“Đẩy” nhà ga đường sắt khỏi nội đô, lợi hay hại?

Theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, mạng lưới đường sắt là loại hình vận tải xương sống, chủ đạo của đất nước. Tuy nhiên, ở nước ta đang xảy ra nghịch lý: thành phố nào phát triển cũng muốn “đẩy” nhà ga đường sắt ra khỏi nội đô.

Theo quy hoạch, Ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm đường sắt quốc gia.
Theo quy hoạch, Ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm đường sắt quốc gia.

Ưu tiên đường sắt hay đường bộ?

Tại Diễn đàn liên Chính phủ về giao thông vận tải (GTVT) bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST 12) diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, một chuyên gia từ Hồng Công (Trung Quốc) đã chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch và phát triển giao thông tại đô thị “đất chật, người vô cùng đông” như Hồng Công, coi đường sắt là ưu tiên hàng đầu bởi ưu thế vận tải lượng lớn, an toàn, phát thải các-bon thấp và kết nối tốt với các phương thức vận tải khác, giúp giảm ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm. Tại nước ta, đang xảy ra một nghịch lý là cứ đô thị nào phát triển lại muốn “đẩy” đường sắt ra khỏi nội đô với lý do ùn tắc giao thông, trong khi chưa xây dựng được hệ thống giao thông công cộng đáp ứng yêu cầu, chưa có đường sắt đô thị,... Hiện nay, mạng lưới đường sắt quốc gia hầu như đều qua trung tâm các đô thị, rất thuận lợi cho người dân. Nếu di dời nhà ga ra khỏi trung tâm thành phố trong khi chưa có phương tiện công cộng, người dân phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc ta-xi, xe ôm, càng xảy ra ùn tắc đường và mất an toàn.

Cách đây khoảng hai năm, tại một cuộc họp về an toàn giao thông, đại diện Công an TP Hà Nội nêu lý do Thủ đô có khoảng 10 km đường sắt xuyên tâm với nhiều đường ngang, dẫn đến ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn. Vì thế, Công an Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT di dời ga Hà Nội khỏi trung tâm, xóa bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong nội thành; xem xét chuyển ga Hà Nội xuống Thường Tín hoặc sang bên kia sông Hồng. Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương cũng đề xuất hoặc đồng ý với đề xuất của nhà đầu tư về di dời nhà ga ra khỏi nội đô như Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Thọ,... Mới đây nhất, một doanh nghiệp tư nhân đã gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép nghiên cứu, khảo sát đầu tư cũng như bỏ vốn thực hiện dự án cải tạo, xây dựng nhà ga hỗn hợp tại vị trí nằm ngoài nội đô TP Nha Trang (Khánh Hòa). Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất ga Nha Trang hiện tại sau di dời. Hẳn ai cũng thấy rõ, các nhà ga thường nằm ở vị trí trung tâm đắc địa, dân cư đông đúc, quy mô diện tích lớn, dễ phát triển các dự án bất động sản. Tuy nhiên, theo quy hoạch, ga Nha Trang sẽ được cải tạo, không còn chức năng tác nghiệp hàng hóa, chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách. Năng lực vận tải hành khách của nhà ga vẫn bảo đảm nhu cầu vận chuyển trên tuyến, không bị áp lực cho nên không cần di dời toàn bộ nhà ga. Mặt khác, ga ở khu vực trung tâm TP Nha Trang, thành phố du lịch biển, sẽ tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu, phát triển được vận tải đường sắt.

Theo một chuyên gia đường sắt, mạng lưới đường sắt nước ta là loại hình vận tải xương sống, chủ đạo, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, tuy nhiên, đã ít được phát triển thêm, lại bị dỡ bỏ đi nhiều. Ở các nước phát triển, nhà ga không chỉ thực hiện chức năng tác nghiệp vận tải mà cần được phát triển thành điểm du lịch, văn hóa của địa phương. Vì thế, không nên đẩy ga hành khách đường sắt ra khỏi nội đô; nếu thật sự cần thiết di dời thì phải tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt. Xu thế của thế giới là nhà ga càng gần trung tâm đô thị càng tốt, việc di dời nhà ga sẽ rất tốn kém trong xây dựng hạ tầng, giao thông kết nối đến nhà ga mới.

Chưa khai thác hết lợi thế

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là Hà Nội. Ngoài ra, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) đều kết nối với đường sắt quốc gia, có điểm giao cắt trung chuyển tại ga Hà Nội. Quy hoạch như vậy là phù hợp xu thế chung của các đô thị lớn trên thế giới như Pa-ri (Pháp), Phrăng-phuốc (Đức), Tô-ki-ô (Nhật Bản),... Tại các quốc gia này, đường sắt quốc gia đều được bố trí ở trung tâm đô thị và kết nối với đường sắt nội đô, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân đi lại. Trả lời câu hỏi vì sao các địa phương không mặn mà với ga đường sắt, lãnh đạo ngành đường sắt cho rằng, do đường sắt không tạo ra giá trị thặng dư trong thời gian ngắn như đường bộ (xây dựng khu đô thị dọc tuyến đường, gia tăng dân cư chung quanh). Các địa phương có xu hướng muốn đẩy nhà ga đường sắt ra khỏi nội đô vì lợi ích của địa phương, tuy nhiên lợi ích này phải song hành với lợi ích của quốc gia, người dân và ngành đường sắt. Nhà ga là điểm đến, điểm đi, hoàn toàn có thể nâng cấp thành các khu vui chơi, dịch vụ,... chứ không chỉ là nơi trung chuyển. Vì thế, nhiều quốc gia có phương án đầu tư các ga trọng điểm, có ưu thế bằng nguồn ngân sách, các địa phương và cả doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác cùng tham gia. Việc thu hồi vốn giá trị thương mại từ các nhà ga, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại để bù đắp chi phí đầu tư, còn lại dành đầu tư các nhà ga kém hấp dẫn hơn, dần từng bước nâng cấp toàn bộ hệ thống nhà ga. Điều quan trọng nhất vẫn là quản lý quy hoạch tốt về việc xây dựng tổ hợp nhà ga, cải thiện giao thông thuận lợi và đem lại hiệu quả nguồn lực.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) Vũ Anh Minh cho biết: Đường sắt có lợi thế lớn là an toàn, phần lớn các ga đều nằm trong nội đô để thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân. Đường sắt trên thế giới đều thể hiện hai ưu việt, đó là tính an toàn và nằm trong nội đô. Đường sắt đã có lịch sử hàng trăm năm, trong khi việc quản lý quy hoạch đô thị, khu dân cư trước đây không tốt, để người dân lấn chiếm. Bài học tháo dỡ đường sắt xuống các cảng biển trước đây, vô hình trung đã cắt đi “hậu phương” vững chắc của các cảng này. Ngày nay, hậu quả của nó đã rất rõ, khi hàng hóa của cảng không đi đường sắt, mà chủ yếu sử dụng đường bộ. Giờ muốn tái lập đường sắt xuống các cảng biển cũng không được nữa. Bài toán di dời ga ra khỏi trung tâm đô thị, về sau này sẽ để lại hậu quả lớn hơn. Để giảm bớt ùn tắc ở Hà Nội, có thể nghiên cứu phương án đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao chứ không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm. Ga đường sắt ở ngoại thành, sẽ kéo theo nhu cầu đi lại từ trung tâm ra ngoại thành rất lớn, đòi hỏi phải bổ sung phương tiện vận chuyển gây tốn kém, tạo áp lực lớn lên hạ tầng giao thông từ cửa ngõ tới nội đô.

Nhà ga trong nội đô có mục đích hướng tới sự thuận lợi cho người dân. Việc di dời ga ra khỏi trung tâm với lý do để giảm ùn tắc mà không tính toán đến chỉnh trang, nâng cấp mạng lưới giao thông công cộng tương xứng với việc phát triển đô thị thể hiện tầm nhìn ngắn hạn, dễ làm khó bỏ, không căn cứ theo nhu cầu của đô thị. Các địa phương cần có cái nhìn tổng thể và quy hoạch các phương thức giao thông hướng tới bền vững, bảo đảm cả ba mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, thay vì chỉ giải quyết khó khăn trước mắt hay vì lợi ích kinh tế.