Cà Mau “truy” trách nhiệm việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ

NDO -

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau quả quyết sẽ xử lý nghiêm việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ của các chủ đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 20-5-2020 của Chính phủ…

Cụm đảo Hòn Khoai (Cà Mau) có một số công trình giải ngân vốn chậm do vướng đất rừng đặc dụng.
Cụm đảo Hòn Khoai (Cà Mau) có một số công trình giải ngân vốn chậm do vướng đất rừng đặc dụng.

Điều vốn sang nơi làm nhanh nhưng thiếu vốn

Mặt dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm 2020 của tỉnh Cà Mau đạt 1.557,6/3.643,503 tỷ đồng, bằng 42,8% kế hoạch vốn. Cùng kỳ năm 2019, Cà Mau chỉ giải ngân được 871,2 tỷ đồng, bằng 30,8% kế hoạch vốn năm 2019.

Số liệu trên so cùng kỳ năm 2019 khả quan hơn nhưng theo đánh giá của người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, mức độ giải ngân vốn vẫn còn thấp. Vấn đề giải ngân vốn cũng được bàn luận sôi nổi tại Hội nghị kiểm điểm chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm của tỉnh Cà Mau, diễn ra vào chiều 7-7.

Báo cáo tại hội nghị thể hiện, so mặt bằng chung, trong sáu tháng đầu năm 2020, vốn ngân sách T.Ư mới giải ngân được 586,360 tỷ đồng, bằng 35,3% kế hoạch vốn.

Cụ thể, vốn các chương trình mục tiêu và các khoản hỗ trợ khác đã giải ngân được 419,515 tỷ đồng, bằng 43,5% kế hoạch. Trong khi, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 là 275,9 tỷ đồng, nhưng giải ngân đến ngày 30-6 mới được 57,4 tỷ đồng, bằng 18,3%. Còn vốn ODA, đến ngày 3-7 mới giải ngân được 151,7/418,9 tỷ đồng, bằng 34,7 % kế hoạch vốn của năm 2020.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đặt dấu hỏi lớn với các ngành và các đơn vị liên quan trong tỉnh, nguồn vốn ODA năm 2019 chuyển sang còn 49,6 tỷ đồng và không còn vướng gì nhưng tiến độ giải ngân đến 30-6 vừa qua cũng chỉ được 17,34 tỷ đồng…?

Đi sâu phân tích tình trạng giải ngân vốn chậm, nhiều đơn vị quản lý vốn ở Cà Mau lý giải là do: Hạn hán làm khô cạn kênh rạch, gây khó khăn trong vận chuyển vật tư; dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội, một số công trình phải rút bớt nhân công; một số dự án còn vướng giải phóng mặt bằng hoặc trục trặc trong thủ tục thanh quyết toán; vẫn còn tình trạng có dự án tập trung bố trí vốn trong năm 2020 lớn gấp nhiều lần so những năm trước.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Tô Quốc Nam dẫn chứng, các dự án trên đảo Hòn Khoai những năm trước chỉ bố trí 18-20 tỷ đồng nhưng năm 2020, bố trí đến hơn 230 tỷ đồng, trong khi điều kiện thi công trên biển rất khó khăn.

Vấn đề giải ngân vốn chậm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ, Nghị quyết số 84 của Chính phủ đề cập việc sẽ điều chuyển vốn đầu tư công những công trình chậm tiến độ sang những công trình, dự án thiếu vốn nhưng có tiến độ đầu tư nhanh, phát huy hiệu quả tốt.

“Hạn chót đến hết tháng 8, đơn vị nào ở Cà Mau có tiến độ giải ngân chậm sẽ bị điều vốn sang dự án, công trình khác thiếu vốn nhưng làm nhanh, nhằm còn thời gian để đơn vị thụ hưởng vốn đó triển khai thực hiện”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải tỏ rõ quan điểm và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư, các dự án, công trình chậm tiến độ để báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND trình HĐND tỉnh điều chuyển vốn theo thẩm quyền.

Xử lý trách nhiệm giải ngân vốn chậm

Tỉnh Cà Mau đang quyết liệt trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công phục vụ phát triển nhằm khôi phục và ổn định sản xuất sau “đại dịch” và “đại hạn”. Tầm quan trọng nêu trên được đồng chí Nguyễn Tiến Hải tái khẳng định tại hội nghị kiểm điểm chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm: “Tiến độ thực hiện quản lý đầu tư công, quản lý và phân bổ ngân sách là biện pháp quan trọng hàng đầu trong bối cảnh bình thường mới hiện nay, không thể để tình trạng vốn đầu tư công chậm giải ngân, không thể để tồn đọng”.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau dẫn chứng, đê biển Tây đoạn gần cầu Quãng Thép (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) chỉ vướng một hai cái nhà thôi mà công trình “nằm” rất lâu, không thể thi công tiếp được. Tuy nhiên, sau khi đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi thực tế thì mọi chuyện giải quyết xong.

Hay như đường trên Cụm đảo Hòn Khoai, chỉ vướng một khoảnh rừng đặc dụng, nằm trong thẩm quyền xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh nhưng các đơn vị liên quan chưa phối hợp tốt, công trình triển khai chậm đến ba năm.

“Từ những dẫn chứng cụ thể nêu trên cho thấy, trách nhiệm của anh em mình chưa đến nơi đến chốn, chưa làm kỹ, làm chưa hết trách nhiệm”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải chỉ rõ và yêu cầu, các đơn vị và cá nhân liên quan, ở từng vị trí cụ thể phải rà soát lại trách nhiệm của mình ở những khâu chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công để sửa chữa, khắc phục.

Để chấn chỉnh tình trạng giải ngân vốn chậm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau đề nghị các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý vốn phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 84 của Chính phủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.

“Lãnh đạo tỉnh sẽ kiểm điểm trách nhiệm trong quản lý, điều hành đối với người đứng đầu và những bộ phận liên quan theo tinh thần Nghị quyết số 84 của Chính phủ nếu để tái diễn tình trạng giải ngân vốn chậm”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải lưu ý và nhắc nhở, các chủ đầu tư trong tỉnh phải theo sát nhà thầu, đôn đốc, theo dõi sát tiến độ, vướng đến đâu, khó đến đâu thì xử lý đến đó. Khi có khối lượng rồi thì vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán để giải ngân, không thể để nhà thầu làm gì thì làm, làm xong rồi thì để thủ tục nằm ì đó rồi tìm đường thanh quyết toán sau vì đã cho ứng vốn trước, nhà thầu không mặn mà thanh quyết toán để giải ngân.

Khi có khối lượng, có hồ sơ đề nghị từ nhà thầu thì các cơ quan thẩm định, giải ngân của tỉnh... phải thực hiện thanh quyết toán trong bốn ngày theo đúng tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ. Đơn vị, cá nhân nào ở Cà Mau không thực hiện tốt thì cứ căn vào Nghị quyết 84 sẽ bị xử lý, thậm chí truy cứu trách nhiệm nếu việc chậm trễ trong giải ngân dẫn đến thất thoát, lãng phí.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải

 Công trình khẩn cấp chống sạt lở đê biển Tây Cà Mau cơ bản hoàn thành nhưng chậm giải ngân vốn do chưa có quyết định đầu tư.