“Bùng nổ” mua sắm online

NDO -

NDĐT - Mua sắm online được nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong mùa dịch Covid-19 khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang có sự thay đổi rõ rệt, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm online “nở rộ”.

Mua sắm online được ưa chuộng trong mùa dịch Covid-19.
Mua sắm online được ưa chuộng trong mùa dịch Covid-19.

Đơn hàng online tăng mạnh
Dù trước đây có thói quen đi siêu thị hàng tuần để mua đồ dùng thiết yếu song gần đây, chị Nguyễn Thị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên chọn mua hàng online. Chị cho biết, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên chị hạn chế đến những nơi đông người. Chưa kể, dịch vụ bán hàng online ngày càng phát triển, hàng hóa đa dạng, giá cả phải chăng, giao hàng tận nhà… nên việc mua hàng rất tiện lợi.

Dịch Covid-19 bùng phát đang thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng. Trong một khảo sát được thực hiện mới đây của của Nielsen Việt Nam và Infocus Mekong Mobile Panel, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm online và giảm các hoạt động mua sắm trực tiếp. Còn theo nghiên cứu của Worldpanel, mua sắm trực tuyến chiếm ưu thế và bùng nổ ấn tượng. Nhiều người mua sắm trực tuyến hơn so với bình thường, đóng góp vào mức tăng trưởng 3 chữ số chỉ trong một tháng kể từ khi có thông báo chính thức về dịch bệnh ở Việt Nam.

Xu hướng này khiến số đơn hàng tại các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Tiki, Lazada… tăng mạnh. Đơn cử như Tiki, gần đây, có thời điểm sàn phát sinh 3.000 – 4.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục. Trong đó, số lượng khẩu trang bán ra đã tăng tám lần, nước rửa tay tăng hơn 10 lần. Đại diện Tiki cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, mức tăng trưởng đã đạt 15% so với thời kỳ cao điểm cuối năm 2019. Đây được coi là trường hợp đặc biệt, vì thông thường sau Tết nguyên đán, nhu cầu mua sắm thường có xu hướng giảm. Hay tại Lazada, nền tảng này cũng ghi nhận, nhu cầu mua sắm các mặt hàng bảo vệ sức khỏe tăng đáng kể. Trong đó, mặt hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, tã giấy và giấy tăng hơn 60%, đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%...

Các doanh nghiệp bán lẻ cũng nhanh chóng thích ứng với kinh doanh trong mùa dịch khi nhiều doanh nghiệp như VinMart, Saigon Coop, Big C, Lotte, AEON… cũng đưa các sản phẩm bán tại siêu thị lên bán online. Đơn cử, từ ngày 16-3, hệ thống Saigon Coop đã triển khai thêm dịch vụ nhân viên siêu thị gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm ba nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu, hóa phẩm. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị bằng các hình thức gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới nhà.

Mới đây, ứng dụng Be cũng đã tung ra dịch vụ “Be đi chợ" giải quyết nhu cầu mua hàng của người dân trong thời điểm dịch bệnh. Theo đó, thông qua ứng dụng này, khách hàng có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu từ bó rau, vỉ trứng... với hóa đơn không quá 500 nghìn đồng có thể yêu cầu tài xế được kết nối “đi chợ giùm”. Khách chọn điểm mua hàng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng món hàng muốn mua và tài xế sẽ thực hiện công việc còn lại...

Theo ghi nhận, các đơn hàng online đã tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Theo bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing Công ty CP VinID, số lượng người mua sắm trực tuyến trên VinID trong mùa dịch đã tăng gấp ba lần so với bình thường. Có giai đoạn đỉnh nhất, tính năng Scan&Go (tính năng quét mã mua hàng tại các siêu thị VinMart, VinMart+) còn tăng gấp 15 lần.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, do lo ngại dịch COVID-19, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50-80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn TMĐT của một số doanh nghiệp tăng 20-30%. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, việc mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến cũng là nội dung nằm trong kịch bản đối phó dịch bệnh mà Bộ Công Thương đưa ra. Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp logistics, TMĐT, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng trong mùa dịch từ hệ thống siêu thị tới người dân, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh.

Quyết liệt bảo vệ người tiêu dùng

Mặc dù kinh doanh online đang được ưa chuộng trong thời điểm dịch Covid-19, nhưng hình thức kinh doanh này vẫn còn nhiều vấn đề cần được kiểm soát, như tình trạng hàng gian hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… Theo thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số, tính đến ngày 16-3-2020, đã có khoảng 11.450 gian hàng và 26.400 sản phẩm vi phạm, số lượng các gian hàng và sản phẩm vi phạm được các sàn TMĐT xử lý, gỡ bỏ, đa số là các mặt hàng liên quan công tác phòng dịch bệnh.

Đáng chú ý, hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm kinh doanh TMĐT ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…

Trước thực trạng trên, khung pháp lý cho hoạt động TMĐT đang được Cục TMĐT và Kinh tế số tập trung hoàn thiện, chuẩn bị cho sự phát triển bùng nổ của thị trường, bên cạnh có những giải pháp đẩy lùi vấn nạn tận dụng kênh trực tuyến để buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Cụ thể, để hạn chế hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên sàn TMĐT, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm như nâng cấp sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng; hợp tác chặt chẽ với Hải quan, cũng như cơ quan QLTT, công an để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan.

Bộ Công thương cũng đang bắt đầu triển khai chiến dịch thanh, kiểm tra ứng dụng TMĐT bán hàng hoặc kinh doanh trên website, dự kiến kéo dài đến hết năm 2020 nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các trang mua sắm và mạng xã hội.

Còn theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, Bộ Công thương cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa. Đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị thanh toán, khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử trong việc phân phối hàng hoá trên môi trường trực tuyến…