Cà Mau nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Nhờ chỉ đạo kịp thời và sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, tình hình giải ngân vốn đầu tư công (GNVĐTC) những tháng gần đây trong cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng đã có những chuyển biến tích cực…

Công trình kè bảo vệ bờ biển Tây Cà Mau.
Công trình kè bảo vệ bờ biển Tây Cà Mau.

Đưa chỉ đạo của Chính phủ vào hành động

Mùa này, bờ biển Tây Cà Mau nhiều sóng gió, là mùa gió tây nam mạnh nhất trong năm. Điều kiện bất lợi cho nên dọc tuyến bờ biển này, các nhà thầu phải tính toán thật kỹ các giải pháp thi công, phòng sóng dữ nhấn chìm sà-lan và các thiết bị chuyên dụng. Ông Cao Hoàng Phong, cán bộ kỹ thuật đang trực tiếp thi công tại đoạn kè biển thuộc xã Khánh Tiến (huyện U Minh) cho biết: “Để bảo đảm tiến độ công trình, chúng tôi phải neo sà-lan núp phía sau kè, chờ sóng êm mới thi công, có khi mắc đèn để làm thâu đêm cho tới sáng”. Bờ Tây Cà Mau khá “mẫn cảm” với thời tiết, đặc biệt trong mùa mưa bão. Vậy nhưng, các phần việc đang được gấp rút triển khai nhằm phát huy hiệu quả các công trình bảo vệ đê Biển Tây vốn đang từng ngày, từng giờ bị đe dọa vì sạt lở.

Tinh thần làm việc khẩn trương cũng đang được xúc tiến tại các gói thầu xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tại công trường xây dựng trụ sở xã Đất Mới (huyện Năm Căn), công nhân đang ráo riết hoàn thiện các hạng mục phụ trợ sau cùng để kịp bàn giao công trình vào cuối quý III-2020. “Từ hồi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, chủ thầu bên tôi huy động thêm máy móc, thiết bị và lượng lớn công nhân để làm tăng ca. Nhờ đó mà công trình giờ đã cơ bản hoàn thành” - ông Phan Hoàng Diễn, công nhân tại công trình xây dựng trụ sở xã Đất Mới cho biết.

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đất Mới là một trong hơn chục gói thầu đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện Năm Căn, bảo đảm khối lượng và tiến độ theo kế hoạch đề ra. Chỉ riêng trong năm 2020, tổng vốn đầu tư công toàn huyện Năm Căn được giao hơn 72,6 tỷ đồng. Đến ngày 10-9, tỷ lệ vốn đã giải ngân toàn huyện bình quân đạt hơn 87%, nằm ở tốp 5 trong số 29 đơn vị có tỷ lệ GNVĐTC cao nhất của tỉnh Cà Mau. “Để bảo đảm tiến độ thi công, huyện chia làm nhiều gói thầu cho nhiều đơn vị thực hiện, đồng thời cắt cử đội ngũ giám sát của chủ đầu tư theo dõi sát sao và hằng tuần phải có báo cáo về tiến độ công trình. Nhà thầu nào rề rà, chậm trễ sẽ bị điều chuyển vốn sang nơi khác làm nhanh nhưng thiếu vốn, đúng như tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Trần Đoàn Hùng cho biết.

Chia sẻ về những chuyển biến tích cực trong GNVĐTC, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa tinh thần chỉ đạo của Chính phủ vào hành động của địa phương, quyết tâm chuyển biến rõ nét trong GNVĐTC, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế nhằm hoàn thành mục tiêu kép vào cuối năm 2020. Với tinh thần quyết liệt, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, trong đó chú trọng vai trò, trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các sở, ngành… Đồng thời, phân công lãnh đạo giám sát tiến độ thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án và xem đó là một trong những cơ sở, căn cứ để đánh giá chất lượng cán bộ vào cuối năm.

Xử lý nghiêm nếu giải ngân chậm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau xác định rõ nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020. Trong đó, việc đẩy mạnh GNVĐTC là một trong những nhiệm vụ then chốt. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc từng nhóm dự án. Các cơ quan chuyên môn quản lý vốn đầu tư công của tỉnh chủ động tổng hợp, đề xuất điều chỉnh vốn kịp thời. Chỉ riêng trong tháng 7-2020, HĐND tỉnh Cà Mau đã quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với 65 dự án để bổ sung tăng kế hoạch vốn cho 35 dự án với tổng kế hoạch vốn hơn 126,5 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, đến ngày 11-9, tổng giá trị GNVĐTC năm 2020 của tỉnh Cà Mau đạt hơn 2.500 tỷ đồng, bằng 61,4% kế hoạch vốn. Nhóm có tỷ lệ giải ngân cao là vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý đạt 78,5%; vốn cân đối ngân sách huyện, thành phố và ngân sách tỉnh hỗ trợ đạt 74,2%; vốn Chương trình mục tiêu và các khoản hỗ trợ khác đạt 61,7%; vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 hơn 84%; vốn vay lại ngân sách địa phương đạt 100%… “Nếu phân theo chủ đầu tư, Cà Mau có 21/29 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt từ 50 đến 100%, trong đó có 12/29 đơn vị giải ngân đạt từ 70% trở lên. Xếp đầu bảng là Sở Giao thông vận tải, hoàn thành giải ngân 284 tỷ đồng, đạt 100% và về đích trước kế hoạch năm 2020 gần bốn tháng. Kế đó lần lượt là Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau, UBND huyện Năm Căn, Ban Quản lý dự án ODA và NGO, tỷ lệ giải ngân đạt từ 82,6% trở lên” - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trương Đăng Khoa cho biết.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và GNVĐTC năm 2020 và vốn những năm trước chuyển sang, trong thời gian còn lại của năm 2020, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Nghị quyết số 84/NQ-CP (ngày 29-5-2020) của Chính phủ; Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18-7-2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 và các ý kiến chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch UBND tỉnh tại nhiều văn bản liên quan. 

UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các chủ đầu tư có dự án còn vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng cần chủ động phối hợp với địa phương có dự án đầu tư trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị liên quan sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khắc phục tồn tại, tháo gỡ rào cản trong quản lý dự án, như: Lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng, đẩy nhanh thi công, các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán…, quyết liệt trong phối hợp và chỉ đạo điều hành, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đã giao…

Những đơn vị nào chưa thể hiện hết trách nhiệm, cần khắc phục ngay, tự kiểm điểm, tự rà soát cụ thể, chặt chẽ từng dự án, đưa ra cách thức giải quyết và không để ảnh hưởng tình hình chung của tỉnh. Nếu trong hai tuần liên tiếp mà dự án nào không có chuyển biến trong giải ngân thì phải có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 84 của Chính phủ, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổng hợp, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang trình HĐND tỉnh khóa 9 tại kỳ họp thứ 13 sắp diễn ra.