Dịch tả lợn châu Phi "đe dọa" chiến lược ngành chăn nuôi

NDO -

NDĐT – Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Dịch tả lợn châu Phi thời gian qua đã làm suy giảm ngành kinh tế ngành chăn nuôi lớn nhất từ trước đến nay. Nó gây thiệt hại về kinh tế, bị đe dọa môi trường, từ dịch bệnh này khiến chúng ta buộc phải nhìn lại chiến lược 10 năm ngành chăn nuôi, để từ đó có những chính sách điều chỉnh cho phù hợp".

Dịch tả lợn châu Phi "đe dọa" chiến lược ngành chăn nuôi

Tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm tổ chức ngày 28-6 tại Hà Nội, Bộ trưởng đề nghị tinh thần chỉ đạo cần phải cố gắng ở mức cao nhất để giảm thiểu thiệt hại, chú trọng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học để phòng ngừa dịch lây lan. Cạnh đó, triển khai đồng thời nhanh, quyết liệt các mặt hàng thực phẩm khác để bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm. Bởi nếu không có phương án bù đắp, ngành hàng này sẽ bị tổn thương nghiêm trọng trong tương lai.

Báo cáo tại Hội nghị, Đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, 60/63 tỉnh, thành phố của nước ta đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, chỉ còn ba địa phương nữa chưa có dịch là Bến Tre, Ninh Thuận, Tây Ninh. "Dịch tả lợn châu Phi làm suy giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Nếu không có dịch, ngành nông nghiệp có khả năng tăng trưởng lên mức 3,5 - 4% chứ không chỉ dừng lại ở mức 2,71% như hiện tại", đại diện Vụ Kế hoạch đánh giá.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú y cho biết: cho đến nay số lợn bệnh phải tiêu hủy đã lên tới ba triệu con. Tổng số lợn ở thời điểm tháng 6-2019 ước giảm 10,3% so với cùng thời điểm năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng sáu tháng đầu năm 2019 giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. Ông Đông lo ngại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, vẫn đang lây lan mạnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Dịch tả lợn châu Phi "đe dọa" chiến lược ngành chăn nuôi ảnh 1

Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm ngành nông nghiệp ngày 28-6, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, để bảo đảm đủ nguồn cung thịt trong thời gian tới và lâu dài, cần tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn, đồng thời gia tăng số lượng gia cầm, gia súc ăn cỏ. Về phương án tái đàn, sẽ không vội tái đàn ở những cơ sở đã phát sinh dịch bệnh mà chưa qua 30 ngày, chỉ mở rộng quy mô đàn ở những vùng chưa có dịch.