Chủ động các giải pháp “vượt sóng” khủng hoảng kép

Năm 2020, ngành dầu khí Việt Nam nói chung và Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) nói riêng phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức do hưởng ảnh nặng nề của dịch Covid-19 và giá dầu thế giới sụt giảm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp đã giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra.

Khai thác dầu khí tại mỏ Sư Tử Trắng.
Khai thác dầu khí tại mỏ Sư Tử Trắng.

Nỗ lực vượt khó

Trước tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu (có thời điểm giá dầu WTI xuống âm 37,6 USD/thùng), ngay từ những tháng đầu năm, lãnh đạo PVEP đã chủ động triển khai các giải pháp cấp bách nhằm vượt qua khó khăn. Bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, PVEP cùng người điều hành tại các dự án phối hợp chặt chẽ tìm các giải pháp ứng phó kịp thời đưa ra các nhóm giải pháp tổng thể gồm tiết giảm chi phí, giảm đơn giá khai thác; điều chỉnh, giãn tiến độ đầu tư; các giải pháp tài chính nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết năm 2020, sản lượng khai thác của đơn vị đạt 3,81 triệu tấn quy dầu, đạt 100,3% kế hoạch. Trong đó sản lượng dầu và condensate đạt 2,67 triệu tấn, sản lượng khí xuất bán đạt 1,137 tỷ m3. Sản lượng chung của các dự án bao gồm các bên liên doanh là 8,13 triệu tấn quy dầu. Tổng doanh thu đạt 20,8 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và phân bổ đạt 638 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 5.830 tỷ đồng,... 

Đánh giá về hoạt động của đơn vị, Phó Tổng Giám đốc PVEP Nguyễn Thiện Bảo chia sẻ, năm nay, giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, phá vỡ các kỷ lục thấp trong hàng chục năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành dầu khí thế giới đối diện với hiện tượng giá dầu âm. Nhiều tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế lâm cảnh thua lỗ, phá sản, giải thể, thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân sự. Bên cạnh các bất cập của PVEP chưa được tháo gỡ như nguồn vốn để triển khai hoạt động thăm dò khai thác, các rủi ro trong quá khứ phải xử lý còn lớn, số lượng dự án trong và ngoài nước có thể triển khai được rất ít ỏi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mình, tổng công ty và các đơn vị thành viên đã từng bước vượt khó và sớm “cán đích” các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra. Hiện tại PVEP đang triển khai 35 dự án dầu khí (gồm 29 dự án trong nước, sáu dự án nước ngoài) và hai dự án điều tra cơ bản. PVEP còn đảm nhận điều hành thuê hai dự án và vận hành mỏ Sông Đốc theo cơ chế phi lợi nhuận. Công tác thu nổ địa chấn đạt tổng khối lượng 3.888 km2; thi công 2,5 giếng khoan thăm dò thẩm lượng; gia tăng trữ lượng phần PVEP đạt 0,58 triệu tấn. Trong công tác phát triển mỏ, đã thi công 5,5 giếng khai thác và hoàn thành hủy ba giếng tại mỏ Đại Hùng; triển khai chiến dịch đưa giàn Đại Hùng 01 đi bảo dưỡng định kỳ và đưa trở lại hoạt động an toàn trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. 

Bên cạnh đó, hoạt động khoa học - công nghệ tiếp tục phát huy và đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, sáng chế, nghiên cứu khoa học, đưa vào ứng dụng thực tế, nhằm giảm chi phí Capex/Opex. Trong năm 2020, Hội đồng sáng kiến của PVEP tiếp nhận 12 đơn đăng ký sáng kiến, trong đó công nhận bốn sáng kiến và năm giải pháp hữu ích, đăng ký ba sáng kiến cấp tập đoàn với số tiền làm lợi ước tính gần 24 triệu USD. Tổng công ty cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác quản trị, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, PVEP triển khai tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường và công tác an sinh xã hội với tổng chi phí ủng hộ, tài trợ đạt hơn 20 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và xây dựng hạ tầng y tế, giáo dục tại các địa phương nghèo,...
 
Xử lý kịp thời các vướng mắc

Theo dự báo của các tổ chức, nhà đầu tư và chuyên gia năng lượng hàng đầu thế giới, quá trình phục hồi tiêu thụ dầu thô toàn cầu cơ bản vẫn đang trên quỹ đạo tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, quá trình phục hồi của nhiều nền kinh tế chủ chốt không thể diễn ra nhanh chóng, tình hình dư thừa nguồn cung khi OPEC và các quốc gia khác gia tăng sản lượng khai thác sẽ gây áp lực kìm hãm đà tăng của giá dầu trong thời gian tới. Dự báo giá dầu bình quân năm 2021 là 47 USD/thùng, do đó, việc bám sát thông tin và xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp thực tế chiếm vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn tới. Muốn hoàn thành tốt các chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng 1,5 triệu tấn quy dầu; tổng sản lượng khai thác dự kiến 3,7 triệu tấn quy dầu; tổng doanh thu đạt khoảng 22,3 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 393 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt hơn 5.500 tỷ đồng,... đòi hỏi sự nỗ lực, chia sẻ khó khăn của tập thể cán bộ, công nhân viên của toàn PVEP. 

Theo Phó Tổng Giám đốc PVEP Nguyễn Thiện Bảo, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, tìm kiếm và đánh giá, lựa chọn đối tượng tiềm năng, nghiên cứu G&G để có thể tối ưu vị trí các giếng khoan, giảm rủi ro địa chất, thi công, bảo đảm mục tiêu gia tăng trữ lượng. Nghiên cứu công nghệ, giải pháp mới trong thi công khoan, nâng cao hiệu quả công tác khoan, nhằm tối ưu chi phí. Chủ động làm việc với các nhà điều hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhằm trao đổi và cập nhật thông tin, nhận biết được những khó khăn thách thức cùng các giải pháp ngắn hạn, dài hạn để xử lý các vấn đề bất cập, đặc biệt là chú trọng bảo đảm an toàn mỏ lâu dài. Phối hợp nhà điều hành xem xét lại khả năng khoan các giếng thăm dò, thẩm lượng trong năm, tối ưu chi phí giếng khoan và các nghiên cứu G&G, đẩy mạnh tự nghiên cứu. Rà soát phương án phát triển và các hạng mục đầu tư phát triển mỏ phù hợp tình hình hiện nay theo thứ tự ưu tiên, các đầu tư gia tăng sản lượng khai thác có giá khai thác thấp, các đầu tư phát triển các dự án có FO/FG sớm; tối ưu các hoạt động sửa chữa giếng, nâng cấp thiết bị trong giai đoạn giá dầu thấp... 

Bên cạnh đó, PVN cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như sớm xử lý dứt điểm các đề xuất của PVEP trong việc tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đầu tư, khai thác tại các dự án trọng điểm trong nước, đồng thời xử lý các tồn đọng liên quan các dự án ở nước ngoài của PVEP. Điều tiết, hỗ trợ các bên nhà đầu tư thượng nguồn và các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí chính (nhất là các nhà cung cấp các dịch vụ lớn như FPSO/FSO, thuê tàu, O&M,...) giảm giá dịch vụ, thiết lập mặt bằng giá dịch vụ phù hợp bối cảnh, điều kiện giá dầu, điều kiện kỹ thuật - kinh tế dự án để duy trì, kéo dài thời gian hiệu quả kinh tế dự án, để các bên cùng tồn tại và phát triển. Phê duyệt quy chế tài chính và các kiến nghị của PVEP liên quan đến  đầu tư. Đề xuất Chính phủ cơ chế, điều kiện kinh tế - kỹ thuật bảo đảm khuyến khích đầu tư các mỏ nhỏ, cận biện và khai thác tận thu,...