Đắk Nông đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới

UBND tỉnh Đắk Nông vừa quyết định công nhận thêm bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, bao gồm: xã Đắk R’Moan (TP Gia Nghĩa), xã biên giới Thuận Hạnh (huyện Đăk Song), xã Nam Bình (huyện Đăk Song) và xã Đức Mạnh (huyện Đăk Mil).

Cả bốn xã đều đạt toàn bộ 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đồng thời không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc xây dựng, hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân. Trong đó, xã Đắk R’Moan được công nhận đạt chuẩn đã giúp TP Gia Nghĩa trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Đắk Nông hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm chung sức xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đắk Nông đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. So với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tỉnh Đắk Nông tăng gần ba lần; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hiện còn hơn 14%, giảm gần 50% so với cách đây 10 năm. Tỉnh có 42 trong tổng số 61 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; 36 trong tổng số 61 xã đạt tiêu chí về số hộ nghèo… Hiện toàn tỉnh có 22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2020, Đắk Nông có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

* Thời gian gần đây, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống người lao động tỉnh Khánh Hòa. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên và người lao động.

Khánh Hòa hiện có hơn 1.600 công đoàn cơ sở với hơn 98 nghìn đoàn viên và hàng trăm nghìn người lao động. Riêng Công đoàn các Khu Kinh tế và Công nghiệp tỉnh Khánh Hòa hiện đang quản lý 33 công đoàn cơ sở với hơn 8.500 đoàn viên/12.500 người lao động. Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, công đoàn đơn vị đã trích từ nguồn chi tiết kiệm để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của người lao động tại khu công nghiệp. Các tổ chức công đoàn huyện, thị xã, thành phố và tỉnh cũng thường xuyên tổ chức hoạt động thăm hỏi công nhân, người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa phối hợp với nhiều đơn vị triển khai máy “ATM gạo”, phát gạo miễn phí cho người dân, người lao động khó khăn trên địa bàn huyện Cam Lâm; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho nhiều đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã hoàn thành chi trả hỗ trợ cho hơn 5.300 người có công với cách mạng với số tiền 7,96 tỷ đồng. UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho hơn 38.700 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 58,1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 34.385 người thuộc hộ nghèo với kinh phí hơn 25,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 77.300 người thuộc hộ cận nghèo với kinh phí hơn 58 tỷ đồng. Đối với hỗ trợ cho người lao động mất việc làm do dịch bệnh, tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra đối chiếu và cố gắng giải quyết các hồ sơ thất nghiệp cho người lao động có nhu cầu, nhằm hỗ trợ họ ngay trong thời điểm khó khăn do mất việc làm.