Điều chỉnh thuế VAT: Nhiều đồng thuận, lắm băn khoăn

NDO -

NDĐT- Nhiều nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) nhận được sự đồng thuận cao, song cũng có những nội dung còn gây băn khoăn cần được cân nhắc kỹ để tránh những tác động không mong muốn.

Điều chỉnh thuế VAT: Nhiều đồng thuận, lắm băn khoăn

Thuế giá trị gia tăng (VAT) ngày càng trở thành một sắc thuế quan trọng và phổ biến trên thế giới. Nếu tính cả các sắc thuế có tính chất tương tự như thuế GTGT là thuế tiêu dùng/thuế hàng hóa dịch vụ, số quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014 và 166 nước năm 2016.

Trong giai đoạn 2009-2014, có khoảng hơn 20 quốc gia thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất phổ thông thuế VAT. Hiện nay, mức thuế suất phổ thông VAT bình quân ở các nước OECD khoảng 19%, ở các nước khu vực EU khoảng 22% và Nhật Bản cũng đã điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%...

Bên cạnh xu hướng tăng mức thuế suất thuế GTGT và mở rộng cơ sở thuế, một số nước cũng nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chống thất thu thuế, đặc biệt đối với các hoạt động kinh tế mới, hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và thương mại điện tử...

Nhiều ý kiến đồng thuận

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật thuế TTĐB, Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN và Luật thuế tài nguyên để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Nghiên cứu báo cáo đề xuất, giải trình và định hướng điều chỉnh 5 luật thuế nêu trên của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia và người dân, doanh nghiệp đồng tình với sự cần thiết và mục tiêu việc sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành trên để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp tinh thầnNghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14 và thực tiễn hội nhập mới...

Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đồng thuận với định hướng chung về điều chỉnh các luật định liên quan theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô...

Đặc biệt, dư luận và doanh nghiệp cũng hoan nghênh việc sửa đổi, bổ sung giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế VAT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế; quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế VAT phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Hơn nữa, có thể nghiên cứu bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT để chuyển sang chịu thuế VAT với mức thuế suất thông thường 10%; Bỏ điểm n khoản 2 Điều 8 quy định về hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim được áp dụng thuế suất 5% để chuyển sang áp dụng mức VAT 10%. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng như quy định tương ứng tại Luật thuế TNDN được thể hiện tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật và khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật...

Ngoài ra, dư luận cũng đồng tình nên tăng mức thuế VAT đối với đồ uống có đường và thuốc lá, ô tô phân khối lớn, phát thải ô nhiễm môi trường cao...

Những băn khoăn cần cân nhắc

Đồng thuận cao, song không phải không có ý kiến băn khoăn về sự tương hợp giữa các nguyên tắc và yêu cầu điều chỉnh với những đề nghị chỉnh sửa một số nội dung cụ thể trong các luật thuế theo giải trình trên đây, nổi bật là:

Thứ nhất, cân nhắc mức tăng thuế suất VAT phổ thông từ 10% lên mức mới 12% để không làm giảm khả năng thanh toán và sức mua thị trường đang còn thấp, cũng như làm tăng gánh nặng tiêu dùng cho người dân có thu nhập trung bình và thấp trong bối cảnh mức thu nhập và mức sống đa số người dân còn thấp như hiện nay. Hơn nữa, việc tăng mức thuế phổ thông này có thể làm giảm tiêu dùng và kéo theo giảm sản xuất, giảm đóng góp NSNN từ các doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa và dịch vụ chịu mức tăng thuế VAT và các mức thuế khác.

Thứ hai, cần chú ý cân nhắc việc bỏ quy định tính thuế VAT 5% đối với “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên”. Hiện nay, trước vấn nạn xuất khẩu tài nguyên thô và tận khai thác các nguồn lợi từ tài nguyên, việc bãi bỏ quy định thuế nêu trên dễ tạo thêm kẽ hở và động lực kéo dài, thậm chí làm đậm thêm xu hướng này; ngoài ra, việc bỏ quy định này còn làm tăng xu hướng bao cấp ngược của Việt Nam (thí dụ như trong ngành xi măng, thông qua giá điện thấp) cho người tiêu dùng nước ngoài và dung dưỡng các doanh nghiệp dùng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn và làm căng thẳng cân đối năng lượng trên thị trường trong nước...

Thứ ba, cân nhắc kỹ việc dự kiến điều chỉnh bỏ điểm a khoản 2 Điều 8 quy định VAT đối với nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt áp dụng thuế suất 5% để chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10%, vì như vậy có thể làm tăng chi phí nước sạch của người dân có thu nhập trung bình và thấp trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực áp dụng chuẩn giảm nghèo đa chiều bền vững từ năm 2016...

Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, bảo đảm hài hòa mục tiêu và lợi ích, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu và điều tiết tiêu dùng xa xỉ, tăng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lòng tin và chất lượng sống người dân; cũng như triển khai đồng thời với các giải pháp tiết kiệm chi tiêu, thúc đẩy CCHC phải là nguyên tắc xuyên suốt cùng với mục tiêu cân đối NSNN trong điều chỉnh thuế lần này.