Gia tăng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Trước khoản siêu lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (KDXD) mang lại, một số đối tượng bất chấp các thủ đoạn để nhập lậu, sản xuất, pha chế xăng dầu giả và tuồn ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính. Việc làm này không chỉ gây lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính mà còn xâm hại tới quyền lợi của người tiêu dùng (NTD). Mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng vấn nạn trên không những không giảm mà đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Gia tăng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Vi phạm nghiêm trọng

Số liệu báo cáo tại buổi tọa đàm “xăng dầu giả, thiệt hại thật” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 5.000 vụ việc liên quan đến KDXD, trong đó xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh; tịch thu sáu cột bơm và một cây xăng. Ðịa bàn thường hay xảy ra gian lận thương mại (GLTM) xăng dầu phổ biến ở một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, Trung Bộ và khu vực phía bắc. Các hành vi vi phạm chủ yếu như bán xăng dầu ngoài hệ thống; KDXD khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Có trường hợp 50% mẫu xăng Ron 95 và 100% mẫu xăng E5 Ron 92 tại một số cửa hàng không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Năm 2018, các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.723 cơ sở KDXD, trong đó phát hiện 113 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính hơn 6,8 tỷ đồng. Năm 2019, các đơn vị của Bộ tiếp tục thanh tra, kiểm tra chuyên đề, đột xuất trên thị trường và phát hiện các vi phạm tại khu vực Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang,... với số tiền xử phạt hàng tỷ đồng, đồng thời yêu cầu các biện pháp bổ sung khác như tái chế các lô hàng vi phạm, ngừng sử dụng giấy phép KDXD trong thời hạn để DN khắc phục.

Tổng cục trưởng QLTT (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh cho biết, trong những năm qua tình hình buôn lậu, GLTM trong lĩnh vực xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Tháng 10-2017, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ pha chế và tiêu thụ 2 triệu lít xăng giả ở địa bàn Nghệ An. Gần đây nhất, Công an tỉnh Ðắk Nông đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả, lấy xăng pha với chất dung môi, hòa chất tạo mầu để tạo thành xăng Ron 95 và xăng E5 Ron 92 bán ra thị trường. Ðây là vụ việc rất nghiêm trọng, không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh mà còn gây ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và làm thất thu ngân sách nhà nước. Chung quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Minh Tiến khẳng định, tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu tiếp tục diễn biến phức tạp và tinh vi. Ðiều này ảnh hưởng nền kinh tế nói chung cũng như các nhà sản xuất, phân phối và NTD. Về lâu dài, khách hàng sẽ là người lựa chọn sản phẩm một cách thông minh khiến cho hàng giả, hàng kém chất lượng không còn “đất diễn”. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) Nguyễn Anh Toàn cho biết, xăng dầu lưu thông không ngừng, từ nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu, sản xuất, pha chế sẽ thông qua kho chứa, phương tiện vận tải để đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trong đó, khâu phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là việc bán lẻ. Do đó, đòi hỏi phải có sự quản lý hệ thống tốt, từ sự phối hợp của các DN phân phối đến cơ quan quản lý chất lượng nhằm kiểm soát chất lượng trước khi đến tay NTD.

Cần chế tài đủ mạnh

Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 18 triệu đến 19 triệu m3 xăng dầu, nếu hai nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn hoạt động đạt 100% công suất sẽ sản xuất khoảng 15 triệu m3 xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu. Tuy nhiên, việc bảo đảm chất lượng xăng dầu trên thị trường đang là vấn đề hết sức cấp thiết, đòi hỏi các ngành chức năng phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Bởi có không ít trường hợp cố tình sản xuất, pha chế xăng giả, xăng kém chất lượng đưa vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, xâm hại quyền, lợi ích của NTD. Liên quan vấn đề này, Cục trưởng Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Quốc Tuấn cho biết, theo quy định, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chịu trách nhiệm chính kiểm tra về chất lượng xăng dầu trong nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước. Sau khi đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới được phép đưa ra lưu thông trên thị trường. Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong KDXD, trong đó có quy định trách nhiệm của DN trong việc phải bảo đảm chất lượng xăng dầu.

Trong suốt quá trình từ nhập khẩu cho đến lúc đưa về các địa điểm thương nhân phân phối, đại lý, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ có quy định quản lý chặt chẽ tất cả các khâu để bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên đề, đột xuất để phát hiện và xử lý vi phạm. Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng vẫn tiếp tục duy trì và thường xuyên kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất nhằm bảo đảm đo lường chất lượng trong KDXD. Ðồng thời tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát về đo lường chất lượng trong KDXD từ Trung ương đến địa phương, tập trung vào các đầu mối có nguy cơ gian lận,...

Ðể nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực xăng dầu đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, ngoài ra, cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài đủ mạnh nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cho biết, về cơ sở pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2017/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KDXD và khí. Tuy nhiên, đứng trước tình hình GLTM xăng dầu khá phổ biến trong thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NÐ-CP và dự kiến sẽ được ban hành vào thời gian tới. Ðồng thời, Bộ cũng đang tiến hành quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NÐ-CP của Chính phủ về KDXD. Với các chính sách mới này, hy vọng rằng sẽ đủ chế tài, đủ sức răn đe nhằm hạn chế các hành vi buôn lậu, GLTM trong lĩnh vực xăng dầu. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và tìm mua sản phẩm ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín. Mặt khác, tiếp tục tăng cường quản lý các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ nhằm hạn chế tình trạng các cây xăng mua xăng dầu không có nguồn gốc trôi nổi trên thị trường để bán cho NTD thu lợi một cách bất hợp pháp. Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của mình, NTD và DN cần phối hợp, liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng. Khi phát hiện GLTM trong lĩnh vực xăng dầu cần thông báo kịp thời để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý,...