Trái tim ấm áp

Giữa lòng thành phố “không ngủ”, có một trái tim vẫn luôn đập những nhịp yêu thương, dành cho biết bao em nhỏ không may mắc bệnh hiểm nghèo mang khát khao được sống. Tìm gặp và trò chuyện với cô Đinh Thị Kim Phấn, chúng tôi hiểu hơn những giá trị nhân văn của một nhà giáo mà cả cuộc đời dành trọn vẹn cho các em thơ.

Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn với học sinh trong lễ khai giảng đầu tiên của lớp học tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.
Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn với học sinh trong lễ khai giảng đầu tiên của lớp học tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.

Dù đã nghỉ hưu, cô vẫn hằng ngày dạy dỗ học trò trong lớp học chữ ở Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, nơi mà sự sống và cái chết của các em đôi khi chỉ cách nhau một tích tắc.

Thanh xuân nhiều khát vọng

Trong ngôi nhà rộng chừng 70 m2, ba tầng, nằm ngay mặt phố giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh với ba thế hệ sinh sống, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện chọn nghề và chọn mảnh đất Tây Nguyên để bắt đầu sự nghiệp trồng người từ hơn 40 năm trước. Đó là những năm tháng đầy lãng mạn và khó quên trong cuộc đời cô Phấn.

Trái tim ấm áp ảnh 1

Từ khi còn là học sinh phổ thông, Kim Phấn luôn muốn làm gì đó thật ý nghĩa cho tuổi trẻ của mình. Một lý do nữa thôi thúc cô quyết tâm thực hiện hoài bão, đó là khi ông cậu (em ruột bà nội), lúc ấy là Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, có nói rằng: Thanh niên cần cố gắng làm mọi điều có thể để xây dựng đất nước. Lúc ấy, cô gái trẻ Kim Phấn lập tức cắt hộ khẩu để lên đường thực hiện lý tưởng của bản thân. Gia đình ủng hộ, Kim Phấn hăm hở tìm về núi rừng mà không biết rằng ở đó có muôn vàn khó khăn. 19 tuổi đến với Đắk Lắk, vừa học Trường Sư phạm Cao Nguyên (hiện nay là Trường đại học Tây Nguyên) vừa lao động như đồng bào địa phương. Từ nhỏ tới lớn, lần đầu Kim Phấn biết thế nào là cấy lúa, hái cà-phê... làm đủ thứ để sinh sống và tồn tại. Hơn 70 người bạn cùng trang lứa lúc đó không chịu được cực khổ bỏ về hết, còn một vài người, trong đó có Kim Phấn vẫn quyết tâm bám trụ.

Cô Phấn kể, lúc ấy ở Hà Nội có hai thầy giáo Phạm Trường và Nguyễn Toàn vào Tây Nguyên nghiên cứu, thành lập nhóm dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Tốt nghiệp, cô giáo trẻ Kim Phấn được phân công về dạy tại xã Bình Thuận, huyện Krông Búk nhưng nơi ấy chủ yếu là người dân tộc Kinh sinh sống, chính vì thế cô xin đổi cho một đồng nghiệp khác để về xã Cư Né, nơi toàn bộ người dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Được thông báo trước là ở xã Cư Né không có giáo viên nữ và có thể gặp nguy hiểm, nhưng cô giáo Kim Phấn cam kết sẽ tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trên chuyến xe U-oát, men theo quốc lộ 14, cách TP Buôn Ma Thuột hơn 60 km, đường đi khó khăn nhưng Kim Phấn khi ấy chỉ thấy mướt mải những bông lúa chín vàng và núi rừng một mầu xanh biếc ngút tầm mắt. Lần đầu tận mắt thấy những điều tuyệt vời chỉ từng được biết qua ti-vi, phim ảnh, họa báo... đã khiến Kim Phấn như được tiếp thêm động lực để đi đến tận cùng ước mơ của mình. Từ trung tâm, đi đến km 67, rẽ phải chừng 1 km nữa mới tới một ngôi trường nhỏ với ba phòng học mái tranh vách nứa. Chỉ đến khi học sinh túa ra khỏi lớp, nhìn chằm chằm vào người lạ, cô giáo trẻ Kim Phấn mới có chút giật mình: “Học sinh đây sao? Tóc thì xoăn tít, chân trần, áo quần thì xộc xệch... Tôi không phải sợ, mà là cảm giác lạ lẫm dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước. Nhưng chính những nụ cười hồn nhiên của các em khi ấy, đã trấn an tôi để bắt đầu cuộc sống trên vùng đất mới”.

Được đưa tới ở nhà một người dân, được mua cho một chiếc giường cá nhân mới, tự mua một chiếc chiếu cộng với vốn liếng vỏn vẹn một vài câu tiếng Ê Đê bập bõm, cô giáo Kim Phấn nhìn cách đồng bào sinh hoạt như thế nào thì bắt chước đúng như vậy, thấy gia đình ngồi ăn thì vào ngồi cùng, thấy mọi người uống nước cái bầu (nước lã) cũng uống, thấy mọi người đi gùi nước cũng làm theo, thấy xuống suối tắm cũng xuống theo. Chưa hết, ngày hôm sau bắt đầu đi dạy mới xuất hiện là khó khăn thật sự khi học trò và cô giáo không biết tiếng nói của nhau, chẳng biết giao tiếp như thế nào. Nhưng với quyết tâm dạy chữ cho các em, cô giáo Kim Phấn đã học bằng được tiếng dân tộc Ê Đê để có thể hòa nhập với học sinh.

Hai năm sau, 23 tuổi, cô giáo Kim Phấn đã quyết định kết hôn với ân nhân của mình. Đó là chàng trai nghèo người Kon Tum Y Điệp Niê. Mồ côi cha, mẹ lại quá nghèo cho nên Y Điệp Niê lớn lên trong tu viện, lập nghiệp ở Đắk Lắk, thậm chí anh cũng không biết mình sinh năm bao nhiêu, chỉ đoán chừng bằng tuổi cô giáo Kim Phấn. Lúc đó, Y Điệp Niê là cán bộ xã tại Đắk Lắk, trong một lần xảy ra loạn lạc, chính người thanh niên ấy đã bất chấp nguy hiểm để bảo vệ tính mạng cho Kim Phấn. Họ kết hôn và có với nhau hai con trai kháu khỉnh. Đứng lớp bảy năm, sau đó cô Phấn được đi học quản lý và trở thành phó hiệu trưởng. 12 năm gắn bó với Tây Nguyên, yêu núi rừng đại ngàn đến thế, nhưng cô lại phải rời khỏi mảnh đất ấy khi mất đi con trai đầu lòng.

Đôi mắt cô giáo Kim Phấn rơm rớm nước mắt khi nhớ lại: “Lúc ấy con trai lớn của tôi, Vĩnh Phúc mới tám tuổi. Con chia tay sự sống sau một đêm sốt co giật. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến tôi không thể gắng gượng. Tôi đã trở lại TP Hồ Chí Minh và mất một năm nhốt mình trong phòng. Tôi hầu như không còn động lực sống, cứ nhìn thấy mầu xanh là có cảm giác trầm uất. May mắn là con trai thứ hai, Vĩnh Duy sinh năm 1983, lúc đó mới vào lớp 1, Duy học rất giỏi, thông minh lắm cho nên chính con đã kéo tôi trở lại thực tại. Tôi biết mình phải sống tiếp để nuôi con. Qua những ngày khó khăn ấy, tôi trở lại Tây Nguyên và xin chuyển công tác về TP Hồ Chí Minh”.

Dạy học bằng tình yêu thương

Nhờ quá trình cống hiến trong những năm tháng dạy học ở Tây Nguyên, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn được nhận vào dạy tại Trường tiểu học Đuốc Sống. Từ một cô gái sinh ra và lớn lên ở thành phố, Kim Phấn lên Tây Nguyên phải học cách làm quen với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, sau quãng đường dài thanh xuân, cô trở về và lại học cách làm quen với sự năng động của mảnh đất nơi mình sinh ra. Một ngày, cô giáo Kim Phấn đọc được bài báo về “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy. Cô thường dạy cho học sinh về tấm gương nghị lực của một cô bé bị bệnh ung thư có trái tim nhân ái. Thương mến bé Thúy, cô Kim Phấn tìm đến nhà thăm em. Sau khi bé Thúy mất, cô Phấn thường vào bệnh viện để thăm những đứa trẻ khác cũng mang trong mình những lỗi gien nghiệt ngã. Thấu hiểu nỗi đau của các em bé mắc bệnh ung thư, đồng cảm với những cắt cứa trong lòng những người cha, người mẹ khi nhìn các con đứng trước cửa tử mà không biết làm thế nào để cứu, cho nên ngay khi được mời đứng lớp dạy chữ cho các học trò đặc biệt ấy, cô đã lập tức gật đầu đồng ý.

Báo cáo xin phép Ban Giám hiệu Trường tiểu học Đuốc Sống và được tạo điều kiện các buổi chiều thứ sáu, cô Phấn còn dành thêm sáng thứ bảy và chủ nhật cho các em tại Khoa nội 3 - Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Lễ khai giảng đầu tiên của lớp học diễn ra vào ngày 4-9-2009 với 50 học sinh. Thời gian đầu, các cô giáo phải dạy trong phòng bệnh, cứ mỗi lớp học lại có chiếc bàn gấp nhỏ cho khoảng năm em. Bệnh nhi của sáu phòng bệnh được tập trung thành bốn điểm học. Sau đó, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã bố trí một phòng trên lầu 2, khu B gọi là phòng sinh hoạt chung và được sử dụng làm lớp học cho các bệnh nhi đến tận bây giờ. Các em cũng chuyển từ học ba buổi xuống còn hai buổi, vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy. Nhiều cô giáo và tình nguyện viên đã đến rồi đi, phần vì cuộc sống, phần vì không thể vượt qua được nỗi đau mỗi khi tiễn biệt. Chỉ có cô giáo Kim Phấn vẫn ở đó, trực tiếp đồng hành lớp học cho trẻ mắc bệnh ung thư suốt mười năm qua.

“Những ngày đầu, ngay cả nhiều người nhà bệnh nhân không đồng tình cho mở lớp. Có người còn nói, bệnh tật như vậy học để làm gì. Nhưng chúng tôi đã quyết tâm để các con được học và sống như những em bé khỏe mạnh khác”, cô Kim Phấn nhớ lại. Đến nay, lớp học đã đi vào ổn định. Bước sang năm học thứ 11, năm 2019, lần đầu các em có một lễ khai giảng đúng nghĩa. Những em bé tay vẫn cắm kim truyền, có em đã xạ trị và rụng hết tóc, nhưng đôi mắt bé nào cũng đầy khát vọng sống, rạng rỡ trong những bộ đồng phục để cùng dự lễ khai trường. Đối với cả cô và trò ở lớp học đặc biệt này, thời gian trở nên vội vã, quý giá và ý nghĩa hơn bao giờ.

Trong suốt hành trình gieo chữ và tình yêu ấy, cô Kim Phấn không chỉ dạy các bé kiến thức, múa, hát mà không biết bao lần đã cùng tiễn các học trò ra đi. Cô Phấn hầu như nhớ từng hoàn cảnh, từng gương mặt học trò. Có em đi cùng cô được lâu nhất là bảy năm, có em chỉ học được vài tuần đã rời xa cô giáo và các bạn mãi mãi. Luôn gìn giữ từng cuốn vở phần lớn đều đang viết dở của các học trò trong bệnh viện, cô Phấn dành để làm kỷ vật, kèm với cuốn an-bum hình tặng lại cho gia đình. Đọc những bức thư để lại của các bệnh nhi trong lớp học này, mới thấy các em không chỉ khát khao được học tập, mà còn có rất nhiều ước mơ đẹp đẽ như bất cứ một tâm hồn thơ bé nào. Có điều, những ước mơ ấy đã không bao giờ có cơ hội để thực hiện.

Khuôn mặt cam chịu, nụ cười hiền hòa, cô giáo Kim Phấn lật giở cho chúng tôi xem từng cuốn vở, từng tấm hình của các học trò. Hình như trong ánh nhìn ấy, không có nhiều nuối tiếc. Bởi cô hiểu, sự ra đi nào cũng thật xót đau, nhưng đồng cảm với nỗi đau mất con của những người làm cha mẹ, cô giáo Kim Phấn nhận ra giá trị của sự sống không kết thúc bằng cái chết. Đó là sự trọn vẹn được sống, được yêu thương mỗi thời khắc tồn tại giữa cuộc đời.

Trong hành trình hơn 10 năm đồng hành cùng lớp học, có biết bao cuộc điện thoại, tin nhắn từ cha mẹ học trò thông báo cho cô Phấn về những đứa trẻ đã ngừng thở để trở về nhà trên “chuyến xe cuối cùng”. Nhưng có lẽ, nhờ những giờ học thân thương từ cô Đinh Thị Kim Phấn và các cộng sự, cánh cửa thiên đường đã mở ra nhẹ nhàng và an nhiên với các em hơn. Hai ổ cứng lưu giữ 4.000 gb hình ảnh, vi-đê-ô của các học trò mà cô đặt tên “Những thiên thần đã xa” là những món quà kỷ niệm vô giá cho người ở lại, để trân trọng hơn sự sống và sống tốt hơn mỗi ngày.

“Yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những điều đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tâm hồn. Đó mới là yên bình thật sự”, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn chia sẻ.