Đầu tư công hướng tới phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho người dân

NDO -

Kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 cần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho người dân.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị ngày 26-8
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị ngày 26-8

Thông tin trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và vùng trung du - miền núi phía Bắc (TDMNPB) tổ chức ngày 26-8.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2020

Theo đó Bộ KHĐT đề nghị các địa phương ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.

Ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền.

Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.

Chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư trong thời hạn bốn ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định.

Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong trường hợp không có khả năng thực hiện giải ngân hết kế hoạch năm 2020 được giao, chủ động đề xuất điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác.

Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc  trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư… là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền.

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Xác định rõ thứ tự ưu tiên tránh dàn trải

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Hiện, các địa phường cần xây dựng kế hoạch đầu tư công theo tiêu chí, nguyên tắc phù hợp với quy định tại Luật đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8-7-2020 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29-7-2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hơn nữa, các địa phương phải xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2021.

Ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương. Các dự án đầu tư mới giai đoạn 2021-2025 phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và nhằm để giải quyết được các điểm nghẽn, ách tắc của từng địa phương và của vùng theo hướng kết nối, tạo động lực phát triển mới cho địa phương.

Quan tâm, ưu tiên đầu tư các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ổn định dân cư, các dự án phục vụ hạ tầng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, theo Bộ KHĐT, các địa phương cần đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển và bảo đảm hài hòa giữa nguồn ngân sách trung ương đầu tư trên địa bàn với nguồn lực của các địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tháo gỡ khó khăn để phục hồi, phát triển kinh tế