Doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Sự phát triển ấn tượng của doanh nghiệp (DN) những năm qua đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội. Trong bối cảnh mới, DN Việt Nam đang cần thêm những “cú huých” chính sách để “vươn vai”, không chỉ ghi dấu ấn ở thị trường trong nước mà còn thành công ở thị trường quốc tế. Những vấn đề này đã được đặt ra và tìm hướng giải quyết tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN 2019.

Khách tham quan gian hàng triển lãm tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Khách tham quan gian hàng triển lãm tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Liên kết để tập trung sức mạnh

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, các DN đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội, đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu. DN trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh bùng nổ của khoa học, công nghệ, các DN có vai trò trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhiều DN tư nhân đã thành công, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới, khơi dậy niềm tin và sự kỳ vọng vào việc sẽ tạo bước tiến đột phá trong phát triển.

Chia sẻ bài học thành công của DN hướng tới phát triển hiệu quả, bền vững trong bối cảnh hội nhập, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco nhấn mạnh: Cần xác định DN nước ngoài bán vào Việt Nam cái gì và DN trong nước cũng phải tìm cách bán hàng sang thị trường nước ngoài, bản thân DN phải cân bằng được cán cân thương mại, nhập khẩu nhưng cũng phải đẩy mạnh xuất khẩu. Thaco chọn cách tiếp cận, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng các thương hiệu ô-tô quốc tế sản xuất ở Việt Nam để bán vào thị trường ASEAN. Sau hai năm hội nhập, thị phần trong nước của Thaco vẫn ổn định ở mức khoảng 33%. Ngoài sản lượng ô-tô xuất khẩu vào ASEAN, DN này còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thaco gặt hái được thành công nhờ liên kết với các DN khác để hướng tới sản xuất lớn phục vụ xuất khẩu. “Vừa qua, Chính phủ đã tạo ra một làn gió mới giúp DN hăng say phát triển. Trong thời gian tới, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ ban hành một nghị định hoặc nghị quyết riêng về xây dựng đội ngũ DN phát triển, bởi DN Việt Nam đã bước sang giai đoạn đầu tư ra nước ngoài, không đơn thuần là chinh phục thị trường trong nước nữa”, ông Trần Bá Dương kiến nghị. Trong quá trình này, DN rất cần các ngân hàng đồng hành cho vay vốn đủ mức để sản xuất quy mô lớn, toàn cầu. Hiện nay, quy mô lớn là một điểm mạnh và cơ hội của ngành nông nghiệp trong tương lai cho các DN Việt Nam nhưng ngân hàng lại đang e ngại cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) có niềm tin rằng, DN Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế nếu tập hợp sức mạnh thông qua hội, hiệp hội. “Để hội nhập, không thể giữ mãi cách nghĩ như người nông dân thường áp dụng trước đây, DN mình yếu kém, không theo được các tiêu chuẩn quốc tế. Cần phải nâng tiêu chuẩn Việt Nam ngang và thậm chí cao hơn tiêu chuẩn quốc tế”, bà Minh đề xuất. Để làm được điều này, Chính phủ cần có cơ chế nâng cao địa vị của hội, hiệp hội; cho phép hiệp hội thành lập quỹ phát triển thị trường cho ngành hàng gắn với hệ sinh thái, thương hiệu chung của ngành hàng. Với những ngành hàng lớn như thủy sản, cá tra, cho phép các DN đóng góp vào quỹ phát triển thị trường, hạch toán vào giá thành. Với những sản phẩm bản địa, mới, hữu cơ cần có ngân sách hỗ trợ trong những năm đầu cho đến khi có thể tự thân vận động. Về phía các bộ, ngành, địa phương cần tôn trọng thị trường, có tư duy thị trường, tránh can thiệp hoặc cung cấp các dịch vụ cạnh tranh với DN.

Cam kết mạnh mẽ bảo vệ nhà đầu tư

Tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam nhìn từ bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) những năm gần đây cho thấy, Việt Nam chưa đuổi kịp các nước trong khu vực và quốc tế. Trong đó có một số chỉ số tiến bộ ít, thậm chí nhiều năm liên tục ở thứ hạng cuối bảng như khởi sự kinh doanh, thủ tục phá sản, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số.

Để DN, người dân yên tâm đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, trước hết, Chính phủ cần tìm ra các phương thức để thuyết phục người dân và những nhà đầu tư tiềm năng rằng thể chế mới là bền vững và mọi khoản đầu tư, mọi DN đều được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. “Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn, sao cho vừa cởi trói cho DN để cạnh tranh và tạo việc làm, vừa mang đến cho mọi người mức độ tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn”, ông Nguyễn Văn Thân nói.

Hiểu được tinh thần kinh doanh và khát khao cống hiến, xây dựng đất nước của cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra cam kết mạnh mẽ bảo vệ quyền đầu tư kinh doanh của người dân và DN. “Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và DN, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản, lợi ích của DN”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhất là việc tiếp cận đất đai, giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giải quyết tranh chấp hợp đồng. Chính phủ cũng sẽ rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, thiết lập ưu đãi tài chính tốt hơn cho các lĩnh vực như sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường… Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải ý thức rằng để một DN, một thương hiệu chính đáng của Việt Nam biến mất không chỉ là thất bại của riêng DN, mà là thất bại của Chính phủ, của chính quyền địa phương trong tiến trình hội nhập, cạnh tranh toàn cầu.

Từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các DN cũng đã có được cam kết từ những vị tư lệnh ngành của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch trong thời gian tới. Trong đó nhất quán thực hiện nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đã quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.

Theo thống kê, vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh của các DN bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt khoảng 34,3 triệu tỷ đồng/năm, tăng 82% so bình quân của giai đoạn 2011 - 2015; riêng năm 2018, đạt 41,7 triệu tỷ đồng, tăng 26% so năm 2017. Số lao động hiện làm việc trong khu vực DN chiếm khoảng 27% lực lượng lao động của toàn xã hội, thu hút bình quân 14,5 triệu lao động/năm trong giai đoạn 2016 - 2018, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)