Đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu để nâng cao tăng trưởng

NDO -

NDĐT - Để giữ được đà tăng trưởng 6,8%-7,0% như mục tiêu đã đặt ra cho cả năm 2019 đòi hỏi nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, và xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Cải cách sẽ tiếp tục là “xương sống” để tạo nên động lực tăng trưởng mới
Cải cách sẽ tiếp tục là “xương sống” để tạo nên động lực tăng trưởng mới

Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm 2019: Kết quả và góc nhìn”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức tại Hà Nội ngày 12-7.

Những điểm sáng trong bức trong bức tranh kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm

Nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, song công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của đất nước cũng bộc lộ không ít điểm sáng, qua đó đóng góp vào những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo của CIEM, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tương đối cao so với các nước trong khu vực. Tính chung sáu tháng đầu năm, GDP tăng 6,76%, cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017 và cao hơn so với mặt bằng chung thế giới. Kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8-7,0%). Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, trong đó tăng trưởng tương đối nhanh được ghi nhận ở khu vực công nghiệp.

Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng giá trị gia tăng ở mức 8,93% trong sáu tháng đầu năm, trong đó quý 2 ghi nhận bước tăng trưởng dương trở lại của phân ngành khai khoáng ở mức 1,78%, lần đầu tiên sau ba năm liên tục giảm.

Việt Nam đã có thêm vốn đầu tư nước ngoài vào phân ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là từ Trung Quốc. Ngoài ra, một số ngành còn nhiều dư địa phát triển như công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ.

Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% trong sáu tháng đầu năm. Tình hình tài khóa được cải thiện đáng kể, thể hiện ở thu ngân sách tăng nhanh hơn, đến 15-6-2019 đã đạt 46,8% dự toán, nhanh hơn cùng kỳ các năm trước. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước tăng chậm hơn, đến 15-6-2019 mới đạt 37,5% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển mới đạt 26,1% dự toán.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong sáu tháng đầu năm ước đạt 822,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Tỷ lệ đầu tư so với GDP trong sáu tháng đạt 33,1%. Khu vực dân doanh vẫn giữ vị trí hàng đầu với tăng trưởng đầu tư trong sáu tháng ở mức hai con số (16,4%).

Cơ cấu các nguồn đầu tư tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước và tăng tỷ trọng đầu tư từ khu vực FDI và đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,5 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm. Các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn nhận Việt Nam gia tăng sự hấp dẫn tương đối trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc CIEM phân tích, gia tăng FDI là một yếu tố thuận lợi trong bối cảnh hiện nay. Những đánh giá tương đối tích cực này thể hiện môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh chúng ta đã đi vào thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được cái nhìn nghiêm túc về thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước. Dù kết quả tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong quý 1, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết liệt chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh kể từ đầu quý 2. Yêu cầu chủ động theo dõi, cập nhật và dự báo những diễn biến từ bên ngoài được thực hiện thường xuyên hơn.

Trên cơ sở đó, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam có thể đạt mức 6,82%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2019 ở mức 3,38%.

Tập trung đẩy mạnh cải cách, tạo động lực mới cho tăng trưởng

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, trong bối cảnh kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm, nhiều rủi ro bất ổn chưa lường hết được, kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2019 vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực. Các chỉ tiêu đã đạt được ở mức độ tương đối cao, điều đó chứng tỏ rằng những cải cách ở trong nước trong thời gian qua đã có tác động tích cực, huy động được nguồn lực để bù đắp cho những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu để nâng cao tăng trưởng ảnh 1

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh yêu cầu cải cách, tập trung vào tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân để duy trì đà tăng trưởng. (ẢNH: TRUNG HƯNG)

Để giữ được đà tăng trưởng như mục tiêu đặt ra đòi hỏi nỗ lực cải cách cực kỳ quan trọng. TS Cung cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào cải cách, đặc biệt là cải cách về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tháo bỏ rào cản để huy động thêm vốn, giải ngân thêm vốn đầu tư công.

Cải cách cần tiếp tục tập trung vào hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp và người dân Việt Nam, để doanh nghiệp Việt Nam an tâm đầu tư dài hạn và nhiều hơn vào công nghệ, quản lý để vươn ra toàn cầu. “Phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách thể chế để nâng đỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Chỉ khi nào kinh tế tư nhân phát triển và tham gia vào quá trình này thì lợi ích của Việt Nam sẽ nhiều hơn”, ông Cung nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế như dự báo, việc cần làm là phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách, trong đó tập trung vào xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với các diễn biến bất lợi từ bên ngoài và cải cách nền tảng kinh tế vi mô bằng việc ban hành kịp thời các hướng dẫn thi hành luật, các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi CPTPP và chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA.

Liên quan đến thực thi EVFTA, ông Dương cho rằng chuẩn bị trong nước còn quan trọng hơn thúc đẩy phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). “Cuối năm ngoái, chúng ta nói nhiều về CPTPP, nhưng các chính sách, biểu thuế ban hành còn chậm. Nếu không thay đổi cách làm thì EVFTA cũng sẽ bị tận dụng chậm như CPTPP. Do vậy, cần nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan CPTPP”, ông Dương nhấn mạnh.