Điểm sáng kinh tế năm 2020 và triển vọng năm 2021

NDO -

Sáng 5-1, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính, đã tổ chức hội thảo khoa học “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2020 và dự báo 2021”.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Hơn 50 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm rõ bức tranh toàn cảnh về giá cả và thị trường trong nước, nước ngoài năm 2020, nhấn mạnh những điểm sáng, làm rõ các nguyên nhân; đồng thời, dự báo xu hướng, các vấn đề đặt ra và các giải pháp cần có thích ứng với triển vọng kinh tế nói chung, giá cả và thị trường trong nước nói riêng năm 2021.

Năm 2020, dù suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, song Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91% (quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,69%; quý 4 tăng 4,48%); lạm phát dù cao nhất trong 5 năm qua, song vẫn trong phạm vi cho phép của Quốc hội đề ra. Hơn nữa, lạm phát năm 2020 mang nặng yếu tố lạm phát tiền tệ và lạm phát ngoại nhập (do xu hướng chung là nới lỏng tài chính-tiền tệ, tăng đầu tư công và chi tiêu công, hỗ trợ xã  hội và doanh nghiệp), giảm thiểu sức ép từ lạm phát chi phí đẩy (do giảm thuế và chi phí tài chính-tín dụng) và lạm phát cầu kéo (do tổng cầu xã hội tăng trưởng âm).

Theo Tổng cục Thống kê, xuất siêu hàng hóa và dịch vụ đạt 7,1 tỷ USD và là năm thứ 6, Việt Nam liên tiếp xuất siêu hàng hóa, với mức kỷ lục 19,1 tỷ USD năm 2020. Dù tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2020 là âm, sau khi trừ trượt giá do lạm phát; song thị trường và khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn là động lực mạnh duy trì sự tăng trưởng dương cho Việt Nam.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vượt qua “năm Covid-19” một cách ngoạn mục, với sự hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng cao kỷ lục, cùng đó là sự tham gia mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới, khiến nhà quản lý, giới chuyên gia, các thành viên tham gia thị trường cảm thấy “bất ngờ”, vượt qua cả kỳ vọng; huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán tăng hơn 20% so với năm trước. Đây là sự ngược dòng ấn tượng của TTCK so với tăng trưởng GDP chung. Sự bùng nổ TTCK là kết quả cộng hưởng từ việc giảm lãi suất ngân hàng, tăng cho vay lãi suất thấp và các khó  khăn về cơ hội đầu tư và lợi nhuận trong các lĩnh vực khác, như kinh doanh dịch vụ, bất động sản, vàng và ngoại tệ…

Trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 2,3% so với năm trước, nhưng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1-2021 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 4-2020.

Trung bình, mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, so với gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Năm 2020 là năm vất vả và đầy trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trong tạo điều kiện tiếp sức cho doanh nghiệp và cá nhân khôi phục sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về triển vọng, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và sẽ phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức từ hơn 6%-11,2% trong năm 2021. Cùng với kết quả dịch bệnh được kiểm soát, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi khả quan vào nửa cuối năm 2021.

Sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2020 và năm 2021 tùy thuộc quan trọng vào sự thành công trong thực tế kiểm soát sự lây lan của Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và chi tiêu công; triển khai hiệu quả các biện pháp tài chính-tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó có giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi tiêu dùng và gia tăng thương mại; tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam cũng tăng cường khai thác các cơ hội từ sự tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cũng như từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn.

Ngoài ra, các cấp, ngành và địa phương cần có kịch bản chủ động đối phó với những nguy cơ toàn cầu do đại dịch Covid-19 kéo dài; thích ứng hiệu quả hơn với sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính; gia tăng các nỗ lực cải thiện thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp, khai thác thị trường trong nước trước sự suy giảm tổng cầu nội địa.

 Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2021, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang, nhưng không được chủ quan.

Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3, không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và uy tín của nước ta; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khai thác tốt các thị trường còn dư địa và các thị trường nước ta đã ký kết các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA.

Chủ động phổ biến thông tin rộng rãi về Hiệp định RCEP cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất xuất khẩu có cơ hội thuận lợi hoặc bị tác động. Chủ động dự báo và  xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp.

Chủ động có biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Xây dựng và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, hạ tầng giao thông trọng điểm, bảo đảm an toàn cho các phương tiện, tàu thuyền khi có bão lũ. 

Tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ và tiếp tục kiện toàn bộ máy chính quyền tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, xuất nhập cảnh trái phép... phấn đấu đạt mục tiêu cho năm 2021 tăng GDP hơn 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.