Giữ nhịp tăng trưởng ngay từ đầu năm

NDO -

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Ðường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Ảnh: ÐĂNG ANH
Ðường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Ảnh: ÐĂNG ANH

Mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, song Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91%; "Dù không đạt một số chỉ tiêu kinh tế xã hội như mục tiêu đề ra vì lý do khách quan, năm 2020 vẫn được đánh giá thành công hơn 2019 năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua, với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tich  nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương cả nước ngày 28-12-2020.

Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và sẽ phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức từ hơn 6%-11,2% trong năm 2021. Chẳng hạn, trong các dự báo mới nhất cuối năm 2020, WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% GDP trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng năm 2021 là 6,1%; IMF dự báo lạm phát ở mức 3,5% trong năm 2021. Còn Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức 2,6% và được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1% trong năm 2021. Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam sẽ ở mức 2,8% và tăng mạnh lên mức 7,1% vào năm 2021. Thậm chí, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings dự báo Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19 và tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.

Yếu tố quyết định làm căn cứ cho những chỉ báo lạc quan về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2021 là sự thành công trong thực tế kiểm soát sự lây lan của Covid-19; Đồng thời, các xung lực tăng trưởng được cộng hưởng nhờ Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công và chi tiêu công; sớm và đang tiếp tục đưa ra các biện pháp tài chính-tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó có giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi tiêu dùng và gia tăng thương mại; tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam cũng đang và sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn.

Tuy nhiên, theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam cũng cần cảnh giác trước những nguy cơ toàn cầu do đại dịch Covid-19 kéo dài; có kịch bản thích ứng hiệu quả hơn với sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính; gia tăng các nỗ lực cải thiện thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp, khai thác thị trường trong nước trước sự suy giảm tổng cầu nội địa (theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2020 là âm, sau khi trừ trượt giá do lạm phát); Các chính sách cần ưu tiên bảo vệ mạng sống và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những nhóm dễ chịu tác động và đảm bảo người lao động trở lại làm việc và các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn. Đây đều sẽ là những điều kiện thiết yếu để bảo đảm kinh tế khu vực sẽ dần hồi phục một cách toàn diện và bền vững.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2021, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang, nhưng không được chủ quan. Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và uy tín của nước ta; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khai thác tốt các thị trường còn dư địa và các thị trường nước ta đã ký kết các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA.

Chủ động phổ biến thông tin rộng rãi về Hiệp định RCEP cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất xuất khẩu có cơ hội thuận lợi hoặc bị tác động. Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Chủ động có biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Xây dựng và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, hạ tầng giao thông trọng điểm, bảo đảm an toàn cho các phương tiện, tàu thuyền khi có bão lũ. Tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, khắc phục sự chồng chéo, giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ để hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp với các cơ quan, địa phương chuẩn bị cho công tác bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới và công tác kiện toàn bộ máy chính quyền tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, xuất nhập cảnh trái phép... Tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục giải ngân số vốn còn lại trong phạm vi tổng số vốn năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao…

Tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và chính mình, tạo đà phát triển ngay từ đầu năm, nhằm đạt mục tiêu cho năm 2021 theo tinh thần Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được Quốc hội ban hành là tăng GDP trên 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế khoảng 91%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm. Có trên 90% dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Trên thực tế, với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các DN đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược về phát triển sản phẩm và tìm khách hàng mới, đa dạng hóa khách hàng, thị trường và sản phẩm, giảm gia công, tăng công nghệ xanh và tiếp tục tự động hóa; đẩy mạnh liên kết để mua, bán nguyên vật liệu trong nước, thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; liên kết để chia sẻ đơn hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ đặc biệt giữa các công ty lớn và các công ty vừa và nhỏ; Nhờ vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dù năm 2021 ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt không ít khó khăn, song giai đoạn 2022-2023 sẽ từng bước hồi phục, bật lên mạnh mẽ do có nhiều nhãn hàng thời trang đã bày tỏ ý định sẽ tăng mua sản phẩm dệt may từ Việt Nam sau dịch Covid-19.