Bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với đặc trưng quan trọng nhất là “số hóa”, đang làm thay đổi sâu sắc mọi khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu và tạo ra những khác biệt căn bản so với các thời đại trước cả về nguồn lực, cấu trúc cũng như nguyên lý vận hành kinh tế. Do đó, nhận diện bản chất của CMCN 4.0 và kinh tế số (KTS), nắm bắt đúng thời cơ trong bối cảnh mới, lựa chọn chiến lược thích hợp để bắt kịp xu hướng hiện đại đang là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam.

Bản chất kinh tế số

Nói đến CMCN 4.0 và chuyển đổi số, không thể không bàn đến kinh tế số (digital economy). Thực tế, thuật ngữ này đã dùng khá lâu trước khái niệm CMCN 4.0 khi xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, tiếp đó lan rộng ra khắp thế giới. Có nhiều cách hiểu về KTS nhưng định nghĩa được sử dụng rộng rãi nhất hàm ý đến một nền kinh tế dựa trên công nghệ tính toán số với các hình thức kinh doanh thông qua thị trường dựa vào in-tơ-nét và các mạng toàn cầu. Quá trình này đang ngày càng được đẩy mạnh triển khai trên thế giới ở cả cấp độ quốc gia và doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn, Hàn Quốc đề ra chiến lược “Sáng tạo công nghiệp chế tác 3.0”, giúp DN nhỏ và vừa (SME) tạo dựng các quy trình sản xuất tối ưu, thông minh. Trung Quốc công bố sáng kiến “Made in China 2025” với 10 lĩnh vực then chốt, bao gồm: công nghệ thông tin; công cụ số và robotics; hàng không vũ trụ; kỹ thuật biển và tàu công nghệ cao; tiết kiệm năng lượng và năng lượng mới; vật liệu mới; y sinh học và thiết bị y tế; máy móc nông nghiệp;... Ở cấp độ công ty, Siemens với triết lý xây dựng mô hình kinh doanh mới kết hợp bốn yếu tố: tốc độ, linh hoạt, chất lượng, và hiệu quả, “số hóa” đã tạo được bước chuyển đột phá từ ý tưởng và thiết kế, hoạch định sản xuất, kỹ thuật sản xuất, đến quy trình sản xuất và toàn bộ các khâu dịch vụ. Kết quả, Siemens trở thành một công ty dẫn đầu trên thế giới về mức độ số hóa, điện khí hóa và tự động hóa.

Bên cạnh đó, cấu trúc kinh tế và từng ngành cũng đang biến đổi sâu sắc dưới tác động của công nghệ, “số hóa” và sáng tạo. Nhiều ngành nghề mới đã được tạo ra như kinh tế quà tặng (gift economy), kinh tế chia sẻ (sharing economy) hay kinh tế nền tảng (platform economy),... Đồng thời, khái niệm “ngành truyền thống” cũng đang “mờ” đi rất nhiều khi quá trình số hóa đang ồ ạt tràn vào các lĩnh vực. Thí dụ, ở ngành bán lẻ đang diễn ra quá trình “lấn sân” mạnh mẽ của hệ thống thương mại điện tử khiến thương mại truyền thống với vô số các chợ, cửa hàng, kể cả các siêu thị hiện đại,... phải nhanh chóng nhường thị phần cho các loại hình thương mại mới với các loại hình giao dịch online - offline.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Việt Nam được đánh giá là đất nước có những tiền đề, nhiều lợi thế trong thực hiện CMCN 4.0 và phát triển KTS. Đó là nhận thức, ý chí chính trị; mức độ số hóa nền kinh tế, nguồn nhân lực và hành động của nhiều doanh nghiệp;... Song thách thức cũng rất lớn và chúng nằm trong mọi chiều cạnh được nhìn nhận tích cực. Cả mầu “sáng” và “xám” đan xen nhau, có thể chuyển hóa lẫn nhau và đó là lý do vì sao cơ hội có thể biến thành thách thức và ngược lại. Có thể thấy, với sự hoàn thiện dần hạ tầng số, chính phủ điện tử, khung khổ pháp lý và sự hình thành xã hội số, KTS đã khá rõ nét và tăng tốc ở Việt Nam, đóng góp quan trọng cho kinh tế. Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cả nước hiện có khoảng 30 nghìn DN phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ ICT với tổng doanh thu mỗi năm khoảng 100 tỷ USD. Thiết bị ICT cũng đang chiếm khoảng một phần tư kim ngạch xuất khẩu cả nước, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, DN Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực công nghệ số khi nhiều DN đã tham gia thực hiện nhiều dự án công nghệ cao như: xe tự lái, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo (AI),... hoặc tham gia hỗ trợ chuyển đổi số cho nhiều tập đoàn có tên tuổi lớn như Airbus, Boeing, UPS, GE; tham gia nghiên cứu, phát triển các dự án công nghệ về AI, blockchain, rô-bốt, IoT với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, KTS cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng dẫn đến phân hóa xã hội sâu sắc hơn,… Chính phủ, DN, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục tại Việt Nam cần nhận thức rõ cả cơ hội, thách thức, sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp để thật sự thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. KTS có nhiều khác biệt căn bản so với kinh tế “thực” truyền thống, cả về nguồn lực, đặc trưng và cách thức tương tác, vận hành. Do đó, một loạt chính sách từ cạnh tranh, phát triển công nghiệp, chính sách tài khóa liên quan đến nghĩa vụ pháp lý trung gian và quyền riêng tư phải được xem xét lại. Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để phát triển cũng không đơn giản do nguồn lực hạn chế, vì vậy cần có những lý giải thấu đáo.

Nhiều ngành kinh tế truyền thống của Việt Nam thật sự có lợi thế so sánh và chuyển được thành lợi thế cạnh tranh ngay cả trong bối cảnh mới. Đó là nông nghiệp cây trồng và thủy sản, ICT, du lịch, thậm chí theo dự báo, nhiều ngành có thể tăng cao giá trị như công nghiệp chế tác (14 tỷ USD); nông nghiệp truyền thống (4,9 tỷ USD), nông nghiệp thông minh (1,7 tỷ USD); thông tin và truyền thông (2,5 tỷ USD). Vấn đề then chốt hiện nay là làm sao DN Việt Nam thật sự lớn lên và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của DN cùng những giải pháp hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước sẽ có ý nghĩa quyết định thúc đẩy DN “vươn mình”. Mặc dù còn gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên Việt Nam và cộng đồng DN hoàn toàn có thể khắc phục được. Thực tế, Việt Nam đang sở hữu những tiền đề cơ bản để thực hiện CMCN 4.0, thúc đẩy KTS, tạo đột phá tăng trưởng và phát triển.

Theo thống kê của tạp chí Forbes, lĩnh vực KTS toàn cầu đang có giá trị khoảng 3.000 tỷ USD, chiếm khoảng 3,8% giá trị nền kinh tế toàn cầu. Còn tại các quốc gia ASEAN, giá trị này đạt khoảng 150 tỷ USD, tương đương 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia thành viên. Theo dự báo, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nền KTS của khu vực này sẽ đạt 17% mỗi năm trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chung được dự báo ở mức 9%.