Giúp người lao động vượt qua khó khăn

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai là những tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), thu hút đông đảo công nhân lao động. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng do không có nguồn nguyên liệu sản xuất, nhất là các DN nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động (NLĐ). Trong tình cảnh đó, các cấp công đoàn thêm một lần nữa là chỗ dựa tin cậy cho đoàn viên, NLĐ thông qua các hoạt động chăm lo, thiết thực, nghĩa tình.

Chỉ trong vòng hai tháng, các cấp Công đoàn Hà Nội đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gần 60 nghìn công nhân, viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm, giảm thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh. Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 4.000 đơn vị, DN ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, với hơn 160 nghìn NLĐ bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 20 nghìn người bị mất việc làm, hơn 140 nghìn người thiếu việc làm. Ngay sau khi nắm bắt tình hình, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã trích từ nguồn ngân sách công đoàn hỗ trợ 1.590 trường hợp đoàn viên công đoàn thuộc các DN sản xuất, kinh doanh, các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng trực tiếp dịch Covid-19, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, mất việc làm do dịch bệnh, mức hỗ trợ một triệu đồng/suất, tổng số tiền hỗ trợ là 1,59 tỷ đồng. Tiếp theo đó, thiết thực hưởng ứng “Tháng Công nhân” năm 2020, LĐLĐ thành phố quyết định trao thêm 1.500 suất hỗ trợ đợt hai cho đoàn viên công đoàn, NLĐ thuộc hai nhóm nêu trên, mỗi suất một triệu đồng và 0,5 kg gạo. Thời gian trao hỗ trợ tiến hành vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2020.

Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết: Đối với những DN đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, công đoàn tham mưu giải pháp tốt nhất là cho NLĐ nghỉ việc luân phiên, hưởng 75% lương. Đối với những DN không thể bố trí được việc làm cho NLĐ, công đoàn cơ sở phối hợp người sử dụng lao động thực hiện việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32, Bộ luật Lao động, nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ. Với những trường hợp này, công ty có thể trả lương một phần cho NLĐ hoặc NLĐ có thể không hưởng lương. Đối với những DN gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm việc làm, công đoàn cơ sở phối hợp chủ DN lại phương án sản xuất, kinh doanh cũng như phương án sử dụng lao động. Những trường hợp NLĐ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, công đoàn giám sát DN thực hiện theo đúng quy định, chi trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, công đoàn KCN, KCX thăm hỏi và trao quà tặng NLĐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, kêu gọi các chủ nhà trọ, đề nghị chính quyền địa phương nơi có KCN đóng trên địa bàn chỉ đạo, vận động các chủ nhà trọ có hình thức miễn, giảm tiền thuê trọ trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra. Thời gian tới, Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, thống kê trao 1.000 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng tặng những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất.

Tại TP Hồ Chí Minh, liên tục trong hai tuần của đầu tháng 4, hàng nghìn suất ăn miễn phí được cán bộ LĐLĐ quận, huyện trên địa bàn thành phố mang đến tận chỗ ở trọ cho NLĐ làm việc tại một số DN bị ngừng việc, mất việc. Cảm động trước hành động nghĩa tình này, anh Nguyễn Phi Anh, công nhân ở trọ tại khu nhà trọ Ao Sen, phường 16, quận 8 tâm sự: “Nếu không có cán bộ công đoàn, đưa cơm đến tận nhà thì chúng tôi sẽ rất vất vả đi tìm chỗ ăn trong khi nhiều quán tạm dừng hoạt động. Những suất cơm này giúp chúng tôi giảm bớt những khó khăn trong những ngày phải ngừng việc”. Triển khai chương trình “Những suất cơm nghĩa tình công nhân” do LĐLĐ thành phố phát động, LĐLĐ quận 8 đã phối hợp đoàn thể, địa phương phát gần 500 suất cơm miễn phí đến tận nhà trọ mỗi buổi chiều. Mỗi suất trị giá từ 25 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng.

Ngoài ra, một chương trình hỗ trợ thiết thực và kịp thời đối với NLĐ là hỗ trợ các giáo viên, nhân viên các trường mầm non ngoài công lập, đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, được LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh triển khai ngay trong những ngày giữa tháng 3, mỗi suất hỗ trợ là 1,2 triệu đồng. Qua đó, đã có gần 9.000 đoàn viên là giáo viên, nhân viên thuộc hệ thống các trường mầm non ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tổng cộng 10,5 tỷ đồng. Một chương trình cũng hết sức ý nghĩa được các cấp công đoàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung phát động thực hiện, mang hiệu ứng lan tỏa cao là giảm giá nhà trọ cho công nhân lao động. Các cấp công đoàn đã vận động hàng nghìn chủ nhà trọ giảm giá thuê gần 60 nghìn phòng trọ, từ 100 nghìn đến 2,5 triệu đồng/phòng, 200 phòng trọ được miễn thu tiền thuê trọ.

Trong bối cảnh chung, tỉnh Đồng Nai cũng có nhiều DN bị ảnh hưởng do thu hẹp sản xuất. Mặc dù khó khăn nhưng nhiều DN không những nỗ lực bảo đảm việc làm ổn định cho toàn thể cán bộ, NLĐ đơn vị, họ còn chung tay cùng với chính quyền địa phương phòng, chống dịch Covid-19. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Changshin Việt Nam Kim-xi-châng cho biết, DN hiện có 35 nghìn lao động, do vậy, việc phòng, chống dịch, bảo vệ NLĐ không phải là chuyện dễ dàng. Thế nhưng ngoài nỗ lực bảo đảm an toàn lao động sản xuất, phòng, chống dịch và bảo đảm việc làm ổn định cho 100% NLĐ, DN còn trực tiếp ủng hộ và vận động toàn thể NLĐ chung tay ủng hộ số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, góp phần cùng tỉnh Đồng Nai phòng, chống dịch Covid-19. Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (KCN Long Đức), 100% vốn đầu tư Nhật Bản, cũng bị ảnh hưởng. Giữa tháng 3 vừa qua, chủ DN quyết định hỗ trợ cho toàn bộ 1.500 NLĐ phòng, chống dịch Covid-19 với mức 11 triệu đồng/người. Đây là khoản trợ cấp thêm ngoài lương, không cắt giảm phụ cấp và được trả một đợt cùng tiền lương tháng 4-2020. Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Mai Trần Thanh Quang cho biết: Qua việc hỗ trợ, công ty mong muốn cảm ơn cán bộ, công nhân trong thời gian dịch bệnh vẫn cố gắng đi làm. Đồng thời để giúp NLĐ có sức khỏe tốt, bảo vệ bản thân, tuân thủ quy định của ngành chức năng.