Đồng Tháp nâng cao vai trò cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới

* Yên Bái chú trọng tinh giản biên chế

Người dân tham gia xây dựng cầu nông thôn tại ấp 4, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: MỸ XUYÊN
Người dân tham gia xây dựng cầu nông thôn tại ấp 4, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: MỸ XUYÊN

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 84,35%). Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn, đến năm 2020 đạt 47,02 triệu đồng/người/năm. Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 31 xã nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, sáu đơn vị cấp huyện  đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác. Tỉnh tiếp tục gắn kết chặt chẽ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình giảm nghèo bền vững. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng và phát triển. Đó là các mô hình của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh. Hệ thống 92 “Hội quán” với 5.000 thành viên đã triển khai 111 mô hình hoạt động gắn với từng ngành, nghề đặc trưng của địa phương, tạo thành xu hướng mới trong hợp tác sản xuất. Ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao. Người dân chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân.

* Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã bám sát, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII), về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Yên Bái đã triển khai hai nghị quyết trên với quan điểm công khai, minh bạch, nhất quán, nhân văn, không cầu toàn, không nóng vội, lấy công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động, thuyết phục làm căn bản, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, tạo sự thông suốt về tư tưởng, thống nhất trong hành động và đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Với việc chủ động đi trước một bước trong sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39, toàn tỉnh đã giảm 415 cơ quan, đơn vị. Trong đó có 169 cơ quan, đơn vị hành chính, 246 đơn vị sự nghiệp, bằng 26% tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015; giảm 1.281 cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị; giảm 5.201 biên chế công chức, viên chức… Đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Yên Bái mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, góp phần cải cách thủ tục hành chính, khắc phục sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tỉnh cũng thực hiện đồng bộ việc thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo quản lý cấp huyện, cấp xã, qua đó, tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.