Đắk Lắk đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Xây dựng và vận hành Cổng Thông tin điện tử khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tỉnh; vận hành trang mạng xã hội Start-up; xây dựng Không gian làm việc chung về khởi nghiệp; thành lập Công ty cổ phần Vườn ươm doanh nghiệp; phát động các Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, cung cấp dịch vụ cho các bạn trẻ khởi nghiệp… Nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh đã phát triển theo chiều sâu, có sức lan tỏa.

Hoạt động chia sẻ, kết nối, hỗ trợ thông tin tại Không gian làm việc chung về khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: LÊ HƯƠNG
Hoạt động chia sẻ, kết nối, hỗ trợ thông tin tại Không gian làm việc chung về khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: LÊ HƯƠNG

Nhằm góp phần hỗ trợ tài chính ban đầu để đồng hành, hiện thực hóa ý tưởng của các bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tỉnh đã xúc tiến thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo những chính sách thuận lợi về đất đai, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực,… Tỉnh  còn có kế hoạch xây dựng lộ trình phù hợp nhằm nâng cao năng lực từng cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp; quan tâm triển khai hoạt động ươm tạo những hạt nhân khởi nghiệp để phát triển nhiều hơn nữa doanh nghiệp khởi nghiệp có đủ năng lực, đủ sức đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Các chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện có chiều sâu, cùng với đó là sự tham gia kịp thời của các nhà đầu tư mạo hiểm đã góp phần nâng cao năng lực của các vườn ươm tạo.

* Giai đoạn 2010 - 2020, diện tích nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang liên tục tăng (từ 2.700 ha lên 22.700 ha). Sản lượng nhuyễn thể từ 8.190 tấn vào năm 2010 đã tăng lên 61.386 tấn vào năm 2019; năm nay sản lượng ước đạt 74.200 tấn. Các đối tượng nhuyễn thể được nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh gồm: sò lông, sò huyết, nghêu lụa, hến biển, vẹm xanh, ốc hương, hàu, ngọc trai, ốc nhảy… Nuôi nhuyễn thể đã và đang góp phần giải quyết việc làm ổn định, tăng thêm nguồn thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương. 

Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ quy hoạch, bố trí lại nghề nuôi nhuyễn thể một cách hợp lý, phù hợp từng đối tượng, điều kiện môi trường sinh thái. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh và kịp thời thông báo cho hộ nuôi để chủ động phòng tránh, xử lý hiệu quả, an toàn; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhuyễn thể cho các hộ dân. Tỉnh cũng xây dựng, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nhuyễn thể; chủ động liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hoặc liên kết một số khâu như thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; hỗ trợ thông tin, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu những loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nuôi trồng, ứng phó hiệu quả với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.