Xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản:

Cơ hội lớn cho trái vải nhỏ

NDO -

NDĐT - Những tưởng “lỡ hẹn” với thị trường Nhật Bản ngay trong năm đầu được cấp phép do dịch Covid-19, song thực tế những lô vải thiều đầu tiên vẫn kịp đến thị trường này giữa lúc chín rộ, mở ra cơ hội đa dạng hóa thị trường và khẳng định thương hiệu, chất lượng vải thiều Việt Nam.

Vải xuất sang Nhật Bản được đóng hộp nhỏ 200g và bày bán tại siêu thị với giá khuyến mãi là 489 JPY (giá gốc là 537 JPY), tương đương hơn 100 nghìn đồng/200g.
Vải xuất sang Nhật Bản được đóng hộp nhỏ 200g và bày bán tại siêu thị với giá khuyến mãi là 489 JPY (giá gốc là 537 JPY), tương đương hơn 100 nghìn đồng/200g.

Được ưa chuộng

Những ngày cuối tháng 6-2020, lô vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đã chính thức được bày bán tại hệ thống phân phối của AEON, bao gồm 250 trung tâm bách hoá tổng hợp, siêu thị AEON và cửa hàng AEON Style trên khắp Nhật Bản. Đây là vụ vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và AEON là nhà bán lẻ đầu tiên bày bán loại trái cây này, giới thiệu cho người tiêu dùng biết đến một trong những loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Theo đại diện siêu thị AEON Nhật Bản, để giữ chất lượng tốt nhất, vải thiều tươi bán tại siêu thị này được vận chuyển bằng đường hàng không trong giai đoạn từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6. Nhờ đó, khách hàng AEON Nhật Bản sẽ được thưởng thức loại trái cây này đúng mùa với hương vị tươi ngon nhất. Trái vải đã bước đầu chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản khi tiêu thụ rất tốt và được đánh giá màu sắc đẹp, vị tươi ngon…

Cùng với AEON, một số chuỗi siêu thị khác của Nhật Bản đã bắt đầu bày bán trái vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2020 sau khi thị trường này mở cửa cho trái vải thiều của Việt Nam. Việc Nhật Bản mở cửa nhập khẩu vải thiều trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đã khẳng định được uy tín của quả tươi Việt Nam, giúp nâng cao giá trị xuất khẩu quả vải; tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất chất lượng cao với loại trái cây này. Trong năm nay, khoảng 200 tấn vải thiều tươi sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không và đường biển.

Sau 5 năm đàm phán mở cửa thị trường Nhật, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn khắt khe nhất, lô vải thiều tươi đầu tiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản thành công. Hiện các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng chuyên gia Nhật Bản xem xét, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản quả vải thiều tươi trên địa bàn huyện Lục Ngạn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường khó tính này.

Cùng với Lục Ngạn, trái vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) cũng đã được xuất khẩu thành công sang Nhật Bản.

Kiểm soát chặt chất lượng

Xác định Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính và yêu cầu khắt khe nhất thế giới, chất lượng quả vải xuất khẩu đã được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương hỗ trợ lựa chọn và cấp 19 mã số vùng trồng đủ điều kiện, diện tích 103 ha với 107 hộ nông dân tham gia sản xuất vải thiều, ước sản lượng đạt trên 600 tấn.

Chia sẻ về lô vải đầu tiên xuất khẩu đi Nhật Bản, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, ngay từ khi có kế hoạch xuất khẩu vải đi thị trường Nhật Bản, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan xác định mã vùng trồng, giám sát chặt chẽ quy trình chăm sóc vải thiều theo đúng yêu cầu phía bạn. Vải thiều Lục Ngạn xuất sang thị trường Nhật Bản đạt đủ tiêu chuẩn phía bạn yêu cầu. Đây là tín hiệu tốt cho việc giao thương vải thiều giữa hai nước.

“Trước thành công bước đầu đem lại, trong thời gian tới, Lục Ngạn vẫn tiếp tục hướng dẫn, tăng số lượng mã vùng trồng, để phát triển được sản lượng, mở rộng diện tích, đáp ứng các yêu cầu cũng như các tiêu chuẩn của thị trường nước bạn yêu cầu, tiếp tục liên kết xuất khẩu với Nhật Bản và tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới”, ông Dương Thanh Tùng cho biết thêm.

Để trái vải thiều chắc chân ở thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh, sau nhiều nỗ lực đàm phán vải thiều là loại hoa quả tươi thứ tư của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối đã thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng Nhật Bản là quốc gia có yêu cầu vô cùng khắt khe về chất lượng sản phẩm nên để sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Cần phải đặc biệt lưu ý về khâu kiểm dịch bởi vì bất cứ lô vải thiều tươi nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Nhật Bản đều sẽ bị trả lại hoặc bị tiêu hủy cho dù lô hàng này đã được xử lý xông hơi khử trùng. Bên cạnh đó, trái cây xuất khẩu phải được thu hoạch từ nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà phía Nhật Bản không cho phép.

Để đảm bảo chất lượng và không xảy ra sai sót trong năm đầu tiên trái vải thiều sang Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã mời một chuyên gia người Nhật sang giám sát tất cả các lô hàng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này. Điều này cho thấy sự nghiêm túc và quyết tâm đưa trái vải ra nước ngoài.

Cũng theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hiện các lô vải xuất sang quốc gia này được đóng hộp nhỏ 200g và bày bán tại siêu thị với giá khuyến mãi là 489 JPY (giá gốc là 537 JPY), tương đương hơn 100 nghìn đồng. Như vậy, 1kg vải thiều Việt Nam được bán tại Nhật Bản có giá lên tới 500 nghìn đồng.

Do là loại quả có mùa vụ ngắn, mở cửa được thị trường Nhật Bản và được người dân nước này đón nhận mua với giá cao được đánh giá là một bàn đạp rất tốt để xúc tiến sang các thị trường khó tính khác và nâng cao giá trị của quả vải Việt Nam. Đặc biệt, xóa bỏ tình trạng được mùa rớt giá mà cách đây vài năm loại quả này thường xuyên phải đối mặt.