng nhỏ lẻ, nhưng từ khi sản phẩm được nhiều khách hàng tin tưởng, lựa chọn, DN đã tính đến đường mở rộng kênh phân phối thông qua các siêu thị. Như nhiều DN khác khi muốn tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại, do lần đầu tiếp cận với siêu thị, DN còn khá bỡ ngỡ với những yêu cầu thủ tục rất khắt khe về các loại giấy tờ tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa. Đáng chú ý, với mức chiết khấu trên mỗi sản phẩm của siêu thị khá cao, DN đã phải “cân đo, đong đếm” để đạt được hiệu quả khi “lên kệ”. Bên cạnh đó, DN cũng phải chấp nhận bán hàng theo hình thức ký gửi, chậm thanh toán, nên đôi lúc gặp khó khăn về dòng tiền xoay vòng kinh doanh. Tuy nhiên, xác định siêu thị là một kênh quảng bá thương hiệu và sản phẩm đến NTD dễ dàng nhất, công ty buộc phải cố gắng bám trụ, nghiên cứu những chính sách phù hợp để có thể tiếp tục kinh doanh.

Dưới góc độ DN bán lẻ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng thừa nhận, khó khăn lớn nhất của các DN bán lẻ trong nước là yếu về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh, tính chuyên nghiệp, cũng như công nghệ quản lý còn lạc hậu. Nhiều DN thiếu kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, thiếu kinh nghiệm thực hiện xúc tiến thương mại cho nên hiệu quả kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó, giữa DN sản xuất và bán lẻ vẫn còn khoảng cách khá xa từ phương thức, chính sách kinh doanh đến cách chăm sóc sau bán hàng. Việc thiếu liên kết, hợp tác với các DN sản xuất, kể cả nông dân để có nguồn hàng hóa ổn định, cung cấp riêng cho hệ thống của mình cũng chính là điểm yếu của các DN bán lẻ trong nước. Điều này chưa được các DN cải thiện trong nhiều năm qua, hoặc nếu có thì làm rất chậm, manh mún và không hiệu quả.

Có thể thấy, sức cạnh tranh của các DN trong nước còn khá yếu so với các DN nước ngoài. Do đó, muốn phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh, các DN cần có những chiến lược dài hơi, chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp; nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động bán lẻ theo xu hướng đáp ứng nhu cầu và tạo sự thuận tiện cao nhất cho NTD trong quá trình mua sắm. Trong đó, có thể triển khai những mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu thế, mang lại những trải nghiệm mới và sự hài lòng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng.

(Còn nữa)

Năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ, hơn 500 siêu thị và gần 100 TTTM, đến nay đã có gần 9.000 chợ, gần 1.000 siêu thị và gần 200 TTTM, cùng hàng nghìn cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng có mức tăng trưởng khá ấn tượng từ 1,6 triệu tỷ đồng năm 2010 đã tăng lên 4,4 triệu tỷ đồng vào năm 2018.

(Nguồn: Bộ Công thương)