Hỗ trợ 1,6 tỷ đồng cho lao động nữ trong khu vực kinh tế phi chính thức

NDO -

NDĐT - Sáng 12-6, hơn 800 phụ nữ hiện là nhân viên giúp việc gia đình đã nhận được khoản hỗ trợ tiền mặt với tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng để góp phần khắc phục ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Đây là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ hợp tác giữa Mastercard và tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam nhằm hỗ trợ lao động nữ trong nước.

Hình ảnh tại lễ trao tặng hỗ trợ cho lao động nữ tại Hà Nội sáng 12-6
Hình ảnh tại lễ trao tặng hỗ trợ cho lao động nữ tại Hà Nội sáng 12-6

Các lao động nữ được nhận khoản hỗ trợ lần này trực thuộc JupViec.vn, một công ty công nghệ cung cấp nền tảng kết nối nhu cầu giúp việc của khách hàng và người lao động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Tùy theo mức độ ảnh hưởng và hoàn cảnh gia đình, mỗi người sẽ được nhận tối đa 3 triệu đồng/người theo hình thức chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của người nhận.

Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Phụ nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, đồng thời họ cũng là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn đầy bất an hiện nay, khó khăn kinh tế sau đại dịch có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ hơn cả những gì dịch bệnh tạo nên. Vì vậy, việc bảo vệ và hỗ trợ người dân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”.

Theo ông Phan Hồng Minh, Giám đốc JupViec.vn, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lao động nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức đã phải đối mặt với việc cắt giảm giờ làm và thậm chí là thất nghiệp. Điều này dẫn đến nhiều áp lực kinh tế nặng nề đối với nhóm đối tượng này khi họ vẫn phải chi trả chi phí sinh hoạt, hóa đơn điện nước,… trong khi bị giảm thiểu hoặc gần như mất toàn bộ thu nhập.

Thực tế từ công ty JupViec.vn cho thấy, có một sự sụt giảm rõ rệt về số lượng đơn hàng trên nền tảng ứng dụng của công ty so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa với người giúp việc cũng bị giảm thu nhập đáng kể.

Theo khảo sát nhanh của Care tại Việt Nam và JupViec.vn, đa số phụ nữ nhận hỗ trợ sẽ dùng khoản tiền này để chi trả chí phí sinh hoạt hằng ngày, trả tiền nợ thuê nhà, thuốc thang, trả nợ, đóng tiền học cho con và trang trải cuộc sống nói chung. Với những nhân viên giúp việc theo giờ đang làm nhiều việc khác như bán hàng hay bán đồ ăn trực tuyến, may gia công tại nhà,…. khoản tiền này còn được dùng để có thêm vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ. Với những người làm giúp việc gia đình toàn thời gian thông qua JupViec.vn, họ dự định dùng tiền để mua dụng cụ lau dọn, xăng xe, nạp tiền điện thoại và dung lượng dữ liệu Internet để sử dụng ứng dụng (‘app’) phục vụ công việc.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, chia sẻ: “Mastercard đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống dịch Covid-19 một cách thành công. Việt Nam đã trở thành một trong những đất nước đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại nền kinh tế, cũng như là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tiến tới giai đoạn hậu Covid-19”.

Tại buổi trao tặng, đại diện Care và Mastercard đều bày tỏ mong muốn sự hỗ trợ này sẽ giúp lao động nữ tại khu vực phi chính thức nâng cao chất lượng cuộc sống, vượt qua được khó khăn tài chính tạm thời hiện nay, góp phần giúp họ có thể quay lại làm việc suôn sẻ sau dịch.

Hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989 đến nay, Care Quốc tế tại Việt Nam đã hợp tác với các đối tác quốc tế và Việt Nam thực hiện hơn 300 dự án. Mục tiêu chương trình dài hạn Care tại Việt Nam là phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa và nhóm dân số dễ bị tổn thương về mặt xã hội ở khu vực đô thị được hưởng lợi ích bình đẳng từ tiến trình phát triển của đất nước.

Mastercard là công ty công nghệ toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, kết nối trên hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hoạt động mới nhất này thể hiện cam kết của Mastercard và Care trong việc đóng góp vào nỗ lực chung của chính phủ Việt Nam để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, hai bên cũng đang hợp tác trong các dự án khác nhằm khơi dậy tiềm lực của cộng đồng phụ nữ tại Việt Nam - những người đang giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng thu nhập và đói nghèo.