Bắc Ninh tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa

Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp chỉ có khoảng 36.000 ha. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho nên những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều bước đột phá, đời sống của người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Mô hình trồng dưa ở Công ty TNHH Hải Phong (huyện Lương Tài).
Mô hình trồng dưa ở Công ty TNHH Hải Phong (huyện Lương Tài).

Hiệu quả ở các vùng chuyên canh

Anh Nguyễn Văn Nam, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ bắt đầu trồng khoai tây vụ đông từ năm 2012, ban đầu gia đình anh chỉ tính canh tác vài sào cho đỡ phí đất. Anh Nam cho biết: Thời điểm đó khoai tây được giá, nhu cầu của thị trường cao nhưng người dân chủ yếu trồng với quy mô nhỏ cho nên chưa thật sự khai thác được hiệu quả kinh tế. Đến năm 2017, tôi quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh, thuê lại đất của người dân ở các xã lân cận để xây dựng vùng sản xuất khoai tây quy mô lớn. Nhờ vào quyết định táo bạo này, vụ đông năm 2019, diện tích khoai tây của HTX đã lên tới 80 ha, trong đó, nhiều nhất là tại xã Đào Viên (50 ha), xã Bồng Lai (20 ha) và xã Ngọc Xá (10 ha). Với năng suất bình quân từ 20 đến 22 tấn/ha, trừ chi phí, HTX thu lãi khoảng hai tỷ đồng mỗi vụ. Ngoài ra, từ việc trồng và thu hoạch khoai tây, HTX tạo việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Đồng thời, việc canh tác khoai tây còn góp phần cải tạo đồng ruộng, giúp tăng năng suất lúa khi chuyển vụ. Bà con rất phấn khởi vì trong năm 2019, HTX vui mừng đón nhận quyết định được phép khai thác nhãn hiệu tập thể với lô-gô mang tên “Khoai tây Quế Võ”, cùng tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, các hoạt động giao dịch, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều.

Ở Quế Võ ngày càng có nhiều mô hình trồng khoai tây quy mô lớn giống như HTX Nông nghiệp xanh. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Quế Võ, vụ đông năm 2019 toàn huyện trồng gần 1.800 ha khoai tây, năng suất bình quân đạt từ 18 đến 20 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 28 nghìn tấn. Khoai tây chỉ là một trong nhiều loại cây trồng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế ở Quế Võ nói riêng cũng như tỉnh Bắc Ninh nói chung. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh, Đặng Trần Trung cho biết, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản hiện ở Bắc Ninh đã hình thành rất nhiều vùng chuyên canh quy mô sản xuất lớn, mang lại giá trị kinh tế cao. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có khoảng hơn 500 vùng sản xuất lúa với quy mô từ 3 ha trở lên như vùng lúa nếp ở thị xã Từ Sơn, các huyện Yên Phong, Tiên Du với năng suất trung bình đạt 53,9 tạ/ha; vùng trồng lúa tẻ thơm ở Quế Võ, Thuận Thành năng suất trung bình đạt 62,2 tạ/ha hay vùng trồng lúa năng suất cao ở Gia Bình, Lương Tài, năng suất trung bình đạt 66,1 tạ/ha. Đối với các loại rau màu và hoa, toàn tỉnh có tới 71 vùng chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên, điển hình như: vùng trồng cà-rốt tại Gia Bình, Lương Tài; chín vùng sản xuất hoa, cây cảnh với tổng diện tích 180,7 ha tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Thuận Thành và TP Bắc Ninh. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất hoa cao cấp như hoa lily, hoa lan hồ điệp cho giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh có 20 vùng, cơ sở sản xuất cây ăn quả có quy mô từ 2 ha trở lên, điển hình như mô hình sản xuất chuối được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 11,05 ha ở xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du) hay một số mô hình trồng cam đường Canh, cam Vinh của 12 hộ ở huyện Thuận Thành với tổng diện tích khoảng 80 ha, sản lượng hằng năm ước đạt 560 tấn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Bắc Ninh cũng đã hình thành và ổn định nhiều vùng chăn nuôi quy mô lớn như: Vùng chăn nuôi lợn tập trung tại các xã Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (Tiên Du), Gia Đông, Nghĩa Đạo, Đình Tổ, Ninh Xá, Trí Quả (Thuận Thành), Tam Giang, Văn Môn, Yên Phụ (Yên Phong), Lai Hạ (Lương Tài); vùng chăn nuôi gia cầm tại Hòa Tiến (Yên Phong), Tương Giang, Tân Hồng (Từ Sơn), Lạc Vệ (Tiên Du), Phú Hòa (Lương Tài); vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại Cảnh Hưng (Tiên Du), Đình Tổ, Gia Đông (Thuận Thành)... Bên cạnh đó, Bắc Ninh có nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi điển hình như mô hình quản lý an toàn thực phẩm, theo chuỗi ngành hàng thịt gà tại Hà Nội và một số tỉnh phía bắc của công ty chế biến thực phẩm Dabaco. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 18 HTX dịch vụ chăn nuôi, 26 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Có tổng cộng 126 trang trại chăn nuôi trong đó: chăn nuôi gia cầm 61 trang trại; chăn nuôi lợn 59 trang trại, còn lại là trang trại chăn nuôi khác. Các vùng sản xuất tập trung chiếm 30% đến 40% sản lượng của tỉnh và có uy tín trên thị trường tiêu thụ trong nước là giống gà, giống lợn. Cùng với ngành trồng trọt và chăn nuôi, lĩnh vực thủy sản cũng hình thành nhiều vùng nuôi quy mô lớn. Đến năm 2019, toàn tỉnh đã có 162 vùng nuôi thủy sản (diện tích từ 10 ha trở lên) với tổng diện tích 2.757,6 ha, chiếm 53,3% mặt nước nuôi trồng thủy sản, tập trung ở các huyện Lương Tài, Quế Võ, Gia Bình. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến vùng nuôi thủy sản tập trung ở xã Trung Chính với 154 hộ sản xuất, diện tích 48 ha, sản lượng cá thương phẩm đạt 290 tấn/năm. Vùng nuôi cá lồng trên sông xã Song Giang (huyện Gia Bình) của 10 hộ với 240 lồng nuôi, sản lượng cá thương phẩm đạt hơn 1.000 tấn/năm. Vùng nuôi cá lồng trên sông xã Trung Kênh (huyện Lương Tài) của 42 hộ, 526 lồng nuôi, sản lượng cá thương phẩm gần 2.500 tấn/năm…

Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh chỉ khoảng 36.000 ha nhưng do hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cho nên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2019 của tỉnh đạt hơn tám nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 64,2 triệu đồng/người/năm. Sự phát triển ổn định của các ngành nghề kinh tế đã tác động tích cực đến chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Tính đến hết năm 2019, Bắc Ninh đã có 93 trong tổng số 94 xã đạt chuẩn NTM, bảy trong tổng số tám đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tạo đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển

Để có được những kết quả nêu trên, bên cạnh các chính sách của T.Ư về thu hút, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn đặc thù theo định hướng tập trung hỗ trợ phát triển mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao gắn với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Đồng thời chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu phải kể đến các quyết định như: Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, giai đoạn 2014-2020; Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết số 106/2018/NQ-HĐND ngày 17-4-2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc “Quy định hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế VAC trên địa bàn tỉnh” giúp nông dân, chủ trang trại tiếp cận vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cho biết, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Bắc Ninh được ban hành rất kịp thời, phù hợp. Nhờ vậy, nguồn vốn cho doanh nghiệp, HTX cũng như các nông hộ được khơi thông. Điều này góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống, giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo động lực cho việc dồn điền đổi thửa, tăng cường áp dụng cơ giới hóa, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thương hiệu, tạo điều kiện liên kết sản xuất và mở rộng quy mô…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan song sản xuất nông nghiệp ở Bắc Ninh hiện nay còn gặp một số hạn chế. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp hàng hóa đòi hỏi tích tụ ruộng đất đủ lớn trong khi ruộng đất ở nhiều địa phương chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, cùng với đó tâm lý giữ đất không muốn cho thuê hoặc chuyển nhượng của nhiều người dân đã gây khó khăn trong việc thay đổi phương thức sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp thường chịu nhiều rủi ro như tác động của thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa thật sự ổn định. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Những năm gần đây, mặc dù số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Mức độ đầu tư vào nông nghiệp hiện nay chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Trong công tác vận hành thí điểm chuỗi giá trị đã có nhiều doanh nghiệp liên kết đầu vào tham gia chuỗi nhưng lại thiếu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như tạo đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy nhanh quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất, bố trí đất đai hợp lý cho phát triển sản xuất. Chuyển đổi diện tích sản xuất truyền thống kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn trên cơ sở xác định thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, bảo đảm liên kết vùng, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, phù hợp yêu cầu cơ cấu lại kinh tế, phát triển nông nghiệp trong điều kiện hội nhập. Chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn xây dựng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn, ổn định và lâu dài, có truy xuất nguồn gốc và cấp chứng nhận chất lượng. Giám sát và quản lý tốt dịch bệnh, môi trường vùng nuôi thủy sản và chất lượng con giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm dùng trong thủy sản. Đồng thời, quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, củng cố và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các HTX xã nông nghiệp theo các ngành hàng, nhóm sản phẩm gắn với xây dựng chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm…