Những bước chân không mỏi

Hơn sáu năm qua, kỹ sư Phạm Đình Quý (sinh năm 1972), là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng do giải thưởng WeChoice Awards bình chọn năm 2018, vẫn miệt mài đi xây hàng trăm ngôi trường từ các quỹ ủng hộ cho trẻ em nghèo vùng cao. Những ngày này, bước chân thiện nguyện lại theo anh đến rốn lũ miền trung, nơi đang “oằn mình” trước thảm họa bão, lũ, sạt lở đất... để cùng chính quyền, các nhà hảo tâm góp phần giúp người dân vơi bớt khó khăn, gây dựng cuộc sống mới.

Anh Phạm Đình Quý (ở giữa) trong hành trình hỗ trợ người dân xã Ba Lòng (huyện Đa Krông, Quảng Trị).
Anh Phạm Đình Quý (ở giữa) trong hành trình hỗ trợ người dân xã Ba Lòng (huyện Đa Krông, Quảng Trị).

“Mê” xây trường cho trẻ em miền núi

Phạm Đình Quý từng là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực xây dựng, với lợi nhuận công ty hằng năm có thời điểm lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhưng khi việc kinh doanh không còn thuận lợi, đã có lúc anh mất niềm tin vào tương lai. Chỉ đến khi tham gia chuyến từ thiện đến điểm trường Trung Lý (bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa), chứng kiến hành trình đến trường quá gian nan của những em nhỏ người dân tộc thiểu số, anh đã quyết định tìm cho mình một hướng đi mới. Vừa là tìm lại chính mình, vừa là đem yêu thương sẻ chia đến trẻ em vùng cao bằng việc dựng lên những ngôi trường mới ở nơi khó khăn nhất, thay thế những lớp học dột nát bằng phòng lớp khang trang ở những đỉnh lũng cao chót vót. Anh Quý chia sẻ: “Trong sáu năm, tôi đã tham gia xây 150 ngôi trường to, nhỏ trên khắp cả ba miền Tổ quốc. Nhiều nhất là vùng cao phía bắc chiếm khoảng 70%, miền trung khoảng 20%, còn lại là miền nam khoảng 10%”.

Tại sao lại chọn đi xây trường học? Kỹ sư Quý cho rằng: Đầu tư cho giáo dục luôn là đúng đắn và giá trị nhất trong mọi giá trị. Bởi tri thức được ví như ánh sáng của sợi tóc bóng điện trong đêm tối. Có được nó là có được ánh sáng cho một vùng, một miền và một đất nước.

Tư duy đó của Phạm Đình Quý trở thành ngọn đèn hấp dẫn những tấm lòng hảo tâm tìm đến, phối hợp cùng anh trên hành trình xây trường, làm người thầy danh dự như cách gọi thân mật mà thầy, cô giáo và đám trẻ vùng cao dành tặng. Hiện anh đang điều phối Quỹ Hành động vì nhân ái, đồng thời phối hợp nhiều quỹ thiện nguyện khác như Cơm có thịt... để thực hiện giấc mơ giúp đỡ những bản làng miền núi xa xôi. “Trước đây, khi bắt đầu xây các công trình từ thiện, tôi không tính đến thu nhập vì chỉ nghĩ đi làm vì mình muốn, để kỷ niệm với đời, với nghề. Nhưng khi được người khác tin tưởng, giao cho nhiều công trình từ thiện, tôi đã có sáng kiến là: Chỉ nhận tiền công của mình bằng một người thợ. Như vậy cũng đủ để giúp tôi có thu  nhập  trang trải cuộc sống và cả những chuyến đi”, anh Quý chia sẻ. 

Hầu hết những ngôi trường mà Phạm Đình Quý đứng ra xây dựng đều bằng kinh phí thiện nguyện, ở những nơi khó khăn nhất, địa hình trắc trở nhất nhưng vẫn hoàn thành nhanh, đẹp, vững chãi và... giá rẻ. Điều này khiến càng ngày anh càng nhận được thêm nhiều niềm tin từ cộng đồng, các nhà hảo tâm. Trong chuỗi ngày theo đuổi “nghiệp” xây trường vùng cao, kỹ sư Quý luôn giữ bằng được sự minh bạch về tài chính với các nhà hảo tâm để thể hiện sự tôn trọng với những niềm tin tưởng đó. Bởi vậy, niềm tin và nuôi dưỡng niềm tin đã giúp anh gắn bó với đam mê cho đến tận bây giờ; thậm chí càng ngày càng vui, càng phấn khích với công việc giúp ích cho đời.

Trăn trở với miền trung

Miền trung những ngày qua là tâm điểm để cả nước hướng về bởi những thiệt hại rất lớn về người và tài sản do bão, lũ gây ra. Phạm Đình Quý cũng không thể ngồi yên và kìm nén cảm xúc thúc giục bản thân lên đường. Anh chia sẻ trên trang cá nhân: “Mảnh đất Đa Krông (Quảng Trị), tôi không lạ gì cả bởi có hơn hai năm ở đây xây trường. Gần như xã nào tôi cũng đến, con đường nào tôi cũng đã đi, cuộc sống của người dân như thế nào đều in đậm trong trái tim tôi. Tôi thương họ vô cùng. Tôi hiểu rằng, sẽ có biết bao căn nhà bị cô lập, biết bao người dân thiếu đói đang nằm sâu trong xóm núi, họ sẽ khó khăn lắm. Và tôi đã bay về Quảng Trị không một phút chần chừ”. Người kỹ sư 48 tuổi này đặt chân đến Quảng Trị khi trong tay chưa có gì để cứu trợ, nhưng sau quá trình lên mạng kêu gọi, anh đã được bạn bè, các nhà hảo tâm trao niềm tin với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, rồi hàng tỷ đồng. “Tiền có, hàng có mà nước cứ mênh mông chia cắt. Tôi đã tận dụng mọi sự quen biết để tìm cách giúp đỡ đồng bào. Nước rút tới đâu, tôi đi trao tiền tới đó, từ các xã Cam Thủy, Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), rồi tiến sâu dần vào Hướng Hiệp, A Ngo, A Vao, Ba Nang, Tà Rụt (đều ở huyện Đa Krông)… Càng vào sâu, cảnh tượng càng đói nghèo, xơ xác”, anh Quý kể. 

Đáng nhớ nhất với anh là hôm nhận nhiệm vụ cùng các thầy, cô giáo Trường tiểu học và THCS A Ngo đưa hơn 100 hộ dân về trường tránh lũ. Nhìn cảnh người dân vội vã gùi vác đống nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân ít ỏi, lộn xộn về trường, anh đi sau mà chỉ chực rơi nước mắt. Nhưng tối đến, thấy bà con vui vẻ ăn cơm bằng chính những thức ăn (lạc rang, cá khô, bánh chưng…) của đoàn mình tặng, vị khách đường xa thật sự thấy ấm lòng. “Người dân cảm ơn bằng cách coi mình như người nhà, nhường chỗ ngủ tốt nhất cho mình”, anh Quý xúc động kể.

Những ngày sau, anh bắt tay ngay vào các công việc để hỗ trợ người dân. Trước mắt, khi bão, lũ vừa qua đi, cần nhất là sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm để họ bảo đảm đời sống. Trọng tâm là nhận định được cái họ thiếu để hỗ trợ đúng thực tế cuộc sống cần. Còn về tiền mặt, anh triển khai giúp người dân bằng phương án: Thống nhất với địa phương danh sách các hộ thiệt hại, cần trợ giúp. Đọc tên các hộ trong danh sách lên loa phát thanh của xã. Đưa danh sách lên trang Fanpage tự lập, để người dân hậu kiểm và phản ánh (nếu có). Chuyển tiền cho UBND xã, sau đó, xã sẽ cùng cán bộ đi phát, hoặc tập trung người dân về hội trường xã, thôn để phát. Chủ tịch UBND xã ký tên đóng dấu, chịu trách nhiệm với nhà hảo tâm, với người dân (nếu có sai sót). Anh Quý cho biết: “Cách làm này mình đã thực hiện rất hiệu quả và nhanh chóng, bởi không ai am hiểu địa bàn hơn những người lãnh đạo địa phương, hiểu về đường sá, hiểu về con người. Hơn nữa là có sự chỉ đạo từ cao xuống thấp cho nên mọi việc sẽ tuần tự và đều gắn với trách nhiệm của từng người”. 

Mặc dù biết, trong khó khăn chung của bão, lũ thì hỗ trợ tiền là thiết thực nhưng Phạm Đình Quý và nhóm của anh cho rằng, nó chỉ đúng khi ứng cứu, khắc phục hậu quả. Khi tạm thời ổn định thì phải có những hỗ trợ mang tính thúc đẩy lao động, tái thiết cuộc sống như xây, sửa nhà, tặng giống vật nuôi, cây trồng, công cụ lao động... Trước mắt, anh đang tìm kiếm nhà thầu có đủ khả năng xây dựng những căn nhà lắp ghép phù hợp để giúp người dân bị mất nhà cửa sớm có nơi cư trú mới. Đây là các công việc dài hơi và dự kiến, anh Quý và nhóm của mình sẽ dành nhiều thời gian tới để thực hiện.

Trải lòng về chuyện làm từ thiện

Là một người làm việc thiện nhiều năm, với nhiều kinh nghiệm đúc rút ra, từ cả thành công và cả những mặt chưa được, kỹ sư Phạm Đình Quý cho rằng, làm việc thiện trong những đợt thiên tai, địch họa thì rất tốt nhưng cần bình tĩnh. Anh có quan điểm rằng: “Mặt trận chống lũ có ba tuyến: Tuyến 1 là các chiến sĩ công an và bộ đội tiếp cận cứu trợ người dân bằng trực thăng và phương tiện đặc chủng. Tuyến 2 là chính quyền các cấp đang điều hành khắc phục tại chỗ, mở đường và tiếp nhận sự viện trợ. Tuyến 3 là chúng ta, những tấm lòng đang hướng về miền trung”. “Phải có sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước và nhân dân”, bởi đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, Nhà nước và nhân dân cần cùng chung tay thì công việc mới đạt hiệu quả cao.

Hơn nữa, việc hỗ trợ người dân không hề dễ dàng bởi chính quyền đôi lúc cũng chịu nhiều sức ép. “Hôm đi cùng cô H (xin giấu tên), nhân viên văn phòng của UBND xã A Ngo, được cô kể rằng: Ủng hộ cho họ mà em không dám đưa tiền, vì họ sống một mình, lại già cả nên cứ đưa tiền hôm trước là hôm sau lại bị kẻ xấu vào lấy mất”, anh Quý chia sẻ. Hay như trong đợt bão, lũ vừa qua, nhà bác Thành (xã Ba Lòng, huyện Đa Krông) ngập hàng mét, tài sản bị cuốn trôi hoàn toàn, mái bị tốc hết nhưng lại không thuộc diện hộ nghèo. Bởi vậy, lãnh đạo UBND xã tìm cách chia sẻ để nhóm của anh Quý đến hỗ trợ tiền mặt. Nếu những thông tin này mà với một cách tuyên truyền khác đi, sai lệch thì rất dễ gây hiểu lầm. “Mình đã có lần bị hiểu nhầm. Cách giải quyết là cố làm ra kết quả cao hơn điều họ hiểu lầm. Chỉ có cách đó mới khiến bạn đỡ day dứt, khổ tâm”, anh Quý nhấn mạnh. 

Với những quan điểm trái chiều về cách thức làm từ thiện, hỗ trợ người dân thời gian qua, Phạm Đình Quý chia sẻ: Quan điểm trái chiều là điều bình thường trong mọi vấn đề xã hội. Nhất là khi ở nước ta, mạng xã hội dù có những bước phát triển nhưng vẫn còn mới mẻ. Không ít người dân chưa đủ thời gian làm quen, xây dựng văn hóa mạng xã hội đúng cho nên thiếu nhiều kinh nghiệm để tiếp cận, sàng lọc thông tin; dẫn đến sự phản ứng vội vã cũng là điều dễ hiểu. Thời gian và sự trải nghiệm sẽ giúp họ hiểu và thay đổi dần.

Sau nhiều thăng trầm với việc làm thiện nguyện, anh Quý luôn thấy vui và cảm nhận rõ một mối nhân duyên khi càng ngày càng được gặp và làm việc với nhiều người tốt. Khi tôi hỏi: Anh sẽ tiếp tục con đường này chứ? Phạm Đình Quý nói: Việc thiện luôn hiện hữu quanh ta, cho nên nghĩ thiện, sống thiện cũng là đang tiếp tục rồi. Đó chính là sự khẳng định về những bước chân không mỏi, tiếp tục làm đẹp hơn cho cuộc đời của người kỹ sư Phạm Đình Quý.