Đồng Nai quan trắc chất lượng nước hỗ trợ nuôi trồng thủy sản

Tỉnh Đồng Nai hiện có 32.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt chiếm phần lớn (hơn 30 nghìn ha), số còn lại là nước lợ. Tình trạng thủy sản (hầu hết là cá lồng, bè) bị chết hàng loạt do môi trường nước bị ô nhiễm thường xuyên diễn ra trên sông Cái, sông La Ngà, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh Đồng Nai đặt trọng tâm vào việc quan trắc chất lượng nguồn nước và đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện quan trắc chất lượng nước tại bốn khu vực nuôi trồng thủy sản trọng điểm trên địa bàn. Sau quan trắc, các cơ quan sẽ cung cấp thông tin, đưa ra cảnh báo môi trường đối với các địa phương và người dân, giúp giảm rủi ro cho người nuôi trồng thủy sản.

Người dân xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (Đồng Nai) thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: THỦY MỘC
Người dân xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (Đồng Nai) thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: THỦY MỘC

Bốn khu vực được chọn quan trắc là những nơi có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tập trung nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản, bao gồm: khu vực nuôi cá bè trên sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai, thuộc TP Biên Hòa); khu vực nuôi cá bè trên sông La Ngà thuộc huyện Định Quán; khu vực ngập mặn nuôi trồng nhiều loại thủy sản) thuộc hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch; khu vực nuôi thủy sản thâm canh nằm trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán và Tân Phú. Từ nay đến cuối năm, ngành chức năng sẽ quan trắc từ 18 - 24 lần/một nơi đối với các khu vực nuôi cá bè trên sông Cái, sông La Ngà, vùng ngập mặn thuộc hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Khu vực các ao nuôi thâm canh tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú thực hiện quan trắc 2 tháng/lần. Những nơi nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao sẽ quan trắc liên tục. Qua đó kịp thời phát hiện những bất thường trong môi trường nước, đưa ra cảnh báo phù hợp, giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động ứng phó. Những nơi chất lượng nước tốt, tần suất quan trắc giảm song vẫn bảo đảm để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện bất thường.

* Những năm gần đây, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Đo lường đã đạt được một số kết quả quan trọng, hoạt động đo lường có những đóng góp thiết thực vào việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu về đo lường trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Công tác quản lý hoạt động đo lường của Việt Nam đang tiếp tục được hoàn thiện; thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động đo lường; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp; phê duyệt thêm một chuẩn đo lường quốc gia cho lĩnh vực đo; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đo lường…

Dự kiến, năm 2020, hoạt động đo lường sẽ tiếp tục đổi mới, tập trung vào các giải pháp trọng tâm để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động đo lường tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công nhận, thừa nhận lẫn nhau về các kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đo lường và cùng với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa.