Giảm ngân sách: Nhiều hệ lụy cho “đầu tàu kinh tế”

NDO -

NDĐT - Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội, diễn ra chiều 22-10, về vấn đề tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2017-2020 bị cắt giảm từ 23% xuống còn 17%.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (trái) và ông Đinh La Thăng (phải) trong phiên họp tổ đoàn TP Hồ Chí Minh chiều 22-10.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (trái) và ông Đinh La Thăng (phải) trong phiên họp tổ đoàn TP Hồ Chí Minh chiều 22-10.

Chưa phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị

Tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thẳng thắn: TP Hồ Chí Minh luôn xác định nhiệm vụ làm “đầu tàu kinh tế”, cùng đất nước phát triển vững mạnh. Từ trước tới nay, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, chưa bao giờ biết “bàn lùi”.

Trích dẫn một phần trong Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh việc sẽ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh kể từ năm 2015, cho rằng “đây là quyết định rất sát sườn” dành cho một thành phố đặc biệt như TP Hồ Chí Minh. Như vậy, việc giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại từ 23% xuống còn 18% là chưa phù hợp với Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị.

“Căn cứ vào đó, tôi đề nghị điều chỉnh mức độ giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách để bảo đảm TP Hồ Chí Minh có hướng đầu tư. Cụ thể là 2%, thay vì 5% như dự kiến. Điều này vừa bảo đảm thực hiện đúng Luật Ngân sách, vừa đáp ứng được quan điểm mà Bộ Chính trị đã giao cho TP Hồ Chí Minh”, bà Tâm nói.

Chia sẻ ý kiến tại buổi làm việc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đây là bài toán nan giải, đưa “đầu tàu kinh tế” đi vào ngõ cụt.

“Vừa là cán bộ hành pháp, lại là đại biểu Quốc hội nên chúng tôi rất thấu hiểu những khó khăn như thế này. Chúng ta phải điều tiết một cách công bằng hơn. Cụ thể, cương quyết đối với những tỉnh chưa tự quyết được về vấn đề tài chính nhưng lại quá phung phí nguồn vốn ngân sách, thay vì quá tập trung điều tiết tại TP Hồ Chí Minh”, bà Phong Lan nhận định.

Bày tỏ quan điểm đồng tình về vấn đề này, đại biểu Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh ví von: “Đã là đầu tàu thì phải được chăm lo để bảo đảm vận tốc. Chứ nếu để chạy chậm lại thì rất khó lấy lại vận tốc cần thiết”.

“Trên không, dưới đất đều quá tải”

Đại biểu Đinh La Thăng thừa nhận: “Trong chuyến khảo sát vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể thấy rõ cơ sở hạ tầng tại nhiều trụ sở hành chính của TP Hồ Chí Minh rất kém. Trụ sở UBND thì xây từ thời Pháp thuộc, trụ sở Thành ủy thì phải cơi nới… Đến chính các đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải ngạc nhiên vì sự xuống cấp của hạ tầng tại các trụ sở này”.

“Là thành phố hạt nhân, nhưng cơ sở hạ tầng về đường xá còn yếu khiến TP Hồ Chí Minh chưa thể kết nối với các địa phương lân cận. Hay đến cả sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang tồn tại nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng. Như vậy là, trên không và dưới đất đều quá tải. Hoặc chương trình chống ngập nước, dự kiến cần tới hơn 97 nghìn tỷ mà vẫn chưa biết trông vào đâu…” - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nói.

Đề cập đến những vấn đề khó khăn mà thành phố mang tên Bác đang gặp phải, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, hạ tầng của TP Hồ Chí minh đang rơi vào tình trạng “quá bức bối”, nếu bị cắt giảm ngân sách sẽ trở thành quá tải.

“Chúng ta cũng không thể giảm chi cho con người, bởi TP Hồ Chí Minh đã tiết kiệm nguồn chi tối đa, từ xây dựng cơ sở hạ tầng làm việc, mua sắm tài sản công cho tới điều tiết xe phục vụ việc công… Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận hàng trăm nghìn sinh viên đổ về hơn 40 cơ sở đào tạo. Trên địa bàn thành phố cũng có tới 250 nghìn lao động trú tại các khu chế xuất công nghiệp, đó là chưa kể lượng lao động vãng lai. Nhiều bệnh viện vừa xây mới đã quá tải. Vẫn còn tình trạng hơn 50 học sinh dồn vào một lớp…” - bà Tâm cho hay.

“Việc cắt giảm ngân sách đột ngột sẽ khiến nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh rơi vào khủng hoảng, tác động xấu đến mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Đại hội X của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã đề ra”, đại biểu này khẳng định.
Nhiều đại biểu trong đoàn TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ đồng tình, nêu ý kiến về những khoản chi mà thành phố này không thể lấy từ nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, một số đại biểu tỏ ra lo ngại nếu bị cắt giảm đột ngột, ngân sách của TP Hồ Chí Minh sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu về ổn định an ninh trật tự, tội phạm, ma túy. Người dân vì thế sẽ không yên tâm đầu tư sinh kế, làm ăn, du lịch cũng từ đó mà giảm mạnh.