Bắc Giang phát huy vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp

Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang hiện có 64 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 3.400 đảng viên. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh đã phát triển thêm bảy tổ chức cơ sở đảng, thành lập 36 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, kết nạp 1.015 đảng viên mới, trong đó kết nạp ba chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.

Ngư dân bốc xếp thủy sản tại Cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) sau chuyến ra khơi. Ảnh: HỮU THỌ
Ngư dân bốc xếp thủy sản tại Cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) sau chuyến ra khơi. Ảnh: HỮU THỌ

Để đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, Tỉnh ủy Bắc Giang giao Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia tổ chức đoàn thể; đồng thời các tổ chức đảng trong doanh nghiệp quan tâm đổi mới việc quán triệt, học tập, nghiên cứu và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho phù hợp tình hình thực tế của doanh nghiệp. Tỉnh cũng rà soát, sắp xếp, hoàn thiện các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn mô hình tổ chức cơ sở đảng với thực tiễn lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng sâu sắc, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành thường xuyên tổ chức đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, đổi mới nội dung sinh hoạt phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp, tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh tăng cường chỉ đạo, đa dạng hóa nội dung, hình thức hoạt động, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp…

* Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế của nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bạc Liêu quy hoạch chi tiết vùng biển, ven biển và phát triển kinh tế biển trên cơ sở chiến lược kinh tế biển quốc gia; chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị, cụm dân cư ven biển; quan tâm đầu tư các dự án công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; du lịch, dịch vụ thương mại; từng bước xây dựng huyện Đông Hải thành huyện trọng điểm kinh tế biển.

Bạc Liêu tập trung thu hút đầu tư khai thác lợi thế kinh tế biển; phát triển nuôi trồng thủy hải sản trong đất liền và trên biển; nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản; tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; tích cực kiến nghị bổ sung cảng nước sâu Bạc Liêu vào hệ thống cảng biển quốc gia; phát triển đường thủy nội địa và cảng nước sâu kết nối với cảng Hòn Khoai, Năm Căn, Trần Đề, các khu kinh tế biển của khu vực miền nam, hình thành cảng trung chuyển ven biển trong nước và ngoài nước. Tỉnh đề xuất Trung ương sớm đầu tư đề án tăng cường năng lực phát triển kinh tế biển và xây dựng phao quan trắc khí tượng hải văn Gành Hào. 

Bạc Liêu nỗ lực chỉ đạo hoàn thành và đưa Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vào hoạt động hiệu quả; tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu và các dự án điện gió, điện mặt trời đã được nhà đầu tư đăng ký; phát triển và khai thác có hiệu quả dịch vụ, du lịch khu vực ven biển; kết hợp chặt chẽ kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và củng cố quốc phòng, an ninh.